(Baothanhhoa.vn) - Trên chiến hào cùng nhau “chia lửa”, chiến đấu vì dân, quên mình vì Tổ quốc. Trong thời bình, họ lại sẵn sàng sẻ chia khi khó khăn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đó là những phẩm chất cao đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ.

Để tình đồng chí là động lực trong “cuộc chiến” giữa thời bình

Trên chiến hào cùng nhau “chia lửa”, chiến đấu vì dân, quên mình vì Tổ quốc. Trong thời bình, họ lại sẵn sàng sẻ chia khi khó khăn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đó là những phẩm chất cao đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ.

Để tình đồng chí là động lực trong “cuộc chiến” giữa thời bìnhBà Nguyễn Thị Việt trao quà cho gia đình cựu TNXP Hoàng Văn Lậu, phố Thành Yên, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Lan tỏa những tấm lòng

Đã 36 năm kể từ ngày đi trên chuyến tàu ra Trường Sa, đến nay trong ký ức của Đại tá Hoàng Bùi Hải (SN 1962, quê xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương) vẫn là cảnh tượng kinh hoàng với tiếng đạn bắn liên thanh, hình ảnh nhiều đồng đội ngã xuống.

Cuối năm 1984, Thượng úy Hoàng Bùi Hải ra Quần đảo Trường Sa làm Quyền Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh của đảo Song Tử Tây. Sau kỳ nghỉ phép về quê cưới vợ, ông nhận quyết định làm Đảo trưởng đảo Cô Lin. Tuy nhiên, trên đường ra đảo, chiều ngày 13/3/1988, con tàu đưa ông cùng hơn 120 chiến sĩ được trang bị quân tư trang và vũ khí, đã phải dừng ở Gạc Ma. Trong trận chiến không cân sức ấy, ông là một trong số những chiến sĩ may mắn sống sót trên chuyến tàu HQ60.

Cả cuộc đời quân ngũ, thời gian ở Trường Sa không nhiều, chỉ hơn 4 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến là Đại tá Hoàng Bùi Hải xúc động, xót xa, giống như những vết thương trong cơ thể ông, thảng hoặc lại nhói đau.

Cũng bởi ông may mắn hơn các đồng đội của mình, tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, tất cả đã ăn sâu vào tiềm thức, để khi trở về đất liền, trong quá trình sống và làm việc với anh em chiến sĩ, “tôi cố gắng giúp anh em được tí nào thì giúp”.

Trang trại Hương Quê của cựu chiến binh (CCB) Trịnh Xuân Nam ở xã Yên Ninh (Yên Định) đã trở thành địa chỉ để nhiều cán bộ, hội viên CCB gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm. Sau khi nghỉ BHXH, năm 2016, ông Trịnh Xuân Nam về quê gây dựng trang trại gần 10.000m2 trồng các loại cây ăn quả bưởi, vải, nhãn, mít... và chăn nuôi lợn, gà. Khoảng 5 năm trở lại đây, trang trại duy trì nguồn thu tương đối ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động, thu nhập trung bình từ 8 - 9 triệu đồng/tháng/người và hàng chục lao động thời vụ. “Hàng năm, trang trại Hương Quê trích một phần lợi nhuận thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo trị giá 50 triệu đồng. Nói là trả ơn thì không phải, nhưng tôi nghĩ đó là việc cần làm và nên làm”, ông Nam cho biết.

Đến phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), nhắc đến cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Việt ai cũng biết. “Bà ấy thương người lắm, gặp ai có hoàn cảnh khó khăn là bà ấy đều giúp”, chị Lê Thị Thụy cho biết.

Tham gia TNXP từ tháng 12/1973 đến cuối năm 1975, bà Việt thấu hiểu những khó khăn của những đồng đội mình. Đặc biệt là kể từ khi thành lập Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Đãi, bà ưu tiên tuyển dụng những người là con em đồng đội. Dẫn chúng tôi đến nhà bà Hoàng Thị Tảo, lính TNXP Đội 4205, bà Việt cho biết: “Chị Tảo cả đời khổ. Nhỏ thì nhà nghèo, đến khi lập gia đình, chồng sức khỏe yếu, con kém lanh lợi, cuộc sống gia đình do một tay chị. Hiện nay, chị Tảo là thành viên duy nhất trong số 169 hội viên Hội Cựu TNXP phường Quảng Thành điều kiện sống khó khăn. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm, chia sẻ với chị về vật chất và tinh thần”. Ngoài số tiền 30 triệu hỗ trợ của cấp trên thì bà Nguyễn Thị Việt đã vận động, xin tài trợ thêm gần 20 triệu để bà Tảo sửa chữa nhà.

“Chúng tôi khi xưa vất vả có nhau, giờ may mắn có đời sống kinh tế tốt hơn, có sức khỏe, có gia đình hỗ trợ, được giúp đỡ đồng đội là phúc đức của tôi”, quan điểm đơn giản ấy khiến việc làm “từ thiện”, chia sẻ với đồng đội, với những người xung quanh của bà Việt trở nên rất nhẹ nhàng.

Đến những phong trào thi đua

Nghĩa tình đồng đội là tình cảm thiêng liêng. Chính vì thế, các phong trào của hội CCB, hay hội cựu TNXP... đều được các hội viên tham gia tích cực. Bởi bên cạnh nghĩa tình thì họ mong muốn là động lực để cùng nhau phát triển.

