(Baothanhhoa.vn) - Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đã được quy định chi tiết tại Luật Giá năm 2012 và Nghị định 177/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 1-1-2014, việc niêm yết giá là quy định bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện niêm yết giá chủ yếu mới được triển khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Tại các chợ truyền thống, vấn đề này còn khá gian nan hoặc chỉ mang tính hình thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiểu thương các chợ vẫn “phớt lờ” quy định về niêm yết giá

Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đã được quy định chi tiết tại Luật Giá năm 2012 và Nghị định 177/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 1-1-2014, việc niêm yết giá là quy định bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện niêm yết giá chủ yếu mới được triển khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Tại các chợ truyền thống, vấn đề này còn khá gian nan hoặc chỉ mang tính hình thức.

Kinh doanh hàng hóa tại chợ thị trấn Như Thanh.

Chợ Nam Thành (TP Thanh Hóa) có hàng trăm gian hàng kinh doanh cố định. Đây là một trong những chợ buôn bán, kinh doanh khá sầm uất ở thành phố. Các mặt hàng ở đây khá đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách, văn phòng phẩm đến thực phẩm tươi sống, chế biến sẵn... Tuy nhiên, việc thực hiện niêm yết giá ở đây đang còn là vấn đề khá “xa xỉ”. Tại một quầy bán quần áo trẻ em với hàng trăm mẫu mã, khi được hỏi giá của sản phẩm, người bán hàng đọc vanh vách từng loại theo... cảm hứng. Khi được hỏi đến vấn đề niêm yết giá cho sản phẩm, người bán hàng nói tránh: Do hàng mới nhập về hôm qua với số lượng khá nhiều nên cửa hàng chưa niêm yết kịp.

Không chỉ tại các chợ ở thành thị, khảo sát thực tế tại nhiều chợ ở nông thôn, tình hình cũng không khác là bao. Tại chợ thị trấn Như Thanh, từ các ki-ốt kinh doanh ở phía ngoài đến các sạp hàng trong chợ, việc tìm kiếm mặt hàng được niêm yết giá là khá khó khăn. Một tiểu thương cho biết: Quy định về niêm yết giá chúng tôi có biết, tuy nhiên ở nông thôn hiện vẫn giữ thói quen mặc cả khi mua hàng. Do đó, việc niêm yết giá là chưa cần thiết.

Bằng cách “phớt lờ” việc niêm yết giá, các tiểu thương kinh doanh tại chợ thường định giá sản phẩm theo nhu cầu thị trường, thậm chí, còn “nhìn mặt” khách để nói giá. Sự lập lờ về giá cả tại chợ khiến cho một bộ phận người tiêu dùng trở nên e ngại khi mua hàng hóa tại chợ. Chị Lê Thu Trang, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, cho biết: Việc không rõ ràng về giá khiến người mua không thoải mái, yên tâm khi mua hàng. Nếu không mặc cả, hoặc mặc cả ít thì dễ bị mua đắt, còn nếu mặc cả nhiều thì người bán khó chịu. Cũng vì lý do này, ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chị ít khi mua sắm hàng hóa tại chợ mà chủ yếu mua tại các siêu thị hoặc cửa hàng quen thuộc.

Bên cạnh việc không thực hiện niêm yết giá, tại một số chợ, việc triển khai niêm yết giá lại mang tính hình thức nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Cũng theo quy định tại Nghị định 177/NĐ-CP, việc niêm yết giá phải được thực hiện theo hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết giá theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết. Tuy nhiên, một số chủ cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết đối phó. Người mua vẫn có thể mua được hàng với giá chỉ bằng 50%, thậm chí thấp hơn so với giá niêm yết, tùy vào... khả năng mặc cả.

Theo quy định của pháp luật, hành vi không niêm yết giá sản phẩm, niêm yết giá không rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho vi phạm lần đầu; 1 triệu đến 3 triệu đối với vi phạm lần 2. Hàng năm, Chi cục Quản lý thị trường cùng các ngành liên quan cũng đã tổ chức một số đợt kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, có lẽ mức phạt chưa đủ sức răn đe nên chưa có tác động làm thay đổi rõ nét hành vi kinh doanh của tiểu thương, nhất là tại các vùng nông thôn.

Để khắc phục trình trạng vi phạm về niêm yết giá, các lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực giá. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc thay đổi thói quen, hành vi mua, bán của người tiêu dùng và người kinh doanh sẽ góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường, thúc đẩy sản xuất, giao thương phát triển.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]