(Baothanhhoa.vn) - "Giảm giá sốc”, “giảm giá kịch sàn”, “đại hạ giá”, “xả hàng”, “xả kho”, “thanh lý hàng”... là cách nhiều cơ sở kinh doanh, thu hút khách hàng. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh làm ăn uy tín, vẫn còn nhiều nơi lấy việc khuyến mại, giảm giá để thu lợi bất chính.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần cảnh giác với các chiêu khuyến mại, giảm giá tràn lan

"Giảm giá sốc”, “giảm giá kịch sàn”, “đại hạ giá”, “xả hàng”, “xả kho”, “thanh lý hàng”... là cách nhiều cơ sở kinh doanh, thu hút khách hàng. Bên cạnh những cơ sở kinh doanh làm ăn uy tín, vẫn còn nhiều nơi lấy việc khuyến mại, giảm giá để thu lợi bất chính.

Các mặt hàng thi nhau giảm giá tại siêu thị điện máy, cửa hàng thời trang trên đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa).

Những chiêu “mê hoặc” khách hàng

Đánh vào tâm lý ham rẻ, nhiều cửa hàng đã treo biển, thậm chí nhắn tin vào từng số điện thoại cho những khách hàng cũ để quảng cáo “giảm giá lên tới 50% tất cả các sản phẩm” nhưng thực chất đây chỉ là chiêu “treo đầu dê bán thịt chó”. Chị Lê Thu Hiền (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi nhận được tin nhắn báo khuyến mại của một cửa hàng quần áo thời trang trên đường Lê Hoàn (phường Ba Đình), nhưng tới đây mới thấy dãy khuyến mại 50% chỉ lơ thơ vài bộ quần áo đã lỗi mốt, kiểu dáng cũ, màu sắc không bắt mắt, còn lại chỉ giảm 5% đến 10%. Thắc mắc của tôi được nhân viên bán hàng giải thích, tất cả các sản phẩm đã giảm giá nhưng 50% chỉ dành cho hàng cũ mà thôi. Nhiều cơ sở kinh doanh vì muốn thu hút khách nên đã “tăng giá thật, giảm giá ảo, quảng cáo mập mờ khiến người mua nhầm tưởng toàn bộ sản phẩm được giảm giá cao. Thực tế, giá giảm sâu từ 50% đến 70% chỉ dành cho những hàng cũ, lỗi mùa, lỗi mốt, quá cỡ...; còn hàng đẹp, chất lượng thì phần lớn không giảm giá hoặc giảm với tỷ lệ thấp.

Đối với các siêu thị điện máy, chương trình khuyến mại liên tiếp được áp dụng với nhiều băng zôn quảng cáo bắt mắt được treo khắp nơi trên các tuyến phố và hệ thống âm thanh phát ra rầm rộ ngay trước cửa siêu thị. Hàng hóa ở đây có nhiều mức giảm giá khác nhau tùy vào từng loại. Tuy nhiên, nếu so về giá cả, mặc dù nhiều sản phẩm đã được giảm nhưng giá vẫn cao hơn hẳn so với các cửa hàng bán đồ dân dụng bên ngoài. Anh Nguyễn Văn Thành (huyện Hoằng Hóa), cho biết: “Tôi mua 1 chiếc lò nướng hiệu Toshiba trong 1 siêu thị điện máy trên tuyến Đại lộ Lê Lợi với giá ưu đãi 1.900.000 đồng so với giá cũ là 2.200.000 đồng. Tuy nhiên, sau đó mới biết sản phẩm cùng loại này bán ở cửa hàng bên ngoài không áp dụng chương trình giảm giá cũng chỉ có giá 1.900.000 đồng mà thôi. Chiêu thức nâng giá cao rồi quảng cáo là hạ giá như siêu thị trên cũng được nhiều cơ sở kinh doanh áp dụng, làm cho những ai ham rẻ sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không biết mình đang rơi vào bẫy của người bán hàng.

Chiêu trò “mua 1 tặng 1”, “mua 2 tặng 1” hay mua sản phẩm có quà tặng kèm cũng dễ dàng hấp dẫn những khách hàng cả tin. Muốn đẩy hàng nhanh ra thị trường, nhiều chủ hàng đã áp dụng chương trình “quà tặng kèm”, nhưng thực chất những sản phẩm được cho là “tặng” lại rất kém chất lượng. Cụ thể, tại cửa hàng quần áo thời trang trên đường Trường Thi, phường Trường Thi, sau 2 tháng khai trương, cửa hàng này áp dụng chương trình mua một sản phẩm quần áo người lớn trị giá từ 300.000 đồng trở lên sẽ được khuyến mại một sản phẩm áo (hoặc quần) của trẻ em. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, chất lượng những bộ quần áo trẻ em đó không cao. Ở nhiều nơi, sản phẩm tặng kèm có chất lượng tốt nhưng sản phẩm chính lại có giá cao hơn hẳn bên ngoài. Người tiêu dùng nếu bị mê hoặc bởi chương trình “tặng quà” này mà không có sự khảo sát giá kỹ lưỡng thì cùng 1 lúc phải bỏ tiền mua cả 2 sản phẩm mà cứ ngỡ mình được mua hàng đúng giá lại hời món quà tặng giá trị.

