(Baothanhhoa.vn) - Sáng 15/1, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét rút ngắn, sử dụng thông tin chính xác và gần nhất tại thời điểm định giá

Sáng 15/1, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét rút ngắn, sử dụng thông tin chính xác và gần nhất tại thời điểm định giá

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung dự án Luật đã được tiếp thu rất nhiều ý kiến xác đáng, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn đang đặt ra.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, ĐBQH Mai Văn Hải có thêm một số ý kiến, đó là: Khoản 3 Điều 16 quy định “Có chính sách hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 nhưng nay không còn đất”, theo đại biểu Mai Văn Hải cần cân nhắc chính sách này bởi vì: chúng ta đã thực hiện chính sách ở khoản 2 để đồng bào là hộ nghèo, cận nghèo có đất ở, đất sản xuất. Nay vì một lý do nào đó mà không còn đất, chúng ta lại tiếp tục có chính sách hỗ trợ là không nên, vì tạo sự ỷ lại. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị chính sách thì chỉ áp dụng cho một lần cho một đối tượng cụ thể, trừ trường hợp không còn đất do lý do khách quan thì mới xem xét. Hơn nữa khoản 29 Điều 79 quy định việc “Thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS" để thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS. Quy định như vậy vẫn chưa thể hiện rõ việc Nhà nước thu hồi tạo lập quỹ đất như thế nào để đảm bảo thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS. Thời gian qua nhiều nơi, đồng bào DTTS miền núi thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết và rất khó giải quyết. Nếu không được quy định cụ thể việc Nhà nước thu hồi để tạo lập quỹ đất thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS thì rất khó thực hiện chính sách này.

Khoản 6 Điều 45 quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận, theo đại biểu Mai Văn Hải cần nghiên cứu lại quy định này bởi vì sẽ sinh ra thủ tục hành chính không cần thiết, mỗi lần tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì lại phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp báo cáo UBND huyện chấp thuận, sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục phê duyệt, quy định như vậy sẽ không khuyến khích được tích tụ đất đai để mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế thì để họ tự quyết định và chịu trách nhiệm. Miễn là tổ chức kinh tế đó phải chấp hành đúng quy định sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật này. Nếu vi phạm thì Nhà nước thu hồi.

Khoản 27 Điều 79 quy định Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có chức năng phục vụ hỗn hợp, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải cân nhắc thêm cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại". Theo đại biểu Mai Văn Hải nên quy định Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi diện tích đất để làm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình phúc lợi công cộng trong dự án đô thị; còn phần diện tích xây dựng nhà ở thì vẫn phải thực hiện thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nên quy định rõ cơ chế tự thỏa thuận như thế nào? Để thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người dân, nếu không có căn cứ pháp lý để thỏa thuận, nhất là căn cứ pháp lý về giá thỏa thuận thì lợi ích của doanh nghiệp và người dân rất khó được đảm bảo hài hòa và sẽ rất khó thỏa thuận cho doanh nghiệp. Quy định tại Điều 127 về sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận mới chỉ đề cập đến các dự án nhà ở thương mại, mà chưa đề cập đến các dự án đô thị cần phải thực hiện thỏa thuận như thế nào để thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần có quy định bổ sung vấn đề này.

Điều 140 quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền: Đây là Điều rất quan trọng để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, được giao không đúng thẩm quyền kể từ khi thực hiện Luật Đất đai 1993, 2004, 2013. Có thể nói có nhiều trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền qua các thời kỳ được UBND xã giao, HTX giao... dưới nhiều hình thức khác nhau và người dân đã nộp tiền để sử dụng đất. Nay quy định tại khoản 6 “Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật” theo đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm của người dân được cấp giấy chứng nhận thực hiện nghĩa vụ tài chính như thế nào? Và cũng phải có trách nhiệm của UBND xã trong thực hiện trách nhiệm với người dân vì trước kia người dân đã nộp tiền để được sử dụng đất, đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc cần phải quy định để tháo gỡ.

Điều 158 về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất: Trong xác định giá đất, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng thông tin đầu vào là rất quan trọng; song đại biểu còn thấy băn khoăn quy định tại điểm c khoản 3 chỉ quy định giá đất thu nhập qua điều tra, khảo sát đối với trường hợp chưa có thông tin quy định tại điểm a, b khoản này. Trong khi chúng ta thấy thực tế cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá chưa đầy đủ, còn nhiều vấn đề cần giải quyết; việc điều tra, khảo sát thực tế theo đại biểu Mai Văn Hải là một kênh thông tin rất quan trọng để góp phần xác định giá Nhà nước có sát với giá thị trường hay không, do đó nên quy định bắt buộc mọi trường hợp đều phải điều tra, khảo sát giá.

Hơn nữa khoản 4 quy định thông tin giá đất đầu vào quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này là thông tin được hình thành trong thời gian 24 tháng tính từ thời điểm xác định giá đất, theo tôi quy định 24 tháng thì thông tin căn cứ để xác định giá đất có thể sẽ không còn phù hợp, không theo kịp biến động của thị trường.

Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị để đảm bảo tính kịp thời, theo sát thị trường thì thông tin sử dụng phải mang tính cập nhật liên tục, kịp thời, thời gian sử dụng thông tin được hình thành cần xem xét rút ngắn, cần sử dụng thông tin chính xác và gần nhất tại thời điểm định giá.

Quốc Hương


Quốc Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]