Những năm gần đây, Hội CCB Yên Định đã thực hiện thành công các phong trào thi đua. Trong quá trình XDNTM, đô thị văn minh, các hội viên đã hiến hơn 850m2 đất ở với trị giá trên 3 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình CCB sản xuất giỏi, xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng hợp pháp. Hiện tại, 24/111 trang trại theo hướng “Quy mô lớn tập trung, sản xuất hàng hóa, thân thiện với môi trường” do CCB làm chủ (theo tiêu chí mới) có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Tiêu biểu hơn cả là phong trào “CCB gương mẫu”. Các CCB như: Nguyễn Văn Lại (xã Yên Thịnh) chuyên chăn nuôi lợn mỗi năm thu trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm từ 3 - 4 lao động với tiền lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng; CCB Nguyễn Thọ Chân (thị trấn Yên Lâm) với trang trại gà 20 ngàn con/lứa, doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm; CCB Trịnh Xuân Tấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thiệu Yên đã “vực dậy” công ty từ chỗ có nguy cơ phá sản, phát triển thành công ty cổ phần đứng tốp đầu trong tỉnh về khai thác dịch vụ phân bón nông nghiệp và điện máy; CCB thương binh Trần Hóa (thị trấn Quán Lào) đã mạnh dạn huy động vốn gia đình, dòng họ, kết hợp vay vốn ngân hàng, đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng bệnh viện tư nhân “Trí Đức Thành” góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giảm tải cho bệnh viện công, đến nay tổng thu nhập một năm từ 120 - 125 tỷ đồng, thu hút 274 lao động, mỗi lao động thu nhập bình quân từ 11 - 12 triệu đồng/tháng; CCB thương binh Nguyễn Thị Tâm (xã Định Công) Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thanh Tâm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 350 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng/người; đóng góp vào các hoạt động từ thiện nhân đạo các cuộc vận động của địa phương trên 2,6 tỷ đồng.

Khẳng định vai trò của CCB, ông Lưu Thế Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Định, cho biết: Từ những tấm gương tốt đã tạo nên những phong trào hiệu quả. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, các hội viên Hội CCB huyện Yên Định đã đoàn kết, đổi mới, vượt qua khó khăn thách thức và đạt kết quả toàn diện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh.

Có thể khẳng định, nhờ xây dựng tổ chức hội vững mạnh; sự gương mẫu của nhiều cá nhân, và việc xây dựng các phong trào tích cực ý nghĩa mà trong những năm qua, đời sống của hội viên CCB trên toàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Tính đến hết tháng 6/2024, trong tổng số 208.852 hội viên/204.279 hộ, chỉ còn 4.795 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,34%).

Đặc biệt, các hội viên CCB làm chủ ở 740 doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút 23.000 lao động; 231 HTX, thu hút 5.000 lao động; 335 tổ hợp tác sản xuất, thu hút 2.350 lao động, gần 1.500 trang trại, hơn 5.000 gia trại, 6.600 hộ kinh doanh dịch vụ... Đến nay, 70.555 hộ CCB (tỷ lệ 34,54%) có mức sống trung bình; 120.090 hộ (tỷ lệ 58,8%) hộ CCB khá, giàu.

Nếu trong chiến tranh, ở đâu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đều có TNXP Thanh Hóa chiến đấu dũng cảm, kiên cường, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì trong thời bình, các cấp hội cựu TNXP đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết đồng đội, như: tham gia liên hoan văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom”; đồng diễn dân vũ; tri ân, về nguồn; đảm nhiệm công trình mang dấu ấn lịch sử của TNXP; nuôi lợn đất tiết kiệm; thực hiện tốt các chỉ tiêu XDNTM, đô thị văn minh... Một trong những hoạt động lan tỏa, nhân lên những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của lực lượng TNXP, đó chính là quỹ “Nghĩa tình đồng đội”.

“Nghĩa tình đồng đội” chính là hành động mà các cựu TNXP dành cho nhau. “Đến nay, quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu TNXP TP Thanh Hóa đã đạt hơn 9 tỷ đồng. Hội cũng vận động các nhà hảo tâm xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hàng nghìn suất quà cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nữ TNXP cô đơn... Các chế độ, chính sách của hội viên cũng được các cấp hội quan tâm đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hàng nghìn đối tượng được hưởng chế độ một lần, hưởng BHYT, mai táng phí, các chế độ khác theo quy định, tạo niềm tin của hội viên với tổ chức hội”, bà Nguyễn Thị Sáu, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Thanh Hóa, chia sẻ.

Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, cho biết: "Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hội viên TNXP nghèo, đặc biệt khó khăn. Hàng năm, tổ chức hội các cấp đã thăm, tặng hàng nghìn suất quà, hỗ trợ con giống, xây, sửa hàng chục căn nhà, tặng sổ tiết kiệm... Riêng năm 2023, các cấp hội hỗ trợ xây, sửa 24 nhà, trao tặng 78 sổ tiết kiệm, trao hơn 4.200 suất quà. Vào mỗi dịp lễ, Hội Cựu TNXP tỉnh và các cấp hội nỗ lực vận động các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp trao tặng quà cho hội viên. Việc làm này nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP, nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp".

Giữa mưa bom bão đạn, tình yêu Tổ quốc là “sức mạnh thép” để những người lính dũng cảm chiến đấu. Và hôm nay, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở về với cuộc sống đời thường, những người lính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đồng thời chia sẻ, giúp đỡ, động viên, là điểm tựa, động lực để đồng chí, đồng đội xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]