(Baothanhhoa.vn) - Luôn tìm cách đi “lệch hướng” với trào lưu canh tác trong vùng, gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Quảng Bình, xã Hà Long (Hà Trung) đã khơi dậy tốt tiềm năng của vùng đồi quê hương. Hiện nay, rừng bưởi đỏ thuần loài quy mô với 2.000 gốc của gia đình bà không chỉ được công nhận canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, mà còn được chứng nhận nhãn hiệu với tên gọi “Bưởi ruột hồng Hà Long”. Nhưng đằng sau thành công ấy, là quá trình cải tạo vùng đồi hoang hóa trong hàng chục năm để có được những thành quả...

Chuyện cải tạo vùng đồi Hà Long thành rừng bưởi đỏ VietGAP

Luôn tìm cách đi “lệch hướng” với trào lưu canh tác trong vùng, gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Quảng Bình, xã Hà Long (Hà Trung) đã khơi dậy tốt tiềm năng của vùng đồi quê hương. Hiện nay, rừng bưởi đỏ thuần loài quy mô với 2.000 gốc của gia đình bà không chỉ được công nhận canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, mà còn được chứng nhận nhãn hiệu với tên gọi “Bưởi ruột hồng Hà Long”. Nhưng đằng sau thành công ấy, là quá trình cải tạo vùng đồi hoang hóa trong hàng chục năm để có được những thành quả...

Chuyện cải tạo vùng đồi Hà Long thành rừng bưởi đỏ VietGAPRừng bưởi đỏ 4 ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hải trở thành mô hình cây ăn quả điển hình trong tỉnh, được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Hàng năm vào dịp khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên đán, tại trang trại bưởi đỏ của gia đình bà Hải luôn tấp nập các loại xe ra vào chở bưởi. 12 lao động luôn tất bật hái quả, trung chuyển ra xe liên tục suốt 3 – 4 tháng ròng. Nằm gần tuyến Quốc lộ 217 từ huyện Hà Trung đi huyện Thạch Thành, nên mỗi lần qua đây, nhiều người không khó nhận ra một rừng bưởi với quả trĩu cành. Khó có thể tưởng tượng, trung bình mỗi gốc bưởi ở đây có thể cho tới hơn 300 quả, nhiều cây lên 400 – 500 quả. Nhiều lần cảm nhận, chúng tôi đều thấy chất lượng bưởi ở đây ngọt, mọng nước và thanh mát. Những trái bưởi hình thù giống trái lê, có màu vàng nhạt, nhưng ruột đỏ hồng đẹp mắt. Những năm gần đây, bưởi Diễn, bưởi da xanh đang dần bão hòa trên thị trường, thì bưởi đỏ này lại khá đắt hàng vì trên địa bàn tỉnh còn ít người trồng.

Những ngày tháng 2 này với tiết xuân mát mẻ, rừng bưởi lại ra chi chít những nụ hoa, trải dài bạt ngàn một vùng đồi rộng lớn. Cả 4 ha bưởi từ 9 đến 10 năm tuổi đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để thay thế sức lao động. Dẫn chúng tôi thăm rừng bưởi, vợ chồng chị Hải không ngần ngại chia sẻ nhiều kinh nghiệm đúc kết và giới thiệu yếu tố khoa học trong canh tác. Cái hay ở nhiều vùng trồng bưởi trong tỉnh chưa làm được là ở đây, gia chủ đã tác động kỹ thuật và phân bón để rừng bưởi ra hoa thành nhiều đợt khác nhau. Mục đích là để thời điểm thu hoạch mỗi khu phải lệch nhau, tránh để bưởi chín đồng loạt gây áp lực cho đầu ra. Sớm xác định canh tác sạch để phát triển bền vững nên rừng bưởi được trồng theo hướng hữu cơ, không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Năm 2021, vườn bưởi đã được cấp chứng nhận VietGAP, lấy nhãn hiệu là "Bưởi ruột hồng Hà Long”. Từ đó, thị trường đầu ra cho trái bưởi Hà Long này ngày càng rộng mở, hiện đã được các thương lái đưa đi thị trường nhiều tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, TP Hà Nội và các chợ đầu mối trong tỉnh để tiêu thụ. Biết chất lượng bưởi ngon, nhiều người dân trong vùng thường đến tận vườn mua sử dụng và làm quà, có khách hàng mua hàng trăm quả.

Trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu bón phân gà, phân bò hoai mục nên trái bưởi sau khi hái, có thể bảo quản được 2 – 3 tháng. Theo hạch toán của chủ vườn, mỗi gốc bưởi tỏa bóng trung bình mất 25m2, nay cho thu hoạch quả giá trị từ 2 đến 3 triệu đồng/cây/năm. Cùng diện tích ấy, nếu trồng dứa gai như bà con trong vùng, chỉ thu hoạch khoảng 500 nghìn đồng/ha/năm. Trồng ổi thu nhập cao hơn dứa nhưng thu nhập vẫn kém xa rừng bưởi hữu cơ này. Từ nhiều năm gần đây, rừng bưởi đều cho doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí nhân công và các khoản đầu tư khác, vẫn còn lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình bà Hải phải mất cả quá trình dài nỗ lực. Khu đất trồng bưởi trước đây là vùng chân đồi, được một đơn vị quân đội dùng làm bãi xe cơ giới. Trên nền đất, lớp dầu mỡ đã thấm sâu, đến cỏ cây còn không mọc được. Sau này không còn bãi xe, UBND xã Hà Long đã kêu gọi người dân đấu thầu đất đồi phát triển kinh tế. “Khu đồi những nơi màu mỡ đã có người nhận thầu, còn chỗ này thì mọi người đều ái ngại. Năm 1996, gia đình tôi mạnh dạn nhận khoán, rồi từng bước cải tạo. Sẵn gia đình có máy xúc và nhân lực, những năm sau đó, tôi cho hớt lớp đất mặt, rồi từng bước mua đất san lấp ở các công trình về đổ rải lên một lớp dày cả mét để cải tạo” – bà Hải cho hay.

Đất mới, lại nhiều loại khác nhau san lấp nên cây khó thích nghi, gia đình bà phải nhiều lần bón phân. Những vụ tiếp theo, gia đình mua mùn bã mía bỏ đi của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan ở huyện Thạch Thành về rải tạo mùn. Một khu sản xuất với tổng diện tích 15 ha được hình thành để trồng mía và dứa gai. Đây là những cây trồng đại trà ở địa phương, thường xuyên được mùa mất giá nên bà Hải cùng chồng chuyển một phần diện tích sang trồng ổi và cây ăn quả lâu năm. “Khi bà con trong vùng trồng đại trà cây ổi, nên thị trường trái ổi khó khăn hơn, lại phải thuê người hái quanh năm mà toàn thu tiền lẻ. Nhận thấy cần có hướng đi khác nên đến năm 2012, vợ chồng tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu các mô hình cây ăn quả, khi đến Hòa Bình thấy những vườn bưởi đỏ hiệu quả mà chất lượng quả rất ngon, ở Thanh Hóa chưa có nhiều người trồng nên quyết tâm du nhập. Đến năm 2013, gia đình đầu tư 50 triệu đồng mua giống bưởi đỏ từ Hòa Bình về trồng” – chị Hải kể. Ngoài kiến thức và kỹ thuật chăm sóc học tập, cộng với kinh nghiệm tự đúc kết, vườn bưởi 4 ha lớn nhanh và ngày càng nhiều quả.

Rừng bưởi 10 năm tuổi đã tỏa bóng, được trồng thẳng hàng chẳng khác nào khu công viên cây xanh, xe ô tô đi vào tận vườn. Nơi đây đã trở thành địa chỉ miễn phí để nhiều trường mầm non trong huyện Hà Trung, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn đưa các cháu đến học dã ngoại. “Những tháng gần tết hằng năm đều có cả chục trường đưa học sinh mầm non đến đây. Gia đình tôi không những không thu phí mà còn bố trí người dẫn các cháu đi thăm, bóc thành nhiều mâm bưởi để mời cô trò thưởng thức” – bà Hải cho biết.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]