(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay nhiều địa phương tại các vùng nông thôn đã giảm dần được lượng rác thải phải thu gom hàng ngày nhờ triển khai thực hiện phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ và xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen của người dân, dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, trở thành điểm sáng về phân loại, xử lý rác thải nông thôn.

Điểm sáng trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn

Hiện nay nhiều địa phương tại các vùng nông thôn đã giảm dần được lượng rác thải phải thu gom hàng ngày nhờ triển khai thực hiện phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ và xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen của người dân, dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, trở thành điểm sáng về phân loại, xử lý rác thải nông thôn.

Điểm sáng trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thônChất thải từ chăn nuôi được gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) sử dụng làm nguyên liệu nuôi trùn quế.

Trang trại rộng hơn 2ha chuyên trồng các loại cây ăn quả kết hợp nuôi lợn, gà, trùn quế của gia đình chị Nguyễn Thị Hoan ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương) từ nhiều năm nay có doanh thu ổn định khoảng 1 tỷ đồng. Một trong những điểm nổi bật làm nên thành công ấy là việc phân loại, sử dụng các rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, chất thải từ chăn nuôi làm nguyên liệu nuôi trùn quế cũng như trồng cỏ, bón cho cây trồng; một số loại quả không đạt chất lượng cũng được chị Hoan tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi. Nhờ vậy hiệu quả sản xuất của trang trại vừa được nâng cao vừa góp phần giảm thiểu rác thải, ô nhiễm môi trường.

Hiện toàn xã Quảng Hợp đang có hơn 1.500 hộ sinh sống, đạt tỷ lệ 95,3% số hộ thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Muốn đường làng ngõ xóm được xanh, sạch, đẹp rất cần ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân. Để người dân dần hình thành thói quen ấy, xã đã tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể; chỉ đạo các thôn hướng dẫn các hộ dân cách phân loại rác thải tại nhà, vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường quanh khu vực sống, rác thải phát sinh hàng ngày phải thu gom về các điểm tập kết tuyệt đối không được đổ rác ra lề đường... Đồng thời phổ biến, cảnh báo những nguy hại có thể xảy ra khi rác thải tồn đọng quá lâu, nhất là rác thải nhựa. Mỗi người chỉ cần chịu khó một chút đã giúp không gian làng quê thoáng đãng và sạch đẹp hơn hẳn. Không còn những hình ảnh xấu như vứt rác bừa bãi, rác thải sinh hoạt chất thành bao tải chờ gom, đặc biệt giảm hẳn mùi hôi thối, ruồi muỗi tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp”.

Từ khi tham gia mô hình “Hội nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” do Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức, gia đình bà Trần Thị Minh, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) đã thực hiện tốt việc phân loại rác thải ngay tại nhà. Gia đình bà được hỗ trợ 2 loại thùng chứa rác thải cùng chế phẩm sinh học. Theo đó, rác thải của gia đình sẽ được bà Minh phân thành 2 loại là rác thải hữu cơ và rác vô cơ. Mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong 1 thùng riêng biệt, rác thải vô cơ và các phế thải có thể tái chế sẽ được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung, rác thải hữu cơ sẽ được dùng để ủ thành phân bón tại nhà.

Bà Minh cho biết: “Những năm trước tôi chưa biết cách phân loại rác thải nên hay để rác chung, vừa lộn xộn lại mất vệ sinh, gây ra mùi hôi thối khó chịu cho cả gia đình và hàng xóm. Sau khi được các cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn về xử lý rác thải hữu cơ tại nhà, chính tôi cũng đã dần thay đổi nhận thức. Không còn làm theo lối mòn mà đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho môi trường. Giờ đây việc xử lý rác thải không còn ngại, chỉ mất thêm chút thời gian nhưng bù lại có thể tận dụng được nguồn rác thải để tái sử dụng lại vừa giúp đường phố sạch đẹp hơn”.

Để xử lý lượng lớn rác thải sinh hoạt hàng ngày, xã Xuân Hòa cũng tập trung tuyên truyền cho người dân về ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe, tinh thần của con người. Tại các buổi sinh hoạt của hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên... cũng là cơ hội để vận động người dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường. Đồng thời chỉ ra ý nghĩa của việc phân loại, xử lý rác thải tại nhà nhằm hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng và địa phương thì bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức cũng như phải chấp hành các quy định về xử lý rác thải. Những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cần phải xử lý nghiêm. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 90% tổng lượng rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn toàn tỉnh đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp dưới 30%. Tầm nhìn đến năm 2050 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

Bài và ảnh: Phạm Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]