Nghị định 37/2006/NĐ–CP ngày 4-4-2006 của Chính phủ quy định: Chương trình khuyến mại được thực hiện với tổng thời gian mỗi đợt không vượt quá 90 ngày và mức hạ giá tối đa không quá 50% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy nếu như trước đây các cửa hàng chỉ tổ chức khuyến mại vào một số ngày lễ nhất định như dịp lễ 30-4 – 1-5, ngày 8-3, ngày 20-10 hay 20-11, nhất là Tết Nguyên đán...; thì hiện nay chương trình khuyến mại được áp dụng thường xuyên quanh năm bất kể thời điểm nào với mức giảm có khi lên tới 70%.

Chất lượng hàng giảm giá?

Bên cạnh một số sản phẩm chính hãng, chất lượng đạt tiêu chuẩn được giảm giá theo chiến lược kinh doanh của một số cơ sở làm ăn chân chính, có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng. Đối với hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách... thì phần lớn đồ khuyến mại là những mẫu hàng cũ tồn đọng, lỗi mốt, mẫu mã không đẹp mắt... Còn với các mặt hàng điện tử, hàng giảm giá lạc hậu hơn so với các sản phẩm mới ưu việt về công nghệ cũng như mẫu mã, hàng trưng bày để lâu ngày... Chất lượng kém được thể hiện rõ nhất ở các mặt hàng bày bán tràn lan trên vỉa hè khắp các con phố hay tại các chợ dân sinh với lời mời chào giảm giá rất hấp dẫn: Bán đồng giá 10.000 đồng một sản phẩm hay 100.000 đồng 3 chiếc áo... Những sản phẩm này không thể gọi là hàng khuyến mại, giảm giá bởi chất lượng thực của chúng rất kém, phù hợp với mức giá rẻ mà thôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy từng mặt hàng cụ thể mà khách hàng bị “lừa” theo mỗi kiểu riêng. Nhiều cửa hàng lấy sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng nhái các sản phẩm có thương hiệu để bán với giá thấp và gọi đó là khuyến mại. Thậm chí, các cửa hàng bán hàng xách tay còn áp dụng khuyến mại với hàng sắp hết hạn sử dụng. Theo lời chị Nguyễn Thị Quyên (phường Điện Biên): Cách đây ít ngày, chị mua 1 lọ sữa rửa mặt xuất xứ từ Hàn Quốc với chương trình “mua 1 tặng 1” (mua 1 lọ với giá 250.000 đồng và được khuyến mại một tuýp nước hoa hồng với giá 100.000 đồng). Chủ cửa hàng giải thích đây là hàng xách tay nên giá mềm hơn so với thị trường. Chị Quyên rất phấn khởi vì tưởng mua được hàng tốt, giá rẻ nhưng đến khi sử dụng mới biết, hạn sử dụng của lọ sữa rửa mặt này chỉ còn 1 tuần. “Thật bực mình, cứ nghĩ mua được hàng “xịn” giá ưu đãi, ai ngờ mua phải hàng sắp hết hạn”, chị Quyên bức xúc nói. Không chỉ chị Quyên bị ăn “quả đắng”, rất nhiều người phải “ngã ngửa” khi mua hàng không bảo đảm chất lượng đành ôm “cục tức” bởi không thể mang đổi, trả vì chủ cửa hàng đã treo biển “hàng khuyến mại, miễn đổi, trả lại!”.

Trước “cơn bão” giảm giá, khuyến mại với nhiều hình thức hấp dẫn, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn những chương trình thích hợp cũng như xem xét kỹ chất lượng hàng hóa, giá thành sản phẩm để mỗi người đều trở thành người tiêu dùng thông thái trước “cám dỗ” của những “chiêu” khuyến mại này. Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan cần siết chặt quản lý giá cả, những chương trình khuyến mại của các cơ sở kinh doanh. Điều quan trọng nhất phải nói đến “cái tâm” của các nhà kinh doanh, cần tạo nên tính chuyên nghiệp, trung thực trong kinh doanh, mang lại niềm tin cho khách hàng cũng như xây dựng hướng đi bền vững cho chính mình.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]