(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví xứ Thanh như “xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại” thì hình tượng người khổng lồ chính là một trong những dấu ấn đậm sâu, làm nên những nét tiêu biểu, độc đáo nhất trên xứ sở ấy. Sức sống của những truyền thuyết, huyền thoại dân gian về những người khổng lồ đã phần nào kiến giải thế giới quan, nhân sinh quan, truyền tải thông điệp, phản ánh đời sống văn hóa - tinh thần các thế hệ người xứ Thanh...

Dấu chân người khổng lồ trên đất Thanh

Nếu ví xứ Thanh như “xứ sở của truyền thuyết, huyền thoại” thì hình tượng người khổng lồ chính là một trong những dấu ấn đậm sâu, làm nên những nét tiêu biểu, độc đáo nhất trên xứ sở ấy. Sức sống của những truyền thuyết, huyền thoại dân gian về những người khổng lồ đã phần nào kiến giải thế giới quan, nhân sinh quan, truyền tải thông điệp, phản ánh đời sống văn hóa - tinh thần các thế hệ người xứ Thanh...

Dấu chân người khổng lồ trên đất ThanhĐền Độc Cước - nơi con cháu tỏ lòng thành kính, chăm lo việc khói hương thờ phụng vị thần đã xẻ thân mình bảo vệ cuộc sống yên bình, no ấm cho người dân vùng đất biển Sầm Sơn. Ảnh: H.L

Truyền thuyết, huyền thoại Việt Nam ghi đậm dấu ấn về những người khổng lồ tự thuở sơ khai lập làng, lập nước. Là một “nhánh phù sa” màu mỡ của dòng sông văn hóa Việt, truyền thuyết, huyền thoại xứ Thanh cũng hằn in dấu chân của những con người với vóc dáng vạm vỡ phi thường, sức khỏe, tài năng xuất chúng, đóng góp nhiều công trạng cho sự hình thành và phát triển của xứ Thanh từ buổi hồng hoang, hỗn mang trời đất... Cuốn sách “Tuyển tập Truyền thuyết Thanh Hóa” (Đào Huy Phụng, Lưu Đức Hạnh đồng chủ biên, NXB Thanh Hóa) kiến giải cặn kẽ: "Thanh Hóa có hệ thống truyền thuyết về các chủ đề các ông khổng lồ địa phương. Thần Độc Cước ở Sầm Sơn, ông Bưng ở Hoằng Hóa, ông Vồm ở Thiệu Hóa, ông Lau ở Quảng Xương, ông Cõng đá ở thị xã Nghi Sơn... Những truyện này xếp vào thể thoại truyền thuyết vì tính “bán thần” theo tuýp nhân vật anh hùng văn hóa gắn với lịch sử địa danh hay nhân vật lịch sử".

Những vị thần khổng lồ ấy là ai? Đó là vị thần Độc Cước xẻ thân mình che chở cho ngư dân vùng biển Sầm Sơn; ông Cõng đá lấp biển, ngày lại ngày ông vác hết hòn núi to, hòn núi nhỏ. Núi quăng xuống biển nhiều quá làm thành một dãy núi ngầm, có hòn nhô lên khỏi mặt nước... mà thành Biện Sơn, hòn Lưỡi Hái, hòn Nẹ hôm nay. Vùng biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa) vẫn lưu truyền câu chuyện về ông Tần đào đất lấp biển thành hai cửa sông: Lạch Trường và cửa Hới. Đất thừa chưa kịp dọn biến thành 2 dãy núi Linh Trường (Hoằng Hóa) và Trường Lệ (Sầm Sơn)... Hay câu chuyện kể về ông Bưng có sức khỏe vô địch, hai tay bưng hòn núi đất chẳng may rơi xuống bị vỡ đôi thành hai ngọn núi, trông giống cái yên ngựa, nhà Nho gọi bằng chữ nghĩa là Mã Yên sơn, còn dân gian vẫn thường gọi nôm na là núi Bưng (Băng sơn). Vùng đất kẻ Bưng ấy còn được biết đến là quê hương của danh tướng Lê Phụng Hiểu - thánh Bưng. Dân gian có cái lý, cái tình của mình. Những “điểm chạm” giữa danh tướng Lê Phụng Hiểu và hình tượng ông Bưng khiến lịch sử hòa quyện cùng sắc màu văn hóa - tâm linh cùng tỏa rạng... "Những nhân vật khổng lồ trong các truyền thuyết này cũng mang đặc trưng thi pháp thần thoại. Họ là anh hùng khai phá, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống người dân địa phương. Cách xây dựng hình tượng còn hết sức đơn giản, thô sơ. Không nhiều tình tiết đặc sắc, không gian tráng lệ, cường độ mạnh mẽ, trường độ dài rộng. Những người khổng lồ thường trong trạng thái “đơn nhất”, “phi quan hệ”, thường chỉ một mình gánh vác nghiệp lớn" (Tuyển tập Truyền thuyết Thanh Hóa, Đào Huy Phụng, Lưu Đức Hạnh đồng chủ biên)... Bởi công trạng lớn lao nên các vị thần khổng lồ được người đời tỏ lòng tôn kính, ngưỡng vọng, lập đền thờ tự.

