(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã tích cực sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm rau, củ, quả của người dân sản xuất ra chủ yếu mới được tiêu thụ ở các chợ truyền thống, còn việc “chen chân” vào siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vì sao sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh khó vào siêu thị ?

Thời gian qua, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã tích cực sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm rau, củ, quả của người dân sản xuất ra chủ yếu mới được tiêu thụ ở các chợ truyền thống, còn việc “chen chân” vào siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vì sao sản phẩm rau, củ, quả của tỉnh khó vào siêu thị ?Phần lớn các sản phẩm rau, củ, quả được bày bán ở Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa từ các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 97 vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung, với tổng diện tích 12.560 ha, sản lượng đạt gần 600.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.000 ha, sản lượng khoảng 170.754 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 29,6 nghìn ha diện tích rau ăn lá, chủ yếu là: rau cải các loại, rau muống, mùng tơi, rau ngót, rau rền, bắp cải, xúp lơ, rau diếp, xà lách, các loại rau gia vị... Ngoài ra, có 16.000 ha diện tích quả các loại, bao gồm: dưa chuột, cà chua, bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp ngọt, mướp đắng, su su, ớt ngọt, bí đỏ, cà các loại, đậu các loại, su hào, cà rốt... Người dân ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động đưa các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất và ứng dụng công nghệ sản xuất trong nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau, củ, quả an toàn theo quy trình VietGAP. Mặc dù, hiệu quả sản xuất rau, củ, quả cao hơn so với những cây trồng khác, nhưng với những khó khăn về thị trường tiêu thụ, điều kiện thời tiết, mùa vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất, dẫn đến khó khăn trong xây dựng và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật.

Tìm hiểu thực tế tại các vùng sản xuất chuyên canh rau, củ, quả an toàn tập trung tại các xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), xã Vạn Hòa (Nông Cống), xã Thọ Hải (Thọ Xuân), phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa)... Các sản phẩm rau, củ, quả của người dân sản xuất mới chỉ khoảng 30% sản lượng được tiêu thụ theo hợp đồng liên kết; trong đó, chỉ có khoảng 10% được nhập bán cho các siêu thị, còn lại được tiêu thụ ở các chợ truyền thống hoặc chợ đầu mối. Ngoài ra, việc kích cầu tiêu thụ rau an toàn từ liên kết giữa các siêu thị, HTX và nông dân tuy đã có, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, cho biết: Thời gian qua, HTX chuyên liên kết với các hộ dân sản xuất các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho một số bếp ăn tập thể và siêu thị, trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa và các địa phương lân cận. Hiện xã Hoằng Hợp có 24,5 ha chuyên canh rau, quả được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 150 tấn rau, củ, quả các loại/ha. Ngoài ra, còn 46 ha canh tác rau, quả thường xuyên do Nhân dân tự sản xuất. Trước đây, thông qua hợp đồng bao tiêu sản xuất, HTX đã cung ứng thường xuyên cho Siêu thị BigC (TP Thanh Hóa), với số lượng 3 tạ rau, củ, quả các loại/ngày. Nhưng hiện nay, chỉ còn cung ứng 50 kg rau, củ, quả/ngày cho Siêu thị BigC. Hiện lượng rau, củ, quả an toàn của địa phương đang gặp khó trong việc tiêu thụ, nhất là tiêu thụ tại hệ thống siêu thị. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhưng cốt lõi do việc nhập rau, củ, quả vào siêu thị đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Trong khi lượng thu mua của các siêu thị không nhiều, giá thành bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế, như: phí mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ quảng cáo, bán hàng, giá kệ, đóng phí mã hàng... nên giá trị kinh tế không được như mong đợi. Trong khi việc người dân sản xuất theo quy trình VietGAP cần tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, phải ghi nhật ký từ khi gieo giống, quy trình bón phân, chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây... Điều này cũng gây khó cho người nông dân, vốn quen thuộc với sản xuất, canh tác truyền thống và dựa theo kinh nghiệm là chính.

Trên địa bàn tỉnh có hàng chục siêu thị quy mô lớn, thu hút đông người mua sắm, như: Siêu thị BigC, Vinmart+, Co.opmart và hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị mini... Qua khảo sát thực tế tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cho thấy, sản phẩm rau, củ, quả được bày bán tại đây phần lớn là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, chỉ chiếm số lượng rất khiêm tốn trong số các mặt hàng rau, quả được bày bán trong các kệ của siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nguyên nhân là do sản phẩm của các HTX, hộ dân không đáp ứng được một số yêu cầu cung ứng hàng hóa vào siêu thị. Đơn cử như ngoài yêu cầu sản phẩm rau, củ, quả có tem nhãn được chứng nhận theo quy định, phải đảm bảo số lượng hàng hóa ổn định theo từng ngày, từng thời điểm... Trong khi người dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khi giá cả thị trường tăng dễ phá vỡ hợp đồng cung ứng ra bên ngoài. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm trong quá trình trồng trọt và vận chuyển còn hạn chế. Ngoài ra, khách hàng còn chưa mặn mà, giá thành rau, củ, quả trong siêu thị cao hơn so với chợ truyền thống. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc đưa rau, củ, quả và các sản phẩm nông sản của địa phương trong tỉnh vào siêu thị càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận của các HTX, hộ sản xuất có sản phẩm rau, quả chất lượng với các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn hạn chế. Vì vậy, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần tích cực tạo điều kiện hỗ trợ HTX, người dân sản xuất trong việc xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng, dán tem, nhãn mác cho các mặt hàng rau, củ, quả. Đồng thời, phát triển phần mềm, cơ sở dữ liệu, website kết nối người sản xuất với người tiêu dùng theo hướng thương mại điện tử; hỗ trợ liên kết đưa sản phẩm vào các siêu thị, bếp ăn tập thể; hỗ trợ mở các cửa hàng rau an toàn trực tiếp từ người sản xuất không qua trung gian thị trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, HTX đầu tư sản xuất, xây dựng sản phẩm rau, củ, quả có chất lượng được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và có sản phẩm được công nhận là sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho các tổ chức, cá nhân đưa các sản phẩm rau, củ, quả và các mặt hàng nông sản của tỉnh vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]