(Baothanhhoa.vn) - Quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nan giải vấn đề quản lý giá và chất lượng hàng hóa

Quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Nan giải vấn đề quản lý giá và chất lượng hàng hóaNhiều cửa hàng kinh doanh không thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngoại trừ các siêu thị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, còn hầu hết các cửa hàng, chợ truyền thống, kinh doanh qua các trang mạng điện tử vẫn chưa thực hiện tốt việc này. Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp để tạo nên một thói quen mua bán văn minh và để bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh cũng như người mua hàng.

Nghị định số 177/2013/NĐ–CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc niêm yết giá tại các chợ có hiệu lực từ năm 2014. Theo đó, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng... để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, hầu hết các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đều chưa thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Mùi, chủ cửa hàng giày dép tại thị trấn Tĩnh Gia, cho biết: Tâm lý của khách hàng muốn “mặc cả” bớt 1, 2 giá so với giá người bán đưa ra. Vì tâm lý đó, sản phẩm ghi rõ giá, chị vẫn đều bớt cho khách hàng 5 đến 10 nghìn đồng, với mục đích thu hút khách, tăng số lượng bán hàng. Bên cạnh đó, mỗi cửa hàng chỉ có một chủ kiêm người bán nên không có thời gian gắn giá vào hàng trăm sản phẩm. Không chỉ riêng cửa hàng giày dép của chị Mùi, mà hàng chục ki-ốt tại chợ Còng (Tĩnh Gia) đều không thực hiện việc niêm yết giá trên sản phẩm. Một vài sản phẩm như: Sữa bột, bánh kẹo, bột giặt... nhà sản xuất đã ghi giá trên bao bì, nhưng người bán cũng không bán đúng giá đã ghi trên sản phẩm.

Quan sát của chúng tôi tại một số chợ truyền thống trên địa bàn các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc... cho thấy, tình trạng không niêm yết giá diễn ra phổ biến, từ các mặt hàng gia dụng, đồ điện tử, quần áo cho đến gạo, mắm, muối, thịt, cá, rau, củ, quả... thậm chí, người tiêu dùng cũng không quan tâm đến việc niêm yết giá tại các chợ, chính điều này đã làm cho người bán hàng đẩy giá sản phẩm lên cao hơn so với giá trị gốc của hàng hóa.

Mặc dù, theo Nghị định số 84/2011/NĐ–CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đã quy định rõ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, thu tiền dịch vụ cao hơn giá niêm yết. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, còn tại các quầy hàng, ki-ốt kinh doanh ở chợ, nhất là khu vực nông thôn, miền núi mới dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Việc niêm yết giá tại các cửa hàng, chợ đã như vậy, còn với hình thức kinh doanh qua các trang mạng trực tuyến lại càng khó khăn hơn nhiều lần. Kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội hiện nay có nhiều cái không: Không thuế, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không giấy phép kinh doanh và chất lượng các mặt hàng này cũng không được kiểm chứng, không tốn tiền thuê mặt bằng, không bị kiểm soát, khiến cho hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng rầm rộ. Thực tế, hiện nay một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích rẻ hoặc thiếu hiểu biết, chưa mấy quan tâm đến quyền lợi khi mua hàng nên thường “mắc bẫy” của một số trang bán hàng không chính thống. Đã có không ít người mua hàng online thất vọng và gặp phải tình huống “dở khóc dở cười”. Bị những hình ảnh quảng cáo ấn tượng của các trang web hấp dẫn, chị Lương Thị Hải, ở xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia) đã đặt mua đồng hồ online. Nhưng khi nhận sản phẩm, chị “dở khóc dở cười” vì nó khác xa với hình ảnh quảng cáo trên website trực tuyến, chất lượng hàng kém, không đúng theo ý nhưng lại không được đổi trả.

Đây không phải là trường hợp cá biệt mà đã có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người tiêu dùng trong tỉnh đã mắc phải tình trạng hàng nhận được và hàng quảng cáo khác xa nhau “một trời một vực” khi mua hàng trên mạng. Đáng nói, nhiều chị em khi mua hàng trên mạng đều có chung nhận xét là, các chủ bán hàng qua mạng đã “trá hình” bằng cách mua một vài mẫu sản phẩm “xịn” chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng quảng cáo, lấy lòng tin của khách hàng. Vì vậy màu sắc, kiểu dáng qua ảnh thường đẹp hơn nhiều so với sản phẩm thật.

Thực trạng không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá của các chủ kinh doanh không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt thòi khi mua hàng không đúng giá thực tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương. Bởi, một khi hàng hóa không được niêm yết, khách hàng không có cơ sở để so sánh, lựa chọn được mức giá mua hợp lý; đồng thời, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh. Việc niêm yết công khai giá bán tại các chợ, cửa hàng kinh doanh đã được pháp luật quy định, giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hạn chế nhận thức của chủ kinh doanh và thói quen mua hàng thường trả giá, không quan tâm đến giá niêm yết của phần lớn người tiêu dùng hiện nay vô hình chung tạo điều kiện cho chủ các cơ sở kinh doanh “phớt lờ” quy định niêm yết giá hàng hóa. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp tiểu thương hiểu rõ việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết là việc cần thiết phải làm... Đối với hình thức mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, cần lựa chọn những nhà cung cấp, bán hàng có uy tín và thông tin rõ ràng, có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền, hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro. Để bảo đảm, khi mua hàng người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, trang web bán hàng và cẩn trọng với cách thức mua hàng, hình thức thanh toán, chế độ bảo hành để bảo đảm được quyền lợi của mình khi giao dịch thông qua hình thức mua bán online.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]