(Baothanhhoa.vn) - Trong những tuần gần đây, sự chú ý của cộng đồng quốc tế một lần nữa lại đổ dồn vào căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Các bên liên tục dành những ngôn từ cứng rắn cho nhau. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của các yếu tố bên ngoài, như những biến số trong phương trình leo thang căng thẳng Mỹ-Iran.

Bình luận quốc tế: Phương trình của sự thù địch

Trong những tuần gần đây, sự chú ý của cộng đồng quốc tế một lần nữa lại đổ dồn vào căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Các bên liên tục dành những ngôn từ cứng rắn cho nhau. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua vai trò của các yếu tố bên ngoài, như những biến số trong phương trình leo thang căng thẳng Mỹ-Iran.

Bình luận quốc tế: Phương trình của sự thù địch

Mục đích của những người trong cuộc

Tháng trước, Tổng thống Donald Trump tiết lộ ông đã gửi một lá thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đề xuất các cuộc đàm phán mới về thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã đơn phương từ bỏ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2018. Ông Trump tiếp tục đe dọa Iran bằng các cuộc ném bom “chưa từng thấy” nếu Tehran từ chối lời đề nghị.

Ngày 7/4, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh ưu tiên của ông đối với giải pháp ngoại giao. “Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran. Nó sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Chúng tôi có một cuộc họp quan trọng và chúng ta xem điều gì có thể xảy ra”, ông nói với các phóng viên. “Tôi nghĩ mọi người đều đồng ý việc thực hiện một thỏa thuận sẽ tốt hơn”.

Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố, trong tháng qua, Mỹ đã gia tăng đáng kể nhóm tác chiến tàu sân bay của mình ở Biển Đỏ, chuyển một phi đội máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm và máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II đến Jordan, và