Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh
Trong những ngày hè nóng bức, tìm về chốn non xanh nước biếc - nơi có những hang cá “thần” nổi tiếng ở xứ Thanh, ngắm nhìn những đàn cá ngàn, vạn con tung tăng bơi lội dưới làn nước trong mát hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.
Hang cá đền Nước dưới chân núi Thung Chùa ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long (Hà Trung).
Gọi là hang cá “thần” không chỉ bởi những truyền thuyết, chuyện kể huyền thoại được lưu truyền trong dân gian, mà còn vì sự tôn kính, giữ gìn trở thành tín ngưỡng của người dân địa phương đối với những hang cá đặc biệt.
Nhắc đến hang cá thần ở xứ Thanh thì hang - suối cá “thần” Cẩm Lương (suối Ngọc, làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy) hẳn là địa danh - điểm đến nổi tiếng đã được nhiều người biết đến. Từ TP Thanh Hóa theo Quốc lộ 1A ra hướng Bắc, rẽ vào Quốc lộ 217 lên đến vùng sơn kỳ thủy tú - non nước Cửa Hà ngay thị trấn Phong Sơn. Du khách di chuyển thêm một quãng không xa nữa sẽ lên đến làng Lương Ngọc - một làng Mường cổ nằm bên sông Mã - nơi có suối cá “thần”.
Dưới dãy núi Trường Sinh làng Lương Ngọc có một hang ngầm, cửa hang dù nhỏ và hẹp nhưng nước từ đây cứ chảy suốt đêm ngày, qua bao thế hệ người dân bản Mường. Nước từ hang ngầm chảy ra bên ngoài tạo nên một dòng suối nhỏ trong xanh, đây cũng chính là không gian sinh sống của đàn cá “thần”. Cá tung tăng bơi lội khắp suối Ngọc, song tập trung nhiều nhất ở khu vực nước sâu, sát cửa hang, người dân thường gọi là Mó Ngọc.
Du khách có thể đi dọc theo con đường bên bờ suối Ngọc, ngắm nhìn từng đàn cá bơi lội; hoặc dừng lại nghỉ ngơi, thả đôi chân trần xuống bờ suối mát lành, thì đàn cá cũng chẳng vì thế mà sợ hãi chạy trốn. Cá cứ vờn lấy chân người tung tăng nô đùa. Một điều kỳ lạ, suối tuy nhỏ, mật độ đàn cá lớn nhưng không làm cho nước dưới suối vẩn đục hay có mùi tanh thường thấy. Khi màn đêm buông xuống, đàn cá đông đúc lại theo nhau bơi trở vào trong hang ngầm. Cứ như vậy, đời nối đời, người dân ở Lương Ngọc đã quen với sự tồn tại của đàn cá sống dưới hang núi Trường Sinh.
Về nguồn gốc hang cá, có chuyện kể rằng, thuở xa xưa, chàng Rắn được người dân bản Mường ở Lương Ngọc nuôi dưỡng. Trong một trận giao chiến bảo vệ dân làng trước sự tấn công của thuồng luồng hung ác, chàng Rắn đã chết. Sau đó, người dân Lương Ngọc được thần linh “mách bảo”, rằng chàng Rắn là vị thần anh dũng, suốt những ngày mưa giông sấm chớp vừa qua chàng Rắn đã xả thân mình chiến đấu với loài thủy quái. Chàng Rắn tuy ra đi nhưng vẫn để lại đội quân để bảo vệ dân làng - đó chính là những chú cá dưới hang núi Trường Sinh.
Mang theo niềm tin đó, dù cuộc sống có những lúc khó khăn nhưng người dân Lương Ngọc chưa từng bắt cá ở suối Ngọc về ăn. Bởi trong quan niệm của họ, đó là cá “thần” - đội quân của chàng Rắn - thần Rắn có công bảo vệ dân làng trước những quái thú.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Tấn trong sách Di tích - danh thắng miền Tây Thanh Hóa: Cá tại đây gồm loài cá Dốc, cá Chài và cá Mại, trong đó riêng cá Dốc là một loài cá quý hiếm. Cá ở suối Ngọc có thân hình tựa cá trắm, mồm giống cá trôi, đuôi lại như cá chép, trên vảy lại có nhiều hoa văn, màu sắc lấp lánh... Có lẽ bởi vậy, mà đã từng có những vần thơ ngợi ca vẻ đẹp của cá “thần” suối Ngọc, như: “Hang sâu sắc cá bừng óng ánh/ Mỗi chiếc vây in một mặt trời”.
Nếu hang cá thần Cẩm Lương là “hóa thân” của đội quân chàng Rắn thì hang cá Mường Ký (xã Văn Nho, huyện Bá Thước) nằm giữa đại ngàn xanh thẳm lại là sự “hóa thân” của người con gái xinh đẹp ở bản Chiềng Ban thuộc đất Mường Ký xưa kia. Từ trung tâm xã Văn Nho, du khách đi thêm khoảng chừng 3km là đến bản Chiềng Ấm - nơi có hang cá “thần” Mường Ký (còn gọi là hang cá “thần” Văn Nho). Hang cá Mường Ký nằm dưới chân núi, nước từ trong lòng núi chảy ra tạo thành hồ nước - nơi có đàn cá “thần”.
Theo lưu truyền dân gian, hang cá Mường Ký là do người con gái bản Chiềng Ban thuộc đất Mường Ký “hóa thân” mà thành. Chuyện kể rằng, khi xưa ở bản Chiềng Ban có người con gái xinh đẹp, nết na. Trong một lần nàng đến đây chơi, thấy có nước mát xanh trong chảy ra từ núi đá thì thích thú vô cùng, liền ở lại dạo chơi. Nhưng rồi bỗng nhiên giông gió ở đâu nổi lên đã “cuốn” người con gái xinh đẹp vào hang sâu. Từ đấy, người dân bản không gặp nàng nữa. Đến một ngày, người mẹ già của cô gái qua đời, người dân lại thấy người con gái bản Chiềng Ban cùng chồng về chịu tang. Lo xong việc cho mẹ, vợ chồng cô gái lại biến mất, từ đấy không một ai còn gặp được nàng.
Suối cá “thần” Cẩm Lương là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, cũng từ đó, hồ nước dưới chân núi đá có một loài cá lạ xuất hiện, qua thời gian đàn cá ngày càng đông đúc. Người dân bản tin là cô gái đã làm vợ thuồng luồng, hóa thân thành bà cá chúa - đẹp kỳ lạ, có vảy vàng lấp lánh, thường đeo vòng vàng. Còn những chú cá sống tại đây đều là con, cháu của bà. Từ niềm tin ấy, người dân Mường Ký tôn thờ và không bắt cá tại đây ăn thịt.
Hè về, lên với vùng đất Mường Ký cổ xưa, ghé thăm hang cá “thần”, bạn chắc chắn sẽ có những xúc cảm, trải nghiệm thú vị. Ông Hà Trung Kiên, công chức văn hóa - xã hội xã Văn Nho, cho biết: “Mường Ký là vùng đất cổ rộng lớn, bây giờ bao gồm nhiều xã, trong đó có Văn Nho. Tại xã Văn Nho, đại đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Hang cá Mường Ký nằm trên địa bàn thôn Chiềng Ấm. Người Thái ở Văn Nho trân quý và bảo vệ hang cá như tài sản vô giá, sẵn sàng chào đón du khách ghé thăm nhưng không cho phép xâm hại hang cá “thần”.
Nằm gần Quốc lộ 1A, hang cá dưới chân núi Thung Chùa - đền Nước ở thôn Nghĩa Đụng (Nghĩa Động) cũng là điểm đến rất đáng cho du khách ghé thăm, khám phá.
Nghĩa Đụng là một thôn “đặc biệt” của xã Hà Long (Hà Trung). Vùng đất này nằm biệt lập, cách trung tâm xã hơn 10km. Nếu không muốn đi đường rừng, du khách phải đi hết đất Bỉm Sơn, sau đó rẽ trái để vào Nghĩa Đụng. Và từ TP Thanh Hóa ra hướng Bắc, Nghĩa Đụng có lẽ là một trong những thôn cuối cùng nằm ở cực Bắc của xứ Thanh.
Dưới chân núi Thung Chùa có một hang nước sâu, nước đầy ăm ắp. Nước từ hang chảy ra tạo nên suối (khe) Năn với cảnh sắc diễm lệ. Núi non bao quanh, nước chảy êm đềm, chim chóc hoan ca... Không quá lời khi có người ví nơi đây như chốn tiên cảnh.
Hang nước dưới chân núi Thung Chùa có hàng ngàn, vạn chú cá đang tung tăng bơi lội. Ngoài loại cá giống ở suối cá Cẩm Lương thì tại đây còn có một số loài cá cảnh cỡ lớn do người dân thả thêm vào. Ông Bùi Văn Kình - phó trưởng tiểu ban quản lý Di tích đền Rồng, đền Nước, cho biết: “Theo đánh giá, hang nước dưới chân núi Thung Chùa bên trong rất sâu và rộng lớn. Ban ngày, cá từ trong hang bơi ra ngoài kiếm ăn, đêm xuống lại trở vào hang”.
Còn theo lưu truyền dân gian, người Mường thuở xa xưa đã đến Nghĩa Đụng (xưa kia gọi là Nghĩa Động) lập làng. Đến đây, họ bắt đầu theo đường rừng núi đi tìm nguồn nước, sau bao ngày tìm kiếm, cuối cùng đã đến được khe Năn có dòng nước chảy mát lành. Từ đây, người Mường đã dẫn nước về làng sinh sống. Bao thế hệ người Mường ở Nghĩa Đụng đã sống nhờ dòng nước khe Năn. Bởi vậy, với người dân Nghĩa Đụng, khe Năn- chảy ra từ núi đá Thung Chùa là dòng suối thiêng, vô cùng quý giá.
Xứ Thanh tươi đẹp! Đó không chỉ là cảnh sắc diễm tình ở những “hình sông, dáng núi” mà còn ẩn chứa trong “bức tranh” thiên nhiên ở mỗi vùng đất, làng quê... và trong chính những truyền thuyết, chuyện kể được dân gian lưu truyền. Ghé thăm mỗi vùng đất, danh thắng, ta lại thầm cảm ơn tạo hóa khéo léo sắp đặt và tiền nhân kỳ công trong những sáng tạo, để lại cho hậu thế những di sản quý giá...
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-05-20 09:22:00
Non nước Cửa Bạng
Bác Hồ sống mãi
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”
Sầm Sơn “...sẽ thu được nhiều của cải từ đây”
Làm theo lời Bác, Thanh Hóa phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu
Về những nơi in dấu chân Người
Tháng 5 về thăm quê Bác
Nhớ Bác, nguyện cùng Người vươn tới mãi
Ký ức thời hoa lửa
Đại thắng mùa xuân 1975 - Khát vọng thống nhất đất nước