Du lịch Nghi Sơn: Hành trình trải nghiệm và khám phá
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã, trong đó du lịch biển là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh, thị xã Nghi Sơn đã ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch, nỗ lực xây dựng thị xã trở thành đô thị công nghiệp - du lịch cực nam xứ Thanh.
“Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ”
Theo lịch sử, tên huyện Ngọc Sơn (thị xã Nghi Sơn ngày nay) do vua Lê Thánh Tông đặt vào thế kỷ XV, và có câu khen: “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ”, nghĩa là Ngọc Sơn tập trung cảnh đẹp có nguồn gốc vạn năm.
Trong suốt chiều dài lịch sử, tên gọi và địa giới của thị xã Nghi Sơn có nhiều thay đổi. Thời thuộc Hán, Nghi Sơn thuộc phần đất phía Đông Nam huyện Cư Phong của quận Cửu Chân. Đến thời Tam Quốc, Nghi Sơn là vùng đất huyện Thường Lạc, thời Tuỳ Đường là huyện An Thuận. Sau khi nước ta giành được quyền độc lập tự chủ từ thế kỷ X, trải qua các thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, địa danh của vùng đất Nghi Sơn không thay đổi. Đến thời Trần - Hồ (thế kỷ XIII - XIV), Nghi Sơn là huyện Cổ Chiến. Thời thuộc Minh đổi tên là Cổ Bình, lại gọi là huyện Kết Thuế, thuộc châu Cửu Chân, lệ vào phủ Thanh Hóa.
Thị xã Nghi Sơn nhìn từ trên cao.
Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông mới đặt tên là huyện Ngọc Sơn do phủ Tĩnh Ninh kiêm lý. Từ đó đến đầu thời Nguyễn vẫn giữ tên huyện Ngọc Sơn. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), cùng với việc đặt đổi tên một số huyện như Thụy Nguyên thành Thiệu Hóa, Lôi Dương thành Thọ Xuân, thì các huyện Ngọc Sơn, Nông Cống, Quảng Xương gộp lại thành phủ Tĩnh Gia. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phần đất huyện Ngọc Sơn trở thành huyện Tĩnh Gia. Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, mở ra bước ngoặt lịch sử của vùng đất cực Nam tỉnh Thanh Hóa.
“Nghi Sơn - Tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch”
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã, trong đó du lịch biển là một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh, thị xã đã ưu tiên các nguồn lực cho phát triển du lịch. Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, về du lịch biển, tập trung phát triển tại các địa phương ven biển, trọng tâm là đô thị du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa), khu du lịch ven biển huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn; phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển, đảo tại khu vực Hòn Nẹ và Hòn Mê (Nghi Sơn)...
Lễ hội Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ năm 2023.
Thị xã Nghi Sơn đã và đang tập trung xúc tiến kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn, điển hình như khu du lịch sinh thái biển Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Ninh, Bình Minh, khu du lịch sinh thái hồ Hao Hao - Chùa Am Các, đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ, cụm di tích Quang Trung - Lạch Bạng, quần thể di tích thắng cảnh Biện Sơn, quần thể động Trường Lâm.
Thị xã Nghi Sơn xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội, với 3 loại hình chính gồm du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hoá tâm linh.
Dự án khu du lịch sinh thái đảo Mê sẽ được triển khai, đánh thức “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ”.
Điểm du lịch bãi Đông, tại xã đảo Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, thị xã đã tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó bổ sung mở rộng quy hoạch khu du lịch Hải Hoà gắn với các xã, phường ven biển và kết nối với đảo Mê và các cụm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh chùa Đót Tiên, đền Quang Trung, đền Lạch Bạng, đền Khánh, chùa Am Các... và các tuyến du lịch sinh thái như Trường Lâm, Phú Sơn, hồ Yên Mỹ, hồ Hao Hao.
Trò diễn nấu cơm thi đầu năm tại xã Hải Nhân.
Trên địa bàn thị xã có 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra hàng năm, tiêu biểu như lễ hội Quang Trung, lễ hội cầu ngư, trò diễn nấu cơm thi là những lễ hội gắn với ngư dân vùng ven biển với những giá trị độc đáo hấp dẫn đối với khách du lịch.
Với những giá trị đặc biệt, ngày 09/4/2024 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 955/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, theo đó Lễ hội truyền thống Lễ hội Đền thờ Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện (Biện Sơn), phường Hải Thanh và xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Quang Trung tại phường Hải Thanh.
