Đất làng Hà Châu
Xã Hà Châu (Hà Trung) nằm trong không gian của vùng đất chiêm trũng Hà Trung - lưu vực của sông Tống, sông Hoạt, lại có núi Nga Châu, Ngọc Chuế... nhô lên ví như con chim phượng khổng lồ nên người xưa vẫn thường gọi là núi Phượng. Hình thế ấy như sự hữu ý sắp đặt của bàn tay tạo hóa, tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa sống động, tươi đẹp mà vẫn mang nét bình dị. Trên đất Hà Châu với ba làng Ngọc Chuế, Nga Châu, Thạch Lễ đã có con người đến cư ngụ từ cả nghìn năm về trước.
Đình làng Nga Châu là một trong bốn di tích đã được xếp hạng trên địa bàn xã Hà Châu (Hà Trung). Ảnh: Khánh Lộc
Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Châu: “Chính núi Ngọc Chuế, Nga Châu đã tạo nên địa thế, địa hình của xã Hà Châu, nghiêng từ Tây - Bắc xuống Đông - Nam và là “vật cản” bắt sông Tống phải “nắn” dòng chảy...; nhánh sông Hoạt chảy về hướng Nam, ôm trọn hướng Đông của xã Hà Châu, đến cửa kênh Nga, hợp với sông Mã (nhánh Lèn) đổ ra cửa biển Bạch Câu”.
Căn cứ theo những dấu tích, thần phả và cả lưu truyền dân gian, người dân Hà Châu tin rằng, từ thời Ngô - Đinh - tiền Lê - Lý, vùng đất này đã có người đến ở, trong đó làng Thạch Lễ và Ngọc Chuế được lập dựng sớm hơn.
Lưu truyền dân gian kể rằng, vào thời Ngô, có ông Mai Đức Xương quê ở Nghệ An, gặp năm thiên tai mất mùa nên đã rời quê mà đi. Sau những ngày ròng rã, ông đến được vùng đất Thạch Lễ ngày nay (khi đó chưa có làng, chưa có tên). Thấy đất đai ven sông (Hoạt) màu mỡ nên đã dừng chân ở lại. Bấy giờ, đồng đất dẫu bằng phẳng nhưng khá lầy lội, nên ông đặt tên là Trại Lội. Không lâu sau, có ông Trình Minh người huyện Lôi Dương (Thọ Xuân ngày nay) cùng đến lập nghiệp. Hai ông Mai Đức Xương và Trình Minh đã cùng nhau dốc sức cải tạo đất đai, chiêu dân bốn phương cùng về chung sức khai phá, lập nên xóm làng.
Tuy nhiên sau đó, nước sông Hoạt lên xuống thất thường khiến sinh hoạt và canh tác của người dân gặp khó khăn. Hai ông Mai Đức Xương và Trình Minh quyết định “chia đôi” cư dân Trại Lội để chuyển đến nơi ở mới cao hơn.
Những người theo ông Mai Đức Xương đi về phía Tây Bắc, dưới chân núi Phượng. Lúc này, làng có nhiều đất đá lổn nhổn nên người dân đã đặt tên làng Thạch Lỗi. Ở làng Thạch Lỗi, người dân cùng nhau đào giếng lấy nước, lập đền thờ sơn thần, rồi đình làng... Và từ một vùng Thạch Lỗi đất đá lổn nhổn qua thời gian đã trở thành làng mạc đông vui, phát triển, về sau làng được đổi tên thành Thạch Lễ.
Các cụ cao niên trong làng kể rằng, đến khoảng thời Lê, do sự phát triển của làng xã, khu vực dưới chân núi Phượng ngày nào đã trở nên chật hẹp; cùng với đó, vào khoảng thế kỷ XV, khu vực ven sông Hoạt ngày nào giờ đã ổn định, nên người dân Thạch Lễ lại tiếp tục “di dân”, dời về bên bờ sông Hoạt để mở mang xóm làng.
Ngày nay, trên đất làng Thạch Lễ, còn đó những địa danh đồng, bãi, gò gắn liền với quá trình khai hoang, lập làng, như: bến đò, bái giữa, đám ao, đồng thổ, gò Trung, đồng Bông, cửa Nghè, bãi sông...
Từ Trại Lội buổi ban đầu, khi ông Mai Đức Xương và ông Trình Minh “chia đôi” xóm làng. Vốn là người thông minh, tài trí, ông Trình Minh dẫn người dời đến nơi ở mới cách Trại Lội một quãng không xa, ông đặt tên cho khu vực đó là Xuyết Khu (được hiểu là cái âu khuyết). Làng tựa lưng vào núi, “ngoảnh mặt” ra hướng Đông Nam. Sau họ Trình là họ Vũ, Bùi, Lê, Phạm, Mã, Mai, Hoàng, Nguyễn... đã cùng nhau về đây, dốc sức xây dựng xóm làng trù phú.
