(Baothanhhoa.vn) - Thời Lý được coi là thời cực thịnh của Phật giáo; đạo Phật được coi là quốc giáo. Chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi. Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” cũng là một trong những địa phương lưu dấu nhiều ngôi chùa tiêu biểu của phật giáo thời Lý, đến nay đã trở thành biểu tượng đẹp lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đất và người nơi đây như: Chùa Linh Xứng (xã Hà Ngọc), chùa Long Cảm (Hà Trung), Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa), Đại Hùng (TP Thanh Hóa), Báo Ân (Đông Sơn)...

Dấu ấn Phật giáo thời Lý trên đất xứ Thanh

Thời Lý được coi là thời cực thịnh của Phật giáo; đạo Phật được coi là quốc giáo. Chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi. Xứ Thanh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” cũng là một trong những địa phương lưu dấu nhiều ngôi chùa tiêu biểu của phật giáo thời Lý, đến nay đã trở thành biểu tượng đẹp lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đất và người nơi đây như: Chùa Linh Xứng (xã Hà Ngọc), chùa Long Cảm (Hà Trung), Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc), chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa), Đại Hùng (TP Thanh Hóa), Báo Ân (Đông Sơn)...

Dấu ấn Phật giáo thời Lý trên đất xứ ThanhChùa Sùng Nghiêm Diên Thánh trong không gian lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng làng Duy Tinh (Hậu Lộc).

GS Hoàng Xuân Hãn, một nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam khi viết cuốn sách “Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tôn giáo thời Lý” đã sâu sắc nhận định: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật”. Ngược dòng lịch sử dân tộc dưới thời Lý, Phật giáo giữ vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành và bước đầu phát triển của quốc gia Đại Việt ở tất cả các hoạt động từ chính trị - xã hội, quân sự, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục... Đặc biệt, các vị vua thời Lý “đều là những người có học về phật giáo, thường mời các thiền sư đến để đàm luận về giáo lý, trong số này có nhiều người do các thiền sư đào tạo. Vì thế, họ đã dựng nên cả một triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị”. Phật giáo phát triển mạnh mẽ, trở thành quốc giáo, chùa chiền được xây dựng khắp nơi.

Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, “một tâm điểm giúp các họ Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Tiền Lê nối chí nhau, viết nên những trang sử vàng đầy dấu ấn” đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt. Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, nhà Lý vẫn luôn dành sự quan tâm, chú trọng đặc biệt đến nơi đây. Bởi vậy, sự chảy trôi vô tình, khắc nghiệt của thời gian cùng biết bao biến động lịch sử cũng không thể xóa nhòa những dấu ấn đậm nét của nhà Lý trên mảnh đất này. Trong đó, những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo thời Lý, đến nay, đã hòa vào đời sống, trở thành biểu tượng đẹp của đất và người quê Thanh.

Nghìn năm cổ tự Sùng Nghiêm Diên Thánh

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tọa lạc trên vùng đất Duy Tinh (Văn Lộc cũ, sau sáp nhập vào xã Thuần Lộc, Hậu Lộc) là một trong những “trung tâm đô thị” sớm, trấn lỵ của xứ Thanh vào thời Lý. Sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với công đức của Lý Thường Kiệt, Tổng trấn Thanh Hóa trong 19 năm (1082-1101), quan thông giám họ Chu cùng sự chung sức đồng lòng, góp công, góp của của Nhân dân trong vùng.

Kiến trúc, cảnh quan của ngôi chùa hài hòa, cân đối, giá trị thẩm mỹ cao: “Rường nhà cong cong như cầu vồng nhô ra sau cơn mưa; ngói uyên ương phơi dưới gió như sập sè múa lượn. Nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh; đấu chạm trổ như phượng múa lân chầu. Mái cong cong lấp lánh dưới mặt trời hiện lượn quanh co trước gió. Tường vách chung quanh, một cõi bụi trần không lẫn; hành lang bao bọc bốn mùa hiện cửa thanh hư. Bên hữu có vườn thơm, khóm lan mềm mại; phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi... Chùa chiền ngăn nắp, tượng Phật trang nghiêm”.

Sách “Địa chí huyện Hậu Lộc” (NXB Khoa học Xã hội, 2018) khảo tả chi tiết: Khuôn viên chùa rộng đến một mẫu, cửa tam quan có hai voi đá chầu đối diện nhau, trên có gác chuông, đi vào phía Tây có hai khánh đá. Bên trái có bia ghi tên những người có công đức với chùa. Chùa có 3 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam. Cung đệ nhất và đệ nhị xây dựng song song với nhau, cách nhau một khoảng hướng về phía Đông. Cung đệ tam (hậu cung) xây liền với tường hậu của cung đệ nhị. Hậu cung có các bệ gạch để đặt tượng Phật... Hậu cung, trong cùng gần đốc là tượng ba vị tam thế, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Chùa có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một trong số rất ít ngôi chùa cổ có từ thời Lý còn lại ở Thanh Hóa. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như: tượng Phật, tấm bia thời Lý (khắc năm 1118), tấm bia thời Lê (khắc năm 1604), bệ đá hình sư tử đội tòa sen, chuông đúc thời Gia Long, ngói lá đề, gạch thời Lý...