Nghi Sơn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu là nghề khai thác và chế biến hải sản. Nhiều sản phẩm hải sản đánh bắt, nuôi trồng và các sản phẩm chế biến như tôm, cá, mực, các loại nước mắm, mắm tôm, mắm chua đã trở thành những món quà không thể thiếu đối với khách du lịch khi đến với thị xã Nghi Sơn, tạo nên nhiều đặc sản độc đáo có mặt trên các thị trường trong cả nước.
“Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa”
Năm 2023, các sản phẩm du lịch của thị xã Nghi Sơn đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật trong và ngoài tỉnh và trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, điển hình như các khu du lịch biển Hải Hòa, Bãi Đông, Anh Phát... Số lượt khách du lịch đạt 1.204.000 lượt, vượt 0,3% kế hoạch tỉnh giao; tổng thu từ du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, vượt 0,4% kế hoạch tỉnh giao.
Tổ hợp Khách sạn & Resort Anh Phát được đầu tư hiện đại, tiện nghi, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách của du lịch Nghi Sơn.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa, năm 2024 thị xã Nghi Sơn đang tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, tập trung đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng các khu, điểm du lịch; bảo đảm an ninh - an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ du khách, xây dựng hình ảnh du lịch Nghi Sơn an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thị xã phấn đấu đón trên 1,2 triệu lượt khách, với tổng thu du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng trong năm 2024; có 115 cơ sở lưu trú, trong đó 10% được xếp hạng từ 2 - 4 sao và 75% lao động dịch vụ du lịch được đào tạo nghiệp vụ.
Theo kế hoạch, khai mạc Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2024 sẽ diễn ra vào 20h ngày 26/4/2024 tại Quảng trường biển khu du lịch biển Hải Hòa và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hoá, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa” quảng bá du lịch thị xã Nghi Sơn luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với mục tiêu tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với thị xã Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, xứng tầm là đô thị công nghiệp - du lịch cực nam xứ Thanh.
Toàn cảnh Khu du lịch biển Hải Hòa.
Khu du lịch biển Hải Hòa về đêm.
Điểm mới của Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn năm 2024 là tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP với 50 gian hàng của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã và một số địa phương trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống phục vụ Nhân dân và du khách, như biểu diễn trò diễn nấu cơm thi, diễn xướng “Giá hầu cô bé thượng ngàn” - tiết mục đạt giải A tại Liên hoan văn hóa các dân tộc Thanh Hóa lần thứ XX - năm 2024 và giải bóng chuyền da nam mở rộng.
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của thị xã Nghi Sơn tại chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc, tổ chức tại tỉnh Sơn La vào tháng 11/2023.
Năm 2024, các hoạt động du lịch được tổ chức đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và vùng đất Nghi Sơn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Đến với du lịch thị xã Nghi Sơn là một hành trình trải nghiệm và khám phá của du khách với nhiều loại hình hấp dẫn như du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hoá tâm linh.
Mai Sỹ Lân, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn
{name} - {time}
-
2025-01-21 11:47:00
Công viên Hội An: Điểm hẹn mùa Xuân tại TP Thanh Hóa
-
2025-01-18 14:44:00
Tìm về ký ức tết xưa tại làng cổ Đông Sơn
-
2024-04-19 07:00:00
[Wow! Thanh Hoá] Thành Nhà Hồ: Đàn tế Nam Giao
Nghỉ lễ nắng nóng, nhiều du khách khám phá điểm đến mới ở biển Hải Tiến
Thăm làng nghề làm bánh đa hơn 100 tuổi ở xứ Thanh
Độc đáo quy trình sản xuất đặc sản làng nghề truyền thống huyện Thọ Xuân
[Wow! Thanh Hoá] Thành Nhà Hồ: Con đường Hoàng Gia - phát hiện mang tính bước ngoặt
Khám phá vùng đất thiêng
Những vũ điệu níu chân du khách tại Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao năm 2024
[WOW! Thanh Hóa] Thành Nhà Hồ - Bí ẩn ngôi đền thờ phiến đá in hình đầu người
Du xuân lên thăm làng Ngọc
[WOW! Thanh Hoá] Thành Nhà Hồ - Kỳ bí kỹ thuật xây thành