(Baothanhhoa.vn) - Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, thời tiết nắng ấm là điều kiện thuận lợi cho cây trồng vụ đông xuân sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tốt để phát sinh các loại sâu, bệnh gây hại. Bởi vậy, chính quyền các địa phương đang tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, bảo vệ cây trồng vụ đông xuân.

Chủ động phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuân

Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, thời tiết nắng ấm là điều kiện thuận lợi cho cây trồng vụ đông xuân sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tốt để phát sinh các loại sâu, bệnh gây hại. Bởi vậy, chính quyền các địa phương đang tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, bảo vệ cây trồng vụ đông xuân.

Chủ động phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ đông xuânCán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định hướng dẫn bà con nông dân biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng.

Gần 40 năm làm nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hình, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương nắm khá rõ chu kỳ phát sinh của các loại sâu, bệnh gây hại trên các loại cây trồng. Với kinh nghiệm của bà, thời điểm này, thời tiết ban ngày nắng ấm, tối nhiệt độ xuống thấp, nên sẽ phát sinh nhiều loại sâu, bệnh gây hại. Do đó, những ngày này, bà tăng cường thăm đồng, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của diện tích lúa đông xuân. Qua kiểm tra, bà phát hiện trên diện tích lúa được gieo cấy bằng các giống TBR225 của gia đình bà đã xuất hiện vết bệnh đạo ôn. Vì vậy, bà đã ngừng bón tất cả các loại phân và các chất kích thích sinh trưởng, duy trì mực nước trong ruộng và phun các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole.

Theo một số người dân cho biết, trên các cánh đồng lúa của huyện Thiệu Hóa thời điểm này đang xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại, như: bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột. Ngoài ra, bà con nông dân còn được chính quyền địa phương tuyên truyền về nguy cơ phát sinh thêm sâu bệnh gây hại khác trên lúa đông xuân, như: rầy nâu, rầy lưng trắng, độc thân... Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn và của UBND các xã, thị trấn, bà con nông dân đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng, trừ. Anh Trần Nghĩa Dũng, xã Tân Châu (Thiệu Hóa), cho biết: Từ trung tuần tháng 3, thông qua việc thăm đồng, anh phát hiện diện tích lúa của gia đình xuất hiện sâu cuốn lá. Theo khuyến cáo của UBND xã và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, những diện tích lúa bị nhiễm có mật độ 2 đến 5 con/m2 anh sử dụng trà tre phát lá để tiêu diệt sâu non và ổ trứng, kết hợp với việc bẫy đèn để tiêu diệt. Còn đối với diện tích có mật độ từ 10 con/m2 trở lên anh tiến hành phun trừ vào thời điểm sau khi bướm nở rộ khoảng 5 đến 7 ngày, bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho thấy: Hiện nay, trên cây lúa, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh và gây hại nhẹ tại các chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 8%, cao 20%. Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại trên các giống lúa lai, lúa cấy dày, tỷ lệ bệnh 2 - 5%, cao 10 - 20%. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 chủ yếu tuổi 2, 3 phân bố tại các ruộng lúa xanh tốt, mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, cao 10 - 20 con/m2. Rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ phổ biến 20 - 40 con/m2, cao 60 - 80 con/m2, cục bộ 185 - 225 con/m2. Sâu đục thân lứa 1 chủ yếu tuổi 2, 3, tỷ lệ hại 0,4 - 0,8%, cao 2% phân bố tại Bá Thước, Thường Xuân, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thạch Thành. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại nhẹ tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa; mật độ phổ biến 1 - 2 con/m2, cao 4 con/m2. Sâu khoang, sâu đục thân, bệnh đốm lá, gỉ sắt hại cục bộ với mật độ và tỷ lệ bệnh thấp. Trên cây rau đậu các loại xuất hiện sâu khoang, sâu cuốn lá, sâu cắn lá, bệnh héo rũ do nấm và vi khuẩn hại rải rác.

Dự báo thời gian tới, các loại sâu, bệnh nói trên sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển gây hại trên diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời, đúng cách. Do đó, để bảo vệ các loại cây trồng trong vụ đông xuân 2021-2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng cần phải thực hiện phun trừ, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo vệ môi trường và các loại thiên địch.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]