(Baothanhhoa.vn) - Khi làm Tri phủ Thanh Hóa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255-1330) đã lập vùng đất Văn Trinh là thái ấp. Tuy vậy, với vùng đất này, ông không chỉ là người lập ấp, mà còn là người “khai sinh” ra hát nhà trò - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù Việt Nam.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và đất Thanh

Khi làm Tri phủ Thanh Hóa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255-1330) đã lập vùng đất Văn Trinh là thái ấp. Tuy vậy, với vùng đất này, ông không chỉ là người lập ấp, mà còn là người “khai sinh” ra hát nhà trò - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù Việt Nam.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và đất Thanh

Đền thờ Trần Nhật Duật nằm ngay dưới núi Văn Trinh, xã Quảng Ngọc.

Vị tướng tài năng

Sử cũ chép rằng khi Trần Nhật Duật sinh ra, trên cánh tay có 4 chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Đến năm 12 tuổi, ông đã được vua Trần phong tước Chiêu Văn vương - một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần. Nói về Trần Nhật Duật, không một sử gia nào không dành những mỹ từ ca ngợi ông. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất.

Lịch sử đã nhắc nhiều về vai trò chỉ huy của ông trong trận đánh ở cửa Hàm Tử vào năm 1285. Hàm Tử khi ấy bao gồm toàn bộ binh thuyền, tướng lĩnh, lực lượng được Thoát Hoan cử đến do nguyên soái Toa Đô, hổ tướng Ô Mã Nhi cùng hàng chục viên tướng lão luyện chỉ huy. Nhận mệnh lệnh lên đường với hơn một vạn quân nhưng khi đến Hàm Tử thì đội quân của Trần Nhật Duật đã lên tới trên năm vạn người với gần bốn trăm thuyền chiến lớn nhỏ. Chiêu Văn vương vô cùng xúc động trỏ xuống lòng sông thề rằng: "Ta sẽ đại phá địch ở khúc sông này. Thề sống chết với giặc ở đây. Các ngươi hãy nhớ lấy". Tiếng hô “Sát Thát” vang rền mặt sông, khí thế quân ta không gì cản nổi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”. Hàm Tử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai; và cùng với các cánh quân khác đập tan hệ thống phòng thủ phía nam Thăng Long, mở đường tiến về giải phóng kinh thành.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật cũng liên tục lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta. Ông có vinh dự được chia sẻ trách nhiệm với Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Trần Nhật Duật là một nhà quân sự lớn. Bởi, trong các trận đánh, ông khôn khéo áp dụng phương pháp địch vận, tác động vào lòng người. Đồng thời kiên trì đường lối hữu nghị giữa các dân tộc, không kỳ thị những dân tộc thiểu số; liên minh với các dân tộc bị áp bức với mục tiêu chống kẻ thù chung.

“Là bậc thân vương tôn quý làm quan bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn...” (Đại Việt sử ký toàn thư), với hơn 50 năm làm tướng, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật là tấm gương sáng về tài trị quốc và đánh giặc.

Người "khai sinh" hát nhà trò

Ngoài tài năng về quân sự, Trần Nhật Duật còn là người rất thông thạo ngôn ngữ, phong tục, tập quán của các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước. Sách sử còn kể lại, ông thường cưỡi voi đến thôn Bà Già (Hà Nội) - nơi định cư của người Chiêm để học hỏi về ngôn ngữ, văn hóa người Chiêm, rồi đến thăm chùa Tường Phủ đàm đạo với tăng sĩ người Tống. Ông giỏi tiếng Trung Quốc đến nỗi sứ thần Trung Quốc khăng khăng ông là người Chân Định (một vùng văn vật của Trung Quốc, gần Bắc Kinh) dù ông đã nói rõ ông là người Việt.

Đặc biệt ông rất say mê âm nhạc, đã sáng tác rất nhiều khúc nhạc, lời ca, điệu múa, “ở dinh ông không ngày nào không mở cuộc chèo hát hay bày trò chơi, thế mà không ai cho ông là say đắm niềm vui mà quên công việc” (Hà Nội nghìn xưa, Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn San, 1975).

Trong cuộc chiến đấu với quân Nguyên - Mông lần thứ hai, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (nay là xã Quảng Ngọc, tỉnh Thanh Hóa) có vị trí trọng yếu, là căn cứ chiến lược đón vua Trần lui quân vào Thanh Hóa chuẩn bị kế hoạch phản công. Với nhiệm vụ trấn giữ sông Yên, sông Lý, đặc biệt là đại bản doanh - núi Ngọc Sơn. Từ đây, khi quân đã hùng, tướng đã mạnh, Trần Nhật Duật cùng vua Trần tiến quân ra Bắc bằng cả hai đường thủy, bộ mở đợt tổng công kích đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi.

Sau chiến thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ hai, vua Trần đã thực hiện việc thưởng công cho quý tộc, tướng lĩnh. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được bổ nhiệm làm Tri phủ Thanh Hóa, và vùng đất Văn Trinh đã trở thành thái ấp của riêng ông. Cũng chính tại nơi đây ông đã khai sinh ra hát nhà trò (vừa hát vừa làm trò) Văn Trinh - một trong những điệu hát đầu tiên của ca trù.

Điểm đặc biệt của hát nhà trò Văn Trinh, ngoài những khuôn mẫu riêng, thì trong quá trình lưu truyền các điệu thức, các bài hát, Nhân dân đã sáng tạo và bồi đắp thêm, nên càng trở nên phong phú. Phải chăng vì lẽ đó mà tương truyền những tao nhân, mặc khách trên đường thiên lý Bắc - Nam khi dừng chân ghé lại vùng đất Văn Trinh, đều mê mẩn, đắm say trước tiếng đàn phách, lời ca mượt mà của các ca nương, để rồi mãi ngẩn ngơ, lưu luyến.

Về thăm đền thờ Trần Nhật Duật ở xã Quảng Ngọc, chúng tôi được thủ từ Lê Văn Huê giới thiệu: Đền thờ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2004 và 20 năm sau, hát nhà trò Văn Trinh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến với lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (ngày 8/8 âm lịch hằng năm), bên cạnh các nghi lễ truyền thống, không thể thiếu hát nhà trò.

Đã 740 năm kể từ thời điểm nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ hai, song những câu chuyện về một vị tướng đa tài như Chiêu Văn vương cùng hát nhà trò Văn Trinh vẫn mãi được Nhân dân kể lại và bảo tồn.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]