(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, tuy nhiên, sự anh dũng, kiên cường cùng những khốc liệt, gian khổ, hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong các cuộc chiến vẫn luôn nhắc nhớ chúng ta về niềm tự hào, lòng tri ân sâu sắc, trách nhiệm với công lao, đóng góp của các thế hệ cha ông. Trong đó, việc chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm thiết thực, nhân văn, khắc sâu đạo lý truyền thống dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh trên dải đất hình chữ S này.

“Cho con gánh mẹ một lần”...

Chiến tranh đã lùi xa, tuy nhiên, sự anh dũng, kiên cường cùng những khốc liệt, gian khổ, hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong các cuộc chiến vẫn luôn nhắc nhớ chúng ta về niềm tự hào, lòng tri ân sâu sắc, trách nhiệm với công lao, đóng góp của các thế hệ cha ông. Trong đó, việc chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng là việc làm thiết thực, nhân văn, khắc sâu đạo lý truyền thống dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh trên dải đất hình chữ S này.

“Cho con gánh mẹ một lần”...Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuyến, 97 tuổi, xã Hà Tân, Hà Trung, bên các con, cháu. Ảnh: H.T

Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi...”, những câu hát vang lên trong những ngày tháng 7 như tiếng lòng thổn thức thúc giục bước chân chúng tôi về với Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuyến (xã Hà Tân, Hà Trung). Bà Tạ Thị Thu Thủy, phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hà Trung, cho biết: “Huyện Hà Trung có 195 mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng. Theo thời gian, đến nay, toàn huyện chỉ còn 8 mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Trong những năm qua, huyện luôn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, coi đó là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuyến có 8 người con, 4 trai, 4 gái. Anh Nguyễn Văn Pháo (con trai đầu), anh Nguyễn Văn Khải (con trai thứ ba) của mẹ đã hiến dâng cả tuổi xuân phơi phới cho Tổ quốc trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Cho đến nay, dẫu nhiều nỗ lực, cố gắng, hài cốt của hai anh vẫn chưa được tìm thấy. Trong căn nhà của gia đình mẹ Tuyến, ban thờ hai người con liệt sĩ, chỉ duy nhất có tấm ảnh của anh Nguyễn Văn Khải. Mẹ Tuyến nghẹn ngào: “Ngày thằng Pháo nó nhập ngũ, tôi có nói với con là: Con chụp lấy tấm ảnh để ở nhà. Nó nói: Con đi đợt này, đợt sau con về sẽ chụp hoặc vào đơn vị rồi con sẽ chụp gửi về sau”. Năm tháng qua đi, lòng mẹ vẫn khắc ghi mãi lời tâm sự của anh Pháo viết trong lá thư gửi về quê nhà: Con đi đánh Mỹ, sau này trở về con sẽ là dũng sĩ. Nhưng rồi anh Pháo đi mãi, chẳng bao giờ trở lại, chẳng có một bức ảnh thờ cho người mẹ già vời vợi nhớ thương...

Những nỗi đau, mất mát lớn lao ấy, cũng như biết bao người mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp dải đất hình chữ S này, mẹ Tuyến nén chặt trong lòng. Nhìn người mẹ già đã gần 100 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn, chuyện trò cùng các con, cháu trong ngôi nhà khang trang, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm, an lòng. Con cái của mẹ Tuyến đều đã lập gia đình và ở cùng làng, sống quây quần bên mẹ; tính đủ cháu, chắt nội, ngoại cũng đã là 45 người. Mẹ Tuyến vui cười nói: “Vào các ngày giỗ, dịp lễ, tết mà thuận lợi, con cháu sum họp đông đủ thì vui lắm. Rồi bà con lối xóm, lãnh đạo xã, huyện, ai nấy đều thương, đều quan tâm, thường thăm hỏi, động viên, tặng quà. Hễ xã hay huyện có chương trình, sự kiện gì liên quan đều đến tận nhà đón đi tham dự”.

Vì mẹ nói chuyện rất có duyên, hài hước, dí dỏm nên câu chuyện cứ kéo dài ra mãi: Từ chuyện về hai người con trai đã hy sinh, chuyện cháu con bây giờ, chuyện làng, xã... Mẹ khoe: “Vừa rồi, tôi được tỉnh đón đi ra ngoài Trung ương tham dự chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”, được gặp lãnh đạo Nhà nước, tôi xúc động lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các thầy cô Trường THPT Hà Trung đã quan tâm, chăm sóc cho tôi và nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác nữa”. Trước đây, mẹ Tuyến ở cùng gia đình anh con trai thứ tư, nhưng sau khi anh mất, mẹ ở cùng con dâu. Chị Nguyễn Thị Hương (63 tuổi, con dâu của mẹ Tuyến) tâm sự: “43 năm về làm dâu của mẹ, tôi và mẹ vẫn chung sống hòa thuận, vui vẻ dưới mái nhà này. Trước chồng tôi còn sống đã vậy, giờ chồng tôi mất rồi, tôi càng thấy thương mẹ nhiều hơn. Mẹ cô đơn, con cũng cô đơn, giờ hai mẹ con chăm sóc, bầu bạn cho trọn đạo nghĩa, vẹn tình”.

Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với mẹ Tuyến khiến chúng tôi không nỡ rời đi. Phần vì thương mẹ, yêu mến những câu chuyện thân tình, gần gũi mẹ kể. Chúng tôi nghĩ nhiều hơn về cuộc đời, về những mẹ Việt Nam Anh hùng trên quê hương, đất nước mình và thầm mong ai cũng được nở nụ cười tươi vui, hạnh phúc. Mảnh đất xứ Thanh anh hùng có 4.625 mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó 111 mẹ còn sống.

Hằng năm, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các mẹ vào những dịp lễ, tết; công tác chăm sóc sức khỏe cho các mẹ được thực hiện chu đáo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở với kinh phí từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, nguồn “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn xã hội hóa... Bên cạnh đó, tỉnh tích cực vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện, các mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời với mức từ 500.000 đồng trở lên/mẹ/tháng.

Bên cạnh việc phụng dưỡng hằng tháng, thăm hỏi vào các dịp lễ, tết..., các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng thường xuyên liên lạc với gia đình, người thân và chính quyền địa phương nắm bắt tình hình sức khỏe, đời sống của các mẹ để thăm hỏi, động viên kịp thời, cùng với gia đình chăm sóc các mẹ khi đau yếu, nằm viện...

“Cho con gánh mẹ một lần, cả đời mẹ đã tảo tần gánh con...” – xin mượn lời câu hát ấy đề giãi bày nỗi lòng của nhiều thế hệ cháu con hôm nay dành cho các mẹ - những người mẹ Việt Nam Anh hùng – biểu tượng vĩnh hằng của đức hy sinh cao cả, sáng ngời phẩm chất phụ nữ Việt Nam. Nhận thức sâu sắc để thấm thía một điều rằng: Sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng đối với các mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào. Thông qua nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, cả xã hội thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng, sự tri ân, biết ơn sâu sắc, góp phần làm vơi bớt, xoa dịu đi những mất mát, đau thương trong lòng mỗi người mẹ và góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]