(Baothanhhoa.vn) - Sau 4 năm thực hiện (2016–2021), với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định: Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hướng đi đúng, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đoàn viên, thanh niên có vốn tự chủ trong phát triển kinh tế, tự khẳng định mình, tham gia khởi nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Chắp cánh” cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Sau 4 năm thực hiện (2016–2021), với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định: Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hướng đi đúng, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đoàn viên, thanh niên có vốn tự chủ trong phát triển kinh tế, tự khẳng định mình, tham gia khởi nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Chắp cánh” cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt (xã Đông Khê, Đông Sơn) của anh Lê Trọng Thiện - đoàn viên, thanh niên tham gia Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp; nhằm hỗ trợ về vốn cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức đoàn tại các địa phương, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai rà soát nhu cầu vốn để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3815/QĐ-UBND, ngày 4-10-2016; Quyết định số 741/QĐ-UBND, ngày 28–2-2020 về việc sửa đổi một số nội dung của Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (sau đây gọi chung là Đề án).

Đến nay, Đề án đã có 26/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện với tổng nguồn vốn đã giải ngân là 30.558 triệu đồng, hỗ trợ cho hàng trăm dự án, mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên được vay vốn. Căn cứ vào Đề án, Tỉnh đoàn đã phối hợp với NHCSXH – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa phân bổ chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn cơ sở, đồng thời chỉ đạo đoàn cơ sở khẩn trương phối hợp với các NHCSXH cấp huyện tổ chức thẩm định để thực hiện cho vay vốn. Nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp đã được thực hiện cho vay theo hai phương thức. Hình thức thứ nhất là cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hình thức thứ hai là cho vay trực tiếp. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Thông qua nguồn vốn này nhiều đoàn viên, thanh niên đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút thêm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện, có hiệu quả bước đầu” – anh Nguyễn Đình Nhất – Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết. Theo anh Nhất, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.

Các dự án, mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên tham gia vay vốn từ Đề án đa dạng về loại hình, lĩnh vực, hình thức triển khai, hoạt động.

Về mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt có: dự án làm nhà màng lưới, trồng rau an toàn tại Nga Sơn, Lang Chánh; dự án trồng cây ăn quả tại Yên Định, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; dự án ươm, trồng cây tại Quảng Xương; dự án trồng cây cảnh đào, quất tại Như Thanh; dự án chăn nuôi cá tại Hậu Lộc, Thiệu Hóa; dự án chăn nuôi gia cầm tại Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh; dự án chăn nuôi gia súc tại Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thiệu Hóa, TP Sầm Sơn, Mường Lát...

Mô hình đầu tư sản xuất như: sản xuất nhựa lõi thép tại Hậu Lộc; sản xuất cửa nhôm lõi sắt tại Triệu Sơn; gạch không nung tại Quảng Xương, Thạch Thành, Bá Thước; sản xuất bê tông, các sản phẩm xây dựng từ bê tông tại Hà Trung; sản xuất ép củi chấu tại Nga Sơn; sản xuất máy làm nấm tại Đông Sơn; gia công cơ khí tại Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, Triệu Sơn, Thạch Thành...

Mô hình đầu tư phát triển làng nghề như: phát triển nghề mộc dân dụng tại Hoằng Hóa, Thọ Xuân; chế biến nước mắm tại thị xã Nghi Sơn; chế biến nông sản tại Nông Cống...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án bộc lộ những hạn chế, khó khăn. Tham gia Đề án từ năm 2017, đến nay, Huyện đoàn Hậu Lộc có 13 đoàn viên, thanh viên được vay vốn với 13 dự án, mô hình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang cơ bản phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức đoàn, khích lệ, động viên, lan tỏa phong trào đoàn viên, thanh niên thi đua phát triển kinh tế, sản xuất, cống hiến sức mình, chung tay xây dựng quê hương, đất nước. “Tuy nhiên, thực tế khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên có đam mê, tinh thần khởi nghiệp rất lớn, nhu cầu về vốn cao. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Đề án thì có hạn, nhất là nguồn vốn vay không phải thế chấp (vay tín chấp) thấp (dưới 100 triệu đồng). Mặt khác, những vướng mắc về thủ tục hành chính cũng là một trong những “rào cản” đối với các đoàn viên, thanh niên khi tiếp cận Đề án” - Anh Nguyễn Ngọc Thành, Bí thư Huyện đoàn Hậu Lộc nhận định.

Cũng như Huyện đoàn Hậu Lộc, giới hạn về nguồn vốn vay, vướng mắc về các thủ tục hành chính... khiến các tổ chức đoàn cơ sở khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa băn khoăn, trăn trở khi triển khai thực hiện Đề án. Một số nơi, tổ chức đoàn cơ sở và các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện chưa phối hợp tốt trong việc lựa chọn dự án, mô hình dẫn đến khi thẩm định không đạt yêu cầu, gây tồn đọng vốn.

Một số trường hợp đoàn viên, thanh niên là chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có nhu cầu vốn lớn nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn như: tài sản thế chấp, lao động tham gia bảo hiểm, hợp đồng lao động; theo dõi sổ sách thu - chi cũng như các thông tin tài chính khác chưa rõ ràng...

Ngoài ra, một số yêu cầu về các thủ tục hành chính cũng là rào cản đối với việc phát huy hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký HTX, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh... Các huyện miền núi, hoặc một số địa phương, đoàn viên, thanh niên chủ yếu là vay vốn để sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi với quy mô nhỏ và vừa nên việc yêu cầu chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới đủ điều kiện vay nhiều khi bất cập, khó triển khai cho đoàn viên, thanh niên.

Đoàn viên, thanh niên vốn được coi là lực lượng chủ yếu, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Rất nhiều thanh niên nông thôn đi làm ăn xa, thoát ly mảnh đất quê hương nhưng không phải ai cũng có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, nhiều đoàn viên, thanh niên quyết tâm gắn bó với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, tự tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn để lập nghiệp. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và phát huy hiệu quả, lan tỏa giá trị Đề án, phát huy hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, kịp thời nắm bắt, đón đầu hướng đi mới của thị trường cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh. Tỉnh đoàn đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng nguồn vốn ngân sách địa phương cho Đề án lên mức 25 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2022. “Đối với các dự án thanh niên khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn cần được Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh xem xét bảo lãnh. Bổ sung đối tượng vay vốn Đề án bao gồm thêm đoàn viên, thanh niên trong tỉnh có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” – anh Nhất cho biết. Cùng với đó, Tỉnh đoàn chỉ đạo chặt chẽ các tổ chức cơ sở đoàn phối hợp với các phòng giao dịch NHCSXH tại địa phương rà soát, thẩm định kỹ càng các dự án, mô hình vay vốn để giải ngân nguồn vốn hiệu quả, tạo các vùng khởi nghiệp tập trung, tổ chức sản xuất tạo ra hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động khác, khơi dậy tinh thần “ly nông bất ly hương” cho đoàn viên, thanh niên.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]