(Baothanhhoa.vn) - Được xem là phương thức giao dịch hiện đại, những năm gần đây, nhờ tính linh hoạt, tiết giảm chi phí, thời gian cho các bên tham gia, thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước chiếm ưu thế trong giao thương. Để phát huy thế mạnh của TMĐT trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh và ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy ưu thế của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh

Được xem là phương thức giao dịch hiện đại, những năm gần đây, nhờ tính linh hoạt, tiết giảm chi phí, thời gian cho các bên tham gia, thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước chiếm ưu thế trong giao thương. Để phát huy thế mạnh của TMĐT trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh và ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả tích cực.

Phát huy ưu thế của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanhKhách hàng sử dụng thương mại điện tử để mua sản phẩm rau an toàn của HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT nói riêng đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng TMĐT, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch. Nhiều đơn vị đã lập website để phục vụ cho việc tiếp thị, quảng bá, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, chỉ số TMĐT của tỉnh từ xếp thứ 28 năm 2019 tăng lên xếp thứ 10 năm 2020, trong tổng số 54 tỉnh, thành phố xếp hạng. Điều này cho thấy, sự ứng dụng TMĐT trong hệ thống DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. TMĐT từng bước trở thành kênh thương mại hữu ích với cả DN và người tiêu dùng.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, có địa chỉ tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao và cung ứng các dịch vụ nông nghiệp hiện đại. Công ty đã tận dụng lợi thế của TMĐT để tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, phụ trách kinh doanh, cho biết: Công ty phân phối hàng hóa vào hệ thống một số siêu thị lớn, thành lập website, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin về các sản phẩm và có thể đặt hàng trực tuyến. Phát huy thế mạnh của TMĐT là cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, hằng ngày, công ty cung cấp cho thị trường hơn 150kg rau, củ, quả an toàn. Nhờ vậy, doanh thu 10 tháng năm 2020, ước đạt gần 8 tỷ đồng.

Không chỉ DN mà các HTX cũng tích cực trong ứng dụng TMĐT thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), cho biết: “Trước đây, HTX chủ yếu tiêu thụ sản phẩm theo kênh phân phối truyền thống, không mấy “mặn mà” với giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, xu hướng mua hàng trực tuyến của người dân tăng, các đơn vị sản xuất bắt đầu quan tâm, có định hướng xúc tiến rõ ràng đối với việc giao dịch bằng TMĐT. Nhờ tham gia quảng bá, giới thiệu qua facebook, Cổng thông tin du lịch làng nghề huyện Hoằng Hóa, các sản phẩm rau an toàn của HTX được nâng cao uy tín và khẳng định thương hiệu. Do đó, với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn, HTX sẽ cố gắng đầu tư, phát huy thế mạnh của mình trên sàn TMĐT để không nằm ngoài guồng quay phát triển của xã hội”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, đã có hơn 50% các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ứng dụng hình thức giao dịch qua website thương mại và hơn 70% ứng dụng hiệu quả kinh doanh thông qua các mạng xã hội như facebook, zalo, twitter... Song song với đó, khi TMĐT trở thành kênh mua bán hiệu quả, trên địa bàn tỉnh đã được lắp đặt 915 máy POS thanh toán (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối... cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử cũng được các DN áp dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thời gian và chi phí của đôi bên.

Tuy nhiên, do nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về TMĐT còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nên công tác tư vấn, hỗ trợ các nội dung về TMĐT cho DN còn hạn chế. Hoạt động tương tác giữa DN và khách hàng trên sàn giao dịch TMĐT và website bán hàng của DN chưa thực sự sôi động, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của DN và khách hàng. Các website bán hàng chưa thực sự tạo uy tín nên khách hàng chưa có nhiều niềm tin vào việc mua bán trực tuyến qua mạng, vẫn giữ thói quen sử dụng các kênh mua bán, giao dịch trực tiếp truyền thống tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện ích... Do đó, từ tháng 6 đến tháng 10-2020, Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức 2 buổi tập huấn nâng cao năng lực cho gần 400 lượt DN, HTX có tiềm năng phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua TMĐT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng TMĐT, phát triển sản phẩm, như: Hỗ trợ áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý DN, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán điện tử trên website của DN.

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]