Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới
Luật Đất đai 2024 đã dành riêng Chương VII quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất với nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, có các quy định về đầu tư các khu TĐC để người dân có chỗ ở, tạo lập cuộc sống ổn định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người có đất bị thu hồi, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc Khu TĐC xã Hà Long (Hà Trung). Ảnh: Việt Hương
An cư nơi ở mới
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư được triển khai, vì thế nhu cầu về sắp xếp, bố trí TĐC cho người dân có đất thuộc diện thu hồi là rất lớn. Để phục vụ tốt cho công tác GPMB, nhiều dự án hạ tầng khu TĐC được quan tâm, đầu tư và đưa vào sử dụng với tỷ lệ lấp đầy cao. Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi được nhận đất TĐC và chuyển về nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng là nhiều khu TĐC có hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, bảo đảm nhu cầu phục vụ sinh hoạt của người dân ở nơi ở mới.
Trong căn nhà khang trang, rộng rãi ở Khu TĐC xã Hà Long (Hà Trung), ông Đặng Văn Trung, thôn Gia Miêu đang dọn dẹp nhân ngày thời tiết nắng ấm. Ông Trung cho biết, khoảng cuối năm 2020, gia đình ông có 500m2 đất thổ cư phải thu hồi để phục vụ dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Hồi đó, công tác GPMB ở xã Hà Long thực hiện rầm rộ lắm, gia đình ông cũng đồng tình bàn giao đất sớm để phục vụ dự án và được bồi thường, TĐC một lô đất có diện tích 210m2 tại Khu TĐC xã Hà Long.
Nhận đất TĐC, gia đình ông đã làm căn nhà rộng rãi, hai mặt tiền để chuyển về sinh sống. Ông Trung chia sẻ: “Khu TĐC có điều kiện sống tốt hơn so với chỗ ở cũ, bởi đường sá rộng rãi, vỉa hè thoáng mát, sạch sẽ, điện nước đầy đủ, điện sáng vào buổi tối, an ninh tốt nên chúng tôi cũng yên tâm sinh sống. Nhiều hộ dân chuyển về đây mở hàng quán, dịch vụ nên rất tiện lợi trong sinh hoạt”.
Khu TĐC xã Hà Long nằm trên trục đường tỉnh 522B có diện tích 3,5ha, được quy hoạch các lô đất TĐC phục vụ Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 (thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020). Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu TĐC xã Hà Long đã hoàn thành từ năm 2021. Đường giao thông rộng trên 7m, vỉa hè từ 3 - 5m, hệ thống cống rãnh thoát nước được đầu tư đồng bộ; hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng được lắp đặt đầy đủ... phục vụ hơn 100 hộ dân TĐC xã Hà Long. Đến nay, đa số hộ dân có đất bị thu hồi đã chuyển khu TĐC và ổn định cuộc sống. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc san sát. Một số hộ giáp mặt đường tỉnh đầu tư mở hàng, quán kinh doanh dịch vụ.
Không chỉ ở Khu TĐC xã Hà Long, các Khu TĐC xã Hà Lĩnh, Hà Sơn, Hà Tiến cũng được huyện Hà Trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để hàng trăm hộ dân thuộc diện TĐC liên quan đến Dự án cao tốc Bắc – Nam được an cư ở nơi ở mới. Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Hà Trung cho biết: Các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu TĐC mới được quy hoạch, xây dựng khá đồng bộ với đầy đủ các tiện ích cần thiết về điện, đường, thoát nước thải, thoát nước mưa, điện chiếu sáng... tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống ngay khi chuyển về nơi ở mới. Thời gian tới, để phục vụ tốt công tác GPMB thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, huyện Hà Trung sẽ có thêm nhiều dự án khu TĐC được đầu tư xây dựng. Đơn cử như, Dự án Khu TĐC Hà Lĩnh phục vụ dự án đường giao thông Hà Lĩnh – Hà Sơn; Dự án TĐC phía Tây đường Sơn Lĩnh; dự án TĐC phục vụ việc di dời hơn 60 hộ dân để thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lăng miếu Triệu Tường...
Tại thị xã Nghi Sơn, GPMB và sắp xếp lại dân cư là một trong các chương trình trọng tâm mà thị xã đã và đang tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Hàng trăm hộ dân được TĐC để thực hiện các dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh, của thị xã. Theo đại diện lãnh đạo Ban GPMB, hỗ trợ và TĐC thị xã Nghi Sơn, quan điểm, định hướng của thị xã khi thực hiện các khu TĐC đó là phải được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, theo tiêu chí đô thị, phù hợp quy hoạch, cảnh quan. Các khu TĐC phải được thực hiện với tiến độ khẩn trương, bảo đảm khi Nhà nước thu hồi đất yêu cầu người dân di dời phải có quỹ đất để người dân an cư. Đặc biệt, đối với các khu TĐC có quy mô lớn, bên cạnh việc bố trí đất ở cho người dân, phải tính toán đến quỹ đất dành cho các công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống Nhân dân.
TĐC phải đi trước một bước
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nghị quyết nêu: “Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí TĐC thì phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, TĐC để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Luật Đất đai năm 2024 mới thông qua đầu năm nay đã quy định nhiều điểm mới quan trọng. Đáng chú ý, luật đã dành riêng Chương VII quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nhiều điểm mới quan trọng.
Khoản 5, 6 Điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất quy định: Khu TĐC phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu TĐC có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC để bảo đảm chủ động trong việc bố trí TĐC cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC và việc bố trí TĐC phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Điều 110 của Luật Đất đai mới cũng quy định về lập và thực hiện dự án TĐC, khu TĐC. Theo đó, khu TĐC bảo đảm các điều kiện sau: Hạ tầng kỹ thuật khu TĐC tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn NTM đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị, trong đó: đường giao thông bảo đảm kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; Hạ tầng xã hội khu TĐC phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang; Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
Về vị trí, địa điểm TĐC, khoản 3 Điều 110 cũng quy định địa điểm TĐC được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau: Tại địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất bị thu hồi; Tại địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất bị thu hồi đối với trường hợp tại địa bàn đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí TĐC; Tại địa bàn khác có điều kiện tương đương trong trường hợp tại địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí TĐC; Ưu tiên lựa chọn khu đất có vị trí thuận lợi để hình thành khu TĐC.
Luật sư Đoàn Bá Nghĩa, Công ty Luật TNHH Ninh Hoàng Gia thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa chia sẻ quan điểm: Luật Đất đai 2024 đã có thêm nhiều quy định rõ nét về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Luật yêu cầu khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo yếu tố TĐC, những điều, khoản của luật đã cụ thể hóa nguyên tắc “người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” theo tinh thần tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Điều này đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của Nhân dân, đảm bảo sự công bằng và khách quan trong hoạt động thu hồi đất. Khi các quy định của Luật Đất đai mới được áp dụng trong thực tiễn sẽ tạo sự đồng thuận của Nhân dân về việc chấp hành chủ trương của Nhà nước trong công tác GPMB, hạn chế tình trạng khiếu kiện của người dân vì những lý do thiếu công bằng, không đảm bảo được đời sống chung của hộ dân khi bị thu hồi đất. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư hạ tầng các khu TĐC phục vụ các dự án, từ đó góp phần giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việt Hương
{name} - {time}
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2024-11-19 15:02:00
Quảng Hòa về đích nông thôn mới nâng cao nhờ phát huy tiềm năng lợi thế
-
2024-03-09 14:37:00
Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Lộc
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Hoằng Tiến
Xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng NTM
Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới
Huyện đứng đầu toàn tỉnh về xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu
“Đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xây dựng nông thôn mới ở thị xã Nghi Sơn
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 1 huyện, 17 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới
Hoằng Thịnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Hoa Lộc