(Baothanhhoa.vn) - Việc ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng hiện nay đang là quyết sách đúng đắn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cư dân nông thôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Bài 1: Tạo sức hút để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Việc ban hành các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập quốc tế của nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng hiện nay đang là quyết sách đúng đắn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cư dân nông thôn.

Bài 1: Tạo sức hút để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Nông dân xã Vạn Thắng (Nông Cống) chăm sóc cây cà chua. Ảnh: Xuân Hùng

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 3–3-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2020/QĐ–UBND quy định các biện pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 193/2019/NQ–HĐND ngày 16–10–2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn tín dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Để nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh đi vào cuộc sống, các địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Đồng chí Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Thời gian qua, huyện đã quán triệt, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. Trong đó, huyện quan tâm triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư và đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Nông Cống là huyện thuần nông có diện tích đất nông nghiệp lớn, tiềm năng cho tích tụ đất đai chia đều trên địa bàn, bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nguy cơ rủi ro cao, cùng với thu nhập từ các ngành nghề khác cao hơn so với sản xuất nông nghiệp nên khả năng bà con nông dân bỏ ruộng hoặc để ruộng hoang không sản xuất đã và đang diễn ra. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thống kê diện tích này để vận động người dân cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân, HTX có nhu cầu tích tụ, thuê đất để sản xuất tập trung quy mô lớn.

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đạt tổng giá trị sản xuất hàng năm khoảng 15.000 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu 210 triệu USD và chiếm tỷ trọng 10% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt bậc; có 7/9 mục tiêu, 18/21 chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đạt và vượt mục tiêu chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ song nông nghiệp của tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có trên địa bàn. Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng thì việc triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có vai trò quan trọng, là trụ cột và là đầu tàu trong việc phát triển nông nghiệp...

Thời gian qua, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã tạo điều kiện cho các hộ dân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp thuê đất của người dân để tổ chức sản xuất. Đại diện lãnh đạo UBND xã Hoằng Lưu, cho biết: Đất nông nghiệp trên địa bàn xã thường xảy ra hạn hán vào mùa nắng nóng, ngập lụt vào mùa mưa, dẫn đến khó khăn cho sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018, xã đã vận động Nhân dân dồn đổi ruộng đất, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân để sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản và hiện trên địa bàn có hai doanh nghiệp thuê đất để tổ chức sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Kim Huy – Việt Nam, thuê 5 ha đất của 40 hộ dân thôn Nghĩa Lộc với giá 1,7 triệu đồng/sào/năm, để sản xuất cà rốt, bắp cải, doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm; tạo việc làm cho 30 đến 50 lao động (kể cả lao động thời vụ), thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng... Công ty Đầu tư và Xây lắp Xuân Minh, thuê 15 ha đất của 130 hộ dân ở hai thôn Phượng Ngô 1 và Phượng Ngô 2 với giá 1,7 triệu đồng/sào/năm, để sản xuất cà rốt, bắp cải, súp lơ, thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động và 30 đến 70 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của 2 doanh nghiệp sản xuất đều bảo đảm an toàn thực phẩm và được sơ chế, đóng gói, xuất khẩu đi Hàn Quốc và tiêu thụ tại các siêu thị trong, ngoài tỉnh.

Theo tổng hợp, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 790 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 263 doanh nghiệp so với năm 2015; trong đó, có 52 doanh nghiệp trồng trọt, 48 doanh nghiệp chăn nuôi, 13 doanh nghiệp lâm nghiệp, 9 doanh nghiệp thủy sản, 668 doanh nghiệp tổng hợp, tổng vốn đầu tư khoảng 8.227 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 12.977 lao động. Trong tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, có 498 doanh nghiệp (chiếm 63%) hoạt động hiệu quả; số còn lại là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động cầm chừng do hạn chế về thị trường, nguồn vốn hạn hẹp, thiết bị máy móc lạc hậu... Những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, ngoài đầu tư phát triển cây mía, doanh nghiệp đã thành công phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như: dưa vàng, cam, lúa hữu cơ...; Công ty CP Sao Khuê, sản xuất lúa hữu cơ; Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam đầu tư 3 trang trại bò sữa tại các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định, với tổng đàn bò khoảng 10.500 con, cung cấp 120.000 kg sữa/ngày; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam là thành viên của Công ty CP Thái Lan, đầu tư chăn nuôi lợn và gia cầm (91 trang trại lợn với 8.400 lợn nái, 73.505 lợn thịt và 40 trang trại gia cầm với khoảng 300.000 con); Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, đầu tư liên kết vùng nuôi ngao xuất khẩu tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, quy mô khoảng 1.000 ha...

Thực tế việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cho thấy: Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nhất là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa triển khai thực hiện hiệu quả và thiếu sự ổn định. Doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tỷ lệ sinh lời thấp, lại thường xuyên gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, bán lẻ lớn, chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thanh Hóa là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong năm chương trình trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhất là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các chính sách này hiện đã cơ bản sát với thực tế, đi vào thực tiễn đời sống, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Đi đôi với đó, vấn đề hiện nay là tập trung cao cho việc khai thác tiềm năng trong phát triển nông nghiệp; đồng thời, thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài 2: Thanh Hóa – vùng đất tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Nhóm PV Kinh tế


Nhóm PV Kinh Tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]