Trong hệ thống truyền thuyết, huyền thoại về những vị thần khổng lồ xứ Thanh, nổi bật nhất chính là vị thần Độc Cước gắn với ngôi đền Độc Cước tọa lạc trên hòn Cổ Giải, dãy Trường Lệ nơi thành phố biển Sầm Sơn. Được biết, thần Độc Cước được thờ phụng ở nhiều nơi, riêng xứ Thanh có 53 nơi thờ tự. Ở mỗi địa phương lại lưu truyền câu chuyện khác nhau về thần Độc Cước nhưng tựu trung đều khắc họa chân dung về chàng khổng lồ đã xả thân mình đánh tan loài quỷ biển “mình tròn trùng trục, mõm dài, răng nhọn..., thân có lớp vảy cứng, rất sắc, chỉ cần chạm nhẹ vào người là da thịt chỗ ấy lở loét, thối dần rồi chết”. Để che chở cho cuộc sống của người dân nơi đây, thần Độc Cước nguyện xẻ thân mình làm đôi, nửa thân đứng trên đỉnh núi, bàn chân in sâu vào đá, một nửa thân mình theo bè mảng của ngư dân ra khơi vào lộng...

Ngôi đền thờ thần Độc Cước đã bao đời nằm nghe sóng vỗ. Lớp lớp thế hệ cháu con Sầm Sơn đã lớn lên nhờ “lộc biển” cùng nghề truyền thống ngư nghiệp của cha ông. Trong tâm khảm mỗi người đều ôm ấp hình dung về ngôi đền thiêng trên đỉnh núi quê hương, nơi lòng thành dâng nén tâm nhang cầu mong sức khỏe, bình an, thành công, hạnh phúc đến vị thần Độc Cước. Từ ngôi đền được dựng lên từ tre, mái lợp tranh, đến nay, ngôi đền trở thành điểm tham quan, du lịch tâm linh tiêu biểu, hấp dẫn du khách. Bức tượng đen tuyền chỉ có một nửa thân mình, khắc họa hình ảnh thần Độc Cước tay cầm búa yên vị nơi hậu cung; hai bên là hai ngai thánh vị, thờ Tô Hiến Thành bên trái và Hoàng Minh Tự bên phải mãi là biểu tượng đẹp trên vùng đất biển. Đền Độc Cước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và nằm trong Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2019.

Xứ Thanh - vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi danh. Trước khi có chính sử, từ rất lâu trước đó, cái danh giá, đặc biệt của vùng đất này đã được minh chứng, khẳng định bằng những truyền thuyết, huyền thoại. Như truyền thuyết về ông Vồm, một lực sĩ khổng lồ xứ Thanh, xuất hiện từ thời khai thiên lập địa, được miêu tả với thân hình cao năm trượng, một vòng tay có thể ôm trọn thân cây cổ thụ trăm năm. Bằng sức vóc của mình, ông vẫn thường tay không lấp núi, đào mương, giúp bà con trong vùng thuận lợi sản xuất, cuộc sống ấm no.

Một lần ông thử sức, ông Vồm dùng đòn gánh gánh hai trái núi hai bên. Sức nặng của hai trái núi đè lên vai khiến những bước chân của ông trở nên nặng nề, bước đến đâu mặt đất lún xuống tới đó. Khi ông Vồm bước đến vùng ngã ba Đầu, nơi hợp lưu giữa con sông Chu và sông Mã chẳng may đòn gánh bị gãy, hai quả núi rơi xuống, tạo nên hai ngọn núi Bằng Trình và Đại Khánh – hai cảnh đẹp nổi tiếng trong “thập cảnh Bàn A sơn”. Ông Vồm vốn tính thích giao du, thách đấu. Chính vì thế mà dân gian lưu truyền câu chuyện thách đấu giữa hai nhân vật khổng lồ là ông Vồm và ông Bưng. Tuy ông Vồm đã thua và chết trong trận thách đấu nhưng công trạng của ông vẫn luôn được người đời trân trọng, cảm phục. Trên mảnh đất diễn ra trận thách đấu ấy, hình tượng ông Vồm lưu lại trong tên gọi làng Vồm, ngọn núi Vồm (núi Bàn A) lừng lững cùng tiếng chuông chùa Đại Khánh (chùa Vồm) ngân vang...

Theo bước chân những con người khổng lồ trên những nẻo quê Thanh để thấy rằng, sự hiện diện của mỗi ngôi làng, ngọn núi, dòng sông, di tích... đều thấm đượm giá trị lịch sử, văn hóa – tín ngưỡng. Những vị thần khổng lồ trong kho tàng truyền thuyết, huyền thoại không chỉ là niềm tự hào mà còn chuyên chở cả những khát vọng, hoài bão của lớp lớp thế hệ người dân xứ Thanh. Đó là khát vọng chinh phục tự nhiên, vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên làm chủ cuộc sống, tự tay tô điểm những sắc màu tươi tắn nhất cho hành trình tương lai.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]