(Baothanhhoa.vn) - Khuyến mãi, giảm giá là hình thức được nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lựa chọn để kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn, thu hồi vốn cũng như tri ân khách hàng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình trạng lợi dụng hoạt động khuyến mãi để tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng hoặc nâng giá gốc của sản phẩm sau đó lại giảm giá để thu hút khách hàng vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý hoạt động khuyến mãi, giảm giá để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Khuyến mãi, giảm giá là hình thức được nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lựa chọn để kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn, thu hồi vốn cũng như tri ân khách hàng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình trạng lợi dụng hoạt động khuyến mãi để tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng hoặc nâng giá gốc của sản phẩm sau đó lại giảm giá để thu hút khách hàng vẫn còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Việc thực hiện các chương trình khuyến mãi của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều bất cập. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Theo số liệu thống kê, 9 tháng năm 2018, Sở Công Thương tỉnh đã tiếp nhận gần 3.200 hồ sơ đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mãi của các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các chương trình khuyến mãi được tổ chức bằng nhiều hình thức hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, như: Mua hàng được tặng quà, giảm giá sản phẩm, cào hoặc bốc thăm trúng thưởng, đăng ký thông tin trên internet nhận quà hay tích lũy điểm quy đổi thành quà tặng... Trên thực tế, nếu các chương trình khuyến mãi thực hiện đúng quy định sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và khách hàng. Tuy nhiên, có không ít cửa hàng, cơ sở kinh doanh tự ý thực hiện khuyến mãi, không thông qua cơ quan chức năng và sử dụng chiêu trò để “móc túi” khách hàng dưới hình thức nâng giá cao sau đó thực hiện giảm giá hoặc trà trộn hàng kém chất lượng..., khiến cho người tiêu dùng nhiều khi “sập bẫy” khi mua sản phẩm giảm giá. Chị Trần Thị Như Quỳnh, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giảm giá của khách hàng để trà trộn những sản phẩm cũ, lỗi mốt, thậm chí là hàng đã qua sử dụng. Đơn cử, ở một hãng thời trang nổi tiếng trên phố Cao Thắng, có treo thông báo sale (giảm giá) 50%, nhưng khi khách hàng đến thì được nhân viên tư vấn chỉ giảm giá đối với những mặt hàng ký gửi (hàng đã qua sử dụng) và bộ sưu tập cũ.

Cũng trao đổi với chúng tôi về vấn đề mua hàng khuyến mãi, chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa), chia sẻ: Bình thường khách hàng có thể mua chiếc áo sơ mi với giá niêm yết 250.000 đồng, nhưng vào cuối mùa, cửa hàng lại tự ý tăng giá niêm yết lên 320.000 đồng rồi giảm giá 30%. Nếu khách hàng không phát hiện thì vẫn mua chiếc áo đó với giá 224.000 đồng. Như vậy, cửa hàng chỉ lãi ít hơn thời gian đầu mùa nhưng không bị tồn hàng. Hơn nữa, hàng khuyến mãi sẽ đi kèm với thông điệp “không đổi, trả hàng” nên nếu người tiêu dùng không “thông thái” sẽ là người chịu thiệt.

Ngoài sự thiếu minh bạch, gian lận của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong hoạt động khuyến mãi thì tình trạng các nhóm sản phẩm kinh doanh theo mùa như điện lạnh, thời trang... sẽ đồng loạt được các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện giảm giá cùng thời điểm khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát, theo dõi, quản lý cũng như phát hiện những vi phạm trong hoạt động khuyến mãi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Trước thực trạng xuất hiện nhiều bất cập trong hoạt động khuyến mãi, Sở Công Thương đã tăng cường quản lý hoạt động khuyến mãi trên địa bàn bằng các biện pháp quản lý hồ sơ đăng ký, cũng như giám sát hoạt động khuyến mãi thực tế của các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Công Thương còn chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan thuế, công an và UBND các địa phương nơi diễn ra các hoạt động khuyến mãi thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa khuyến mãi, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp bán hàng hóa lưu động, phát hiện dấu hiệu sai phạm kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Để hoạt động khuyến mãi đi vào nền nếp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, công khai đơn vị khuyến mãi thì các cơ quan chức năng cần bám sát theo các quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại để giám sát, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thực hiện khuyến mãi theo quy định. Bên cạnh đó, đối với khách hàng, cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mãi, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mãi như đã cam kết. Thông báo cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh biết khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khuyến mãi; yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]