(Baothanhhoa.vn) - Trong hành trình mấy ngàn năm lịch sử của đất nước, Thanh Hóa đất rộng, người đông, địa thế hiểm trở, không chỉ là đất quý hương, đất sinh vua, sinh chúa mà còn luôn là hậu phương vững chắc, khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, từ nơi mảnh đất giàu truyền thống này có biết bao chàng trai trẻ xung phong lên đường chiến đấu, bao người mẹ, người vợ ngóng chờ ngày đoàn tụ.

Đất nghèo sinh những anh hùng

Trong hành trình mấy ngàn năm lịch sử của đất nước, Thanh Hóa đất rộng, người đông, địa thế hiểm trở, không chỉ là đất quý hương, đất sinh vua, sinh chúa mà còn luôn là hậu phương vững chắc, khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, từ nơi mảnh đất giàu truyền thống này có biết bao chàng trai trẻ xung phong lên đường chiến đấu, bao người mẹ, người vợ ngóng chờ ngày đoàn tụ.

Đất nghèo sinh những anh hùngNhờ ao cá rộng 8.000m2 mà gia đình CCB Lê Văn Hữu (thôn 5, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn) đã có đời sống kinh tế khá ổn định.

Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Thanh Hóa vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa cùng Nhân dân trong tỉnh dồn lực chi viện cho các chiến trường, cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến, đặc biệt là cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Tiếp ngay sau đó, với lòng căm thù giặc, bao lớp thanh niên của tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, hoặc tham gia thanh niên xung phong với ý chí, quyết tâm “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” cùng quân, dân cả nước đánh Mỹ, thắng Mỹ, lật nhào chế độ ngụy quyền để non sông liền một dải, Nam - Bắc vui sum họp một nhà. Vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, lực lượng vũ trang Thanh Hóa phối hợp với bộ đội chủ lực đánh gần 1.000 trận, bắn rơi 376 máy bay, trong đó có 3 chiếc B52, riêng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Thanh Hóa bằng súng bộ binh bắn rơi 81 chiếc; chiến đấu 175 trận trên biển, bắn cháy, bắn chìm 57 tàu biệt kích Mỹ - ngụy.

Thanh Hóa tự hào là tỉnh có số lượng người có công (NCC) lớn với 349.971 người, trong đó có 4.632 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), 55.932 liệt sĩ, 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 104 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 43.571 thương binh, 15.959 bệnh binh; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 19.183 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Toàn tỉnh có 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương...

Từ năm 1946, trong bức thư đăng trên Báo Cứu quốc (ngày 7-1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Và kể từ kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ đầu tiên đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết tới 25 bức thư động viên thăm hỏi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.

48 năm sau ngày đất nước được độc lập và thống nhất, đất nước ta phát triển toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao. Đi cùng với việc quyết tâm xây dựng tỉnh “kiểu mẫu”, Thanh Hóa luôn nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Người “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái đối với thương binh và gia đình liệt sĩ”.

Cứ đến những ngày tháng 7, ký ức về những năm tháng chiến đấu dường như thêm một lần nữa được đánh thức, để các cựu chiến binh (CCB), những người có công và cả những thân nhân của họ nhìn lại câu chuyện đời mình, để từ đó phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ.

