Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo nộp tiền điện
Thời gian gần đây, nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo liên quan đến việc nộp tiền điện. Các đối tượng lừa đảo này sử dụng những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng và thiếu cảnh giác của người dân.
Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân hình thức thanh toán trực tuyến hóa đơn tiền điện.
Các đối tượng lừa đảo, mạo danh nhân viên điện lực, sử dụng số điện thoại di động cá nhân gọi điện và yêu cầu khách hàng thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của các đối tượng, nếu khách hàng không thanh toán tiền thì sẽ cắt điện hoặc khách hàng sẽ bị phạt.
Đơn cử như, ngày 6/1, anh Vũ Đại Dương ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên điện lực, thông báo rằng anh chưa thanh toán tiền điện, mặc dù anh đã thanh toán đủ tiền điện từ 2 ngày trước và còn lưu lại biên lai chuyển tiền. Khi anh trả lời là đã thanh toán và hỏi đối tượng thuộc đơn vị điện lực nào, thì nhận lại những lời nói bất lịch sự, khiếm nhã và tắt máy.
Tương tự, chị Lê Thị Thúy ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) khi đang làm việc cũng nhận được điện thoại gọi đến và yêu cầu thanh toán tiền điện. Vì chị sử dụng dịch vụ trừ tiền điện tự động thông qua ngân hàng nên khi nhận được cuộc gọi này chị rất ngạc nhiên. Chị trả lời đã thanh toán qua app ngân hàng thì các đối tượng nói rằng điện lực vẫn chưa nhận được tiền. Họ mời chị kết bạn zalo, gửi đường link và mã QR, yêu cầu chị thanh toán số tiền điện vào tài khoản cá nhân nhưng chị Thúy không bấm vào đường link vì đã đọc được những cảnh báo lừa đảo của Công ty Điện lực Thanh Hóa.
Trao đổi với ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Điện lực Triệu Sơn về vấn đề trên, ông cho biết, tất cả các giao dịch nộp tiền điện đều thanh toán qua tài khoản của điện lực, không thanh toán qua bất kỳ tài khoản cá nhân nào khác. Đồng thời, nhân viên điện lực khi giao tiếp với khách hàng đều tuân thủ nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, tuyệt đối không có thái độ khiếm nhã và sử dụng lời nói bất lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.
Ông Dũng cho rằng, khách hàng nên nắm rõ trình tự các bước tiến hành cắt điện của điện lực để tránh bị lừa đảo: “Khi phát hành hóa đơn thì khách hàng sẽ nhận được thông báo lần 1 là số tiền điện cần thanh toán qua tin nhắn SMS. Sau khi gửi thông báo tiền điện lần 1, nếu khách hàng chưa nộp tiền điện thì nhân viên điện lực sẽ gọi điện nhắc nhở nộp tiền và đồng thời sẽ thông báo về việc tính lãi chậm trả. Sau 15 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn mà khách hàng vẫn chưa thanh toán tiền điện thì nhân viên điện lực sẽ gửi giấy thông báo cắt điện đến địa điểm mua điện. Khi khách hàng bị cắt điện, muốn có điện trở lại thì phải thanh toán đầy đủ tiền điện theo hóa đơn, kèm theo chi phí đóng cắt và tiền lãi chậm trả cho điện lực.
Tuy nhiên có một số khách hàng khi mua nhà, bán nhà hay thay đổi số điện thoại thì cần thông báo cho điện lực thông tin mới để thay đổi trong hợp đồng mua bán điện, tránh trường hợp không nhận được thông báo”.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với một trong các trường hợp: Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tài sản dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt. Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo nộp tiền điện đang ngày càng tinh vi, người dân cần nâng cao cảnh giác và thận trọng trong mọi giao dịch. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, nên báo ngay cho công an hoặc gọi đến dịch vụ chăm sóc khách hàng của điện lực để xử lý kịp thời.
Phương Anh
{name} - {time}
-
2025-01-02 14:22:00
Bồn hoa kiên cố trên vỉa hè chắn ngang lối đi bộ
-
2025-01-02 09:46:00
Khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại MBQH 2185 trước ngày 30/1/2025
-
2024-12-23 16:27:00
Huyện Triệu Sơn cho dừng khai thác đất sát cao tốc Bắc - Nam ngay trong đêm
Ngang nhiên đưa máy xúc, xe tải vào khai thác đất trái phép sát cao tốc Bắc - Nam
Giải quyết đề nghị của người dân mua đất tại MBQH 2185 phường Hàm Rồng
Cần siết chặt hoạt động vận chuyển thịt lợn sau giết mổ
Xử lý rác thải trước cổng chào phố Tân Lập, phường Đông Thọ
Tràn lan rác thải trước cổng chào phố Tân Lập, phường Đông Thọ
UBND huyện Hà Trung trả lời đơn của ông Phạm Văn Lâm
Vì sao người dân mua đất tại MBQH 2185 phường Hàm Rồng vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ?