(Baothanhhoa.vn) - Ổn định “tâm lý thị trường”, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa” là yêu cầu đặt ra sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3% chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, từ ngày 4-5-2023.

Không để xảy ra “lạm phát tâm lý”

Ổn định “tâm lý thị trường”, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa” là yêu cầu đặt ra sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3% chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, từ ngày 4-5-2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dù mức tăng lần này được cho là không cao, nhưng như thường lệ, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ lo ngại sẽ có sự tăng giá của nhiều hàng hóa khác, bởi lạm phát thực thể thì ít mà “lạm phát tâm lý” thì nhiều. Gần như dịch vụ, hàng hóa nào cũng chỉ đợi sự biến động nào đó để mượn cớ... “phất cờ đứng lên”. Đồng ý để EVN tăng giá điện, cũng đồng thời đòi hỏi và đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường phải bao quát, kiểm soát được tình trạng người cung cấp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Nhất là sắp tới đây (tháng 7-2023) lương cơ sở sẽ tiếp tục tăng, cộng hưởng với việc tăng giá điện sẽ đẩy hàng hóa, dịch vụ lên cao.

Thực tế qua những lần tăng giá điện, giá xăng, nhất là tăng lương, giá hàng hóa đều tăng mạnh, mà gần như các biện pháp kiểm soát lạm phát khó có thể ngay lập tức ngăn lại được. Lần này thì tiệc tăng cơ học của giá điện và lương cơ sở chỉ cách nhau có gần 3 tháng, hiệu ứng tăng của thị trường vì thế nguy cơ sẽ nhân đôi.

Điện bắt đầu tăng giá đúng thời điểm xăng giảm giá mạnh. Nhiều người tỏ ra hoan hỉ với mức giảm tới hơn 1.000 đồng/lít xăng. Một tờ báo còn viết đầy phấn khích rằng: “Vậy là một lần nữa câu thần chú của cộng đồng mạng lại đúng: Điện tăng, xăng giảm!”. Xét về số học, điện tăng nhẹ, trong khi xăng giảm sâu, hai mặt hàng thiết yếu của đời sống và sản xuất cái nọ bù cái kia, người tiêu dùng vẫn... dễ thở. Nhưng đó chỉ là lợi ích nhất thời, tầm nhìn ngắn hạn. Giá bán lẻ xăng, dầu giảm rồi giá lại tăng, lâu nay vẫn thế. Sau một kỳ giảm sâu lại bất ngờ quay đầu tăng mạnh. Mà chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu bây giờ rất ngắn, chưa kịp vui, đã lo, áp lực giá lại đè nặng lên rất nhiều dịch vụ. Còn điện, trừ lần giảm để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, đã giảm giá lần nào đâu. Nỗi lo tăng giá điện là nỗi lo lâu dài, mà nếu không có biện pháp kiểm soát giá một cách căn cơ, thì sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cho thị trường và cả nền kinh tế.

Đời sống người lao động sau thời gian dài đối mặt với dịch bệnh COVID-19 và khủng khoảng thị trường hậu dịch bệnh đã rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp và người lao động không còn đủ tích lũy để chống chọi với “cơn bão giá” nữa. Dự báo điều đó để thêm câu thúc trách nhiệm ổn định “tâm lý thị trường” bằng các biện pháp hữu hiệu hơn từ các cơ quan hữu quan sau khi tăng giá điện lần này. Nhất là theo dõi yếu tố cấu thành giá đối với những mặt hàng do Nhà nước định giá để có sự điều chỉnh phù hợp, đối phó với nguy cơ “lạm phát tâm lý” thường thấy.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]