Chùa Hương Nghiêm và tấm bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh

Cũng như nhiều di tích lịch sử - văn hóa – tín ngưỡng trên khắp đất nước ta, số phận của chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa) đã trải qua biết bao biến thiên của thời gian, thăng trầm của cuộc sống, chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, vượt qua những thăng trầm ấy, chùa Hương Nghiêm vẫn bền bỉ sức sống. Hương Nghiêm tự (chùa Hương Nghiêm), thường được người dân địa phương gọi với tên khác là “chùa ông Hưu”. Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, đặc biệt là căn cứ vào nội dung tấm bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh còn lưu giữ được đến hôm nay cho biết: Chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni là ngôi chùa do Thiền sư Đạo Dung tu sửa. Tổ tiên của thiền sư là Trấn quốc bộc xạ Lê công thuộc một dòng họ lớn ở quận Cửu Chân, Châu Ái. Gia thế giàu thịnh, nhà thường chứa hơn trăm lẫm thóc; môn khách thường có tới ba nghìn. Ông dốc lòng làm việc thiện, tôn sùng tượng giáo, mở mang phong cảnh đẹp đẽ này.

Trải qua các vương triều Đinh - Tiền Lê đến Lý, chùa Hương Nghiêm đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Văn bia của chùa ghi rõ: “Đến khi Vua Lê Đại Hành đi tuần du đến giang ngũ huyện thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp, tu bổ lại. Rồi tiếp đến Vua Thái tông nhà Lý đi tuần phương Nam, tới Châu Ái, ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hỏng, cũng bỏ sức trùng tu. Lại phong cho cháu đích của ông là Trưởng lão Đạo Quang làm thiền chủ...”.

Quy mô, nét đẹp kiến trúc chùa Hương Nghiêm cũng được mô tả chi tiết, sắc nét tại văn bia, giúp hậu thế khái quát hình dung về quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa, từ đó càng thêm trân trọng, tự hào: “Trên đá chênh vênh, tượng Phật uy nghiêm, giữa sóng thấp cao, toàn thân đa bảo. Mái hiên cong như cánh trĩ; ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng, lan can thoáng mát; cửa ngõ thênh thang. Mé trái có một tòa lầu nguy nga, trong treo chuông lớn. Bên phải dựng tấm bia đá ghi chép công lao, ngõ hầu mong nghìn năm không mai một”.

Tại chùa Hương Nghiêm, hằng năm, vào các ngày mùng 10 và 11-2 (âm lịch), lễ hội truyền thống xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng đặc sắc, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài vùng tham dự. Được biết, lễ hội có từ thế kỷ XIV, được tổ chức nhằm mục đích tưởng nhớ, tri ân các vị thành hoàng làng có công khai hoang, lập ấp, che chở cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trải qua nhiều thế kỷ, các thế hệ cháu con trong làng, xã luôn chung tay góp sức, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc trưng tiêu biểu cho vùng đất Kẻ Rỵ - Bối Lý như: nghi lễ rước kiệu, tế Phật cầu an, các trò chơi dân gian, văn nghệ quần chúng...

Ngôi chùa trên sườn núi Ốc

Tọa lạc trên sườn núi Ốc (xã Hà Phong, Hà Trung) - nơi cảnh sắc thiên nhiên như đang điểm thêm phần thanh tịnh, uy linh, sự ra đời của ngôi chùa Long Cảm gắn liền với công đức của Vua Lý Thái tổ. Tương truyền, Vua Lý Thái tổ trên đường tiến quân đánh Chiêm Thành đã đóng quân trên núi Ốc. Đêm đến, nhà vua nằm mộng thấy vị thần hiện lên và hứa sẽ giúp sức cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương nam thắng lợi, để bày tỏ tầm lòng biết ơn với thần linh, nhà vua đã cho xây dựng một ngôi chùa trên núi Ốc, đặt tên là Long Cảm, long biểu thị cho rồng, cảm mang ý nghĩa là tạ ơn, trả ơn. Sự linh thiêng của ngôi chùa còn tiếp tục được lưu lại với những dấu ấn của triều Trần: Vua Trần Thái tôn, vị vua đầu của nhà Trần, cũng trên đường hành quân đánh Chiêm Thành, khi nghỉ lại ở chùa Long Cảm đã mộng thấy những điều tương tự Vua Lý Thái tổ.

Chùa Long Cảm được xây dựng quay mặt về hướng Nam, trong một cấu trúc liên hoàn gồm: cổng Tam Quan, sân chùa, chùa chính, nhà thờ mẫu, nhà thờ tổ và một số công trình phụ cận. Toàn bộ khuôn viên chùa tựa như một vọng đài nhô lên nền trời, mở ra tứ phía. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, chùa Long Cảm đã khoác lên mình diện mạo mới, dấu tích thời Lý còn lưu giữ tại ngôi chùa cổ là 4 cột đá ở hiên chùa chính, bên trên khắc chữ Hán cổ. “Lịch sử ra đời và tồn tại của chùa Long Cảm góp thêm một ngôi chùa có niên đại thời Lý trên đất Thanh Hóa ít được mọi người biết đến” (Địa chí huyện Hà Trung).

Những ngôi chùa thời Lý trên đất xứ Thanh, tuy phần lớn đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, diện mạo, kiến trúc đổi thay so với ban đầu nhưng dấu ấn thời đại vẫn hiện hữu trong hiện vật cổ, hoa văn, họa tiết trang trí... Dấu vết lịch sử ấy nhắc nhớ biết bao điều về vương triều nhà Lý cùng một thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo, gợi lên trong tâm khảm mỗi người niềm trân trọng, tự hào với công đức người xưa, kết nối quá khứ - hiện tại, là động lực hướng tới tương lai.

THẢO LINH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]