Vào thời Lý, ở Xuyết Khu có ông Bùi Lới thi đỗ và làm quan. Khi vinh quy bái tổ, ông đã cùng với dân làng lập dựng đền thờ ông Trình Minh trên đỉnh núi nhằm tưởng nhớ người đã có công khai lập nên làng. Làng cũng được đổi tên thành Kim Xuyết (được hiểu là cái âu vàng). Về sau, ông Trình Minh lại được triều đình phong kiến ban sắc phong là Minh Tự Khanh, Phúc Nhạc tôn thần, còn ông Bùi Lới được phong Đại Vương... Cả hai ông được người dân thờ phụng ở đình làng.
Trải qua thời gian, đến thời nhà Nguyễn, vì tránh tên của Nguyễn Kim (Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế) nên làng có tên Ngọc Xuyết, rồi Ngọc Chuế.
Với làng Nga Châu, việc lập làng diễn ra muộn hơn, gắn liền với công lao của ông Lã Văn Lang. Ông sống vào thời nhà Lý. Là người thông minh, sáng dạ, lại giỏi võ nghệ, đã có công giúp vua nhà Lý đánh giặc Chiêm Thành nên đã được làm quan trong triều. Có ý kiến cho rằng, ông vốn người Hà Tĩnh, vì có công với triều đình nên đã được ban thưởng và vùng đất Nga Châu ngày nay chính là “lộc điền” mà Lã Văn Lang được vua ban.
Bấy giờ, thấy xóm Trại (thuộc làng Nga Châu ngày nay) có địa thế đẹp “lưng tựa vững chãi vào núi, giống như một chiếc thuyền khổng lồ đang bơi về phía trước” nên ông Lã Văn Lang đã dời nhà đến đây để ở, đồng thời vận động một số hộ dân cùng đến sinh sống - từ đó mà làng Nga Châu từng bước được lập dựng và phát triển cho đến ngày nay.
Làng Nga Châu “trên là núi non trùng điệp, dưới là sông biển nên cổ nhân từng cho rằng làng Nga là nơi gặp nhau của đất trời với thế thiên thời, địa lợi nên trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, làng không ngừng phát triển, không ngừng vươn lên và rộng ra. Từ một vùng đất chiêm trũng bùn đất lầy lội thành vùng quê trù phú với các xóm làng”.
Về quá trình lập dựng, phát triển các làng ở đất Hà Châu, theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Làng Ngọc Chuế do ông Trình Minh lập năm 962, ban đầu mang tên Xuyết Khu, sau đổi tên thành Kiều Xuyết, rồi Ngọc Xuyết... Trước đó, năm 958, Mai Đức Xương đã lập nên làng Thạch Lỗi. Do đường đi lát đá lồi lõm nên đặt tên Thạch Lỗi, đời Lê chuyển về gần với sông Hoạt, đổi là Thạch Lễ. Làng Nga Châu lại do ông Lã Văn Lang (Lung) sáng lập vào đời Lý... Lã Văn Lang theo vua dẹp giặc Chiêm Thành thắng lợi, được hưởng lộc điền nơi khai khẩn, mới có điều kiện mở mang thêm trại ấp. Ba Làng Ngọc Xuyết (Ngọc Chuế), Nga Châu, Thạch Lễ nay thuộc xã Hà Châu”.
Đi qua thời gian cả nghìn năm lập dựng và phát triển, trên đất Hà Châu hôm nay, những làng Việt truyền thống với những tên gọi, địa danh và truyền thuyết lưu truyền là “dấu tích” về cả quá trình phát triển lâu bền. Nói về việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trên đất Hà Châu, ông Lê Viết Định, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Châu, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Hà Châu có 4 di tích đã được xếp hạng là đền thờ Trình Minh; đình làng Nga Châu; đình làng Thạch Lễ; đền thờ Nguyệt Nga công chúa. Cùng với đó, lễ hội đền thờ Trình Minh (10 tháng 3 âm lịch) và lễ hội đình làng Nga Châu (24 tháng 6 âm lịch) là những lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Hà Châu”.
Khánh Lộc
(Bài viết tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Địa chí huyện Hà Trung; Lịch sử Đảng bộ xã Hà Châu).
- 2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
- 2024-11-07 16:15:00
Pù Luông - Mùa đông ngủ yên trên triền núi
- 2024-10-11 09:26:00
Hát nhà trò trên đất Văn Trinh xưa
Nức tiếng Kẻ Go xưa
[E-Magazine] – Một đời gùi chữ lên non
Trên quê hương Nông hội đỏ
Cuộc đời thăng trầm của danh tướng Lê Ngân
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở hang Bàn Bù
Làng cổ Tường Vân
Trần Văn Vĩnh - dũng tướng dưới triều vua Minh Mạng
Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Người cựu TNXP hết lòng vì Trường Sơn thân yêu