Chúng tôi tìm về nhà của CCB Lê Văn Hữu, bí thư kiêm trưởng thôn 5, xã Xuân Thọ (Triệu Sơn). Sinh năm 1964, ông có 4 năm 9 tháng tham gia huấn luyện ở chiến trường biên giới phía Bắc. Không chấp nhận cuộc sống nghèo đói, ông cùng 42 CCB khác trong thôn 5, xã Xuân Thọ, động viên nhau phát triển kinh tế. Năm 2020, họ quyết định thành lập tổ CCB nuôi trồng thủy sản. Với việc đổi điền, dồn thửa, sau 3 năm, các hộ có diện tích ao cá từ 2.500m2 đến 20.000m2. Theo quy chế, mỗi hội viên được vay từ 10 - 20 triệu với lãi suất 0,5%/năm, riêng các hộ khó khăn không phải trả lãi. Bắt đầu từ việc cùng nhau tìm hiểu các kỹ thuật nuôi cá, tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn, đến xếp lịch đánh bắt tránh việc tranh giành để bị thương lái ép giá. Tổ CCB thường xuyên họp lại để đánh giá, rút kinh nghiệm. Thậm chí khi mưa bão, lụt lội các hội viên tập trung lại để tham gia giúp đỡ ngày công. Ao cá của gia đình ông Hữu hiện có 8.000m2 mặt nước. So với trồng lúa, thu nhập từ nuôi cá gấp 7 đến 10 lần, hiện nay bình quân thu nhập của mỗi thành viên trong gia đình ông đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Không riêng gì gia đình ông, các thành viên trong tổ đều có thu nhập khá. “Đây chính là một trong những tiêu chí để thôn 5 chúng tôi có đủ điều kiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Theo số liệu của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa, sau 8 năm thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” (2016-2023), đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 268 “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế” (cấp xã), với 3.797 hội viên tham gia. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, Hội CCB toàn tỉnh đã giảm được 8.289 hộ nghèo, 2.275 hộ cận nghèo; số hộ CCB khá, giàu tăng 42.272 hộ (tăng 20,59%)... Ông Phạm Văn Thân, Trưởng Ban Tuyên giáo - phong trào, Hội CCB tỉnh, cho biết: Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm và hành động cụ thể của mỗi tổ chức hội, mỗi cán bộ, hội viên trong tỉnh. Không chỉ giúp cho hội viên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mà còn là chất keo gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội, giữa các cấp hội với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân; vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức hội CCB cũng được nâng cao. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các thế hệ CCB, giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.

Mẹ VNAH Bùi Thị Long (thôn Bái Gạo 2, xã Mậu Lâm, Như Thanh) năm nay vừa tròn 90 tuổi nhưng vẫn khá nhanh nhẹn. Cuộc đời của mẹ trải qua nhiều vất vả, gian khó. Đã từng là dân quân du kích mẹ thấu hiểu những hiểm nguy bất cứ lúc nào. Mẹ kể: Từ lúc thằng Minh (anh Quách Văn Minh) nhập ngũ là mẹ không yên giấc. Anh Quách Văn Minh (SN 1963) nhập ngũ năm 1982 khi vừa mới bước vào tuổi hai mươi. Trong một lá thư anh từng dặn dò bố mẹ sống vui vẻ chờ ngày về sẽ cưới vợ, cho mẹ có thêm con dâu và cháu bế bồng thì đến năm 1985, mẹ Long đã nhận được giấy báo tử.

Người con thứ 4 của mẹ, anh Quách Văn Quang (sinh năm 1967) cũng hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ ở đảo Mê. Rồi cả người em trai của mẹ là Bùi Văn Tiếp cũng đã hy sinh tại chiến trường hạ Lào.

Mẹ Bùi Thị Long chia sẻ: Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng rồi mẹ còn 4 đứa con cần phải nuôi lớn khôn thành người. Mẹ phải làm đủ việc, từ việc cơ quan đến buôn bán chạy chợ. Mình cũng phải là tấm gương để con cháu soi vào mà trưởng thành và có ích cho xã hội.

Đáp ứng mong muốn đưa được anh Minh ở Nghĩa trang Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) về quê nhà, cuối năm 2021 gia đình có tổ chức vào thăm nghĩa trang. Nhưng rồi chính mẹ lại thay đổi ý định. Mẹ muốn anh được nằm cạnh các đồng đội, mãi mãi. “Mẹ không buồn nhiều nữa đâu. Bên mẹ còn có 4 người con, có các cấp, các ngành chăm lo, phụng dưỡng suốt đời”, Mẹ VNAH Bùi Thị Long nói với chúng tôi.

Không chỉ có mẹ Long, trên mảnh đất xứ Thanh này còn có biết bao nhiêu tấm gương anh hùng, CCB khác đã sẵn sàng quên đi nỗi buồn cá nhân để con cháu yên tâm làm việc, luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng cuộc sống của mình và quê hương tốt đẹp hơn.

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]