Hạnh phúc của “hai vầng trăng khuyết”
Từng mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng như sự sắp đặt của số phận, “hai vầng trăng khuyết” là anh Đinh Văn Ưng và chị Lưu Thị Quyên, thôn Trung Tâm, xã Yên Dương (Hà Trung) đã gặp và cùng nhau viết nên câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình.
Vợ chồng anh Đinh Văn Ưng và chị Lưu Thị Quyên tận tình, hướng dẫn học viên học nghề sửa chữa đồ điện dân dụng.
Gặp anh Đinh Văn Ưng vào một buổi chiều muộn đầu tháng 5, mặc dù đi lại khó khăn nhưng chúng tôi thấy anh luôn vui vẻ, tận tình, trách nhiệm để hướng dẫn, chỉ bảo từng học viên, trong đó có nhiều người bị khiếm khuyết về cơ thể học sửa chữa đồ điện dân dụng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Ưng cho biết: “Tôi bị khuyết tật sau trận ốm thập tử nhất sinh vào năm 12 tuổi, lúc đó cơ thể tôi co cứng lại. Nằm liệt giường 3 năm, sau khi được gia đình chữa trị khắp nơi tôi mới có thể đi lại nhưng không thể như người bình thường mà lưng bị gù gập xuống. Khi còn nhỏ tôi mặc cảm, tự ti lắm. Tuy nhiên được sự động viên, khuyên nhủ của người thân, tôi đã “vực dậy” bản thân và nghĩ phải học được một nghề ổn định phù hợp. Tôi đã tìm đến nghề sửa chữa điện dân dụng”.
Bằng tinh thần chịu thương, chịu khó, trách nhiệm với công việc, anh Ưng được nhiều người dân trong thôn tin tưởng, nhờ anh sửa những đồ gia dụng nên có thu nhập, tuy không lớn nhưng thường xuyên. Đến tuổi trưởng thành, cũng như bao chàng thanh niên khác, Ưng cũng mong muốn được lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng nhìn lại bản thân mình, nhiều lúc anh tự nhủ “không biết có người nào có thể thấu hiểu, thông cảm với cuộc sống của mình không...?”.
Thế nhưng như sự sắp đặt của số phận, anh Ưng quen chị Lưu Thị Quyên, sinh sống tại thị xã Bỉm Sơn thông qua một người bạn giới thiệu. Nhìn người con gái có khuôn mặt phúc hậu nhưng bị khiếm khuyết về chân đi lại khó khăn, anh Ưng mang lòng đồng cảm. Sau nhiều lần trò chuyện, giữa hai người nảy sinh tình cảm và mong muốn cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
“Mặc dù không phản đối nhưng gia đình hai bên đều ái ngại vì thấy cả hai vợ chồng tôi đều yếu và bị khuyết tật. Công việc chưa ổn định, nếu đến với nhau, sinh con thì cuộc sống gia đình sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Thế nhưng chính sự chân thành, kiên trì, thuyết phục của anh Ưng, năm 2010 chúng tôi đã chính thức nên duyên vợ chồng bằng đám cưới đơn giản nhưng ấm áp tình thương” - chị Quyên chia sẻ.
Sau 1 năm ở chung với bố mẹ, vợ chồng anh xin ra ở riêng để chủ động hơn với công việc sửa chữa đồ dân dụng. Vợ chồng chị Quyên vẫn không thể quên được hình ảnh ngôi nhà đầu tiên ở ven sông được dựng lên bằng những tấm proximăng rộng khoảng 20m2, thiếu thốn đủ thứ. Vào những ngày mùa mưa thì dột, còn mùa hè thì nóng bức vô cùng, nhiều khi cả hai vợ chồng phải sang hàng xóm ở nhờ. Chồng chất những khó khăn, nhưng anh chị không nản bước, luôn yêu thương, động viên nhau cố gắng và duy trì nghề sửa chữa điện dân dụng để trang trải cuộc sống của gia đình. Niềm vui của vợ chồng chị Quyên được nhân lên nhiều lần khi năm 2012 và 2014 chị Quyên lần lượt sinh được hai cậu con trai bụ bẫm, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và là động lực để anh chị luôn nỗ lực vươn lên.
Với mong muốn gia đình có cuộc sống tốt hơn, năm 2015, bằng sự kiên trì, nỗ lực, gia đình anh Ưng đã thuyết phục được chủ đại lý phân phối tại Hà Nội tin tưởng để anh chị làm đại lý hàng gia dụng, đồ điện. Bằng tinh thần chịu thương, chịu khó, nhiệt tình, chu đáo, nhiều khách không chỉ quý mến mà còn cảm phục nghị lực vươn lên của vợ chồng anh. Họ giới thiệu cho người thân, nên khách hàng của anh ngày càng đông.
Anh Ưng tâm sự: “Bản thân tôi đã trải qua nhiều khó khăn mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Vì vậy, nhiều năm qua tôi sẵn sàng dạy nghề đối với những người có nhu cầu học nghề, đặc biệt là đối với người khuyết tật thì không chỉ dạy nghề, tôi còn tạo điều kiện về nơi ăn, ở tại cửa hàng. Tâm huyết của mình là làm sao để người khuyết tật có được nghề nuôi sống bản thân, giúp họ luôn vươn lên trong cuộc sống với phương châm “tàn nhưng không phế”.
Sau nhiều năm khởi nghiệp, đến nay gia đình anh Ưng, chị Quyên đã xây dựng cơ ngơi rộng rãi làm nơi ở và cửa hàng sửa chữa, phân phối các mặt hàng điện gia dụng với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chia tay anh chị, tôi nhớ mãi câu nói của chị Quyên: “Cuộc sống luôn công bằng với mọi người, có thể bản thân mình không may mắn khi bị khiếm khuyết về cơ thể thì phải nỗ lực, phấn đấu hơn gấp nhiều lần. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại khi vợ chồng có công việc ổn định, con cái chăm ngoan, đặc biệt là đã động viên, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh giống mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là niềm vui, hạnh phúc mà cuộc sống đã ban tặng cho vợ chồng tôi”.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-12-15 18:56:00
Tất bật ở “thủ phủ’ đào phai hoa kép xứ Thanh
-
2024-12-15 14:10:00
Phát huy vai trò nhân sĩ, trí thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-05-12 15:20:00
Thăm chợ hải sản lớn nhất thành phố biển Sầm Sơn
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Sự ám ảnh ở thời điểm tưởng như an toàn nhất
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Thạch Thành
Hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn”
Có thực sự “chữa lành” được không?
Đảm bảo an toàn bến khách ngang sông mùa mưa bão
LĐLĐ huyện Bá Thước phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” và “Tháng Công nhân” năm 2024
Hội thao công nhân, viên chức, lao động huyện Quan Hóa
Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam tổ chức Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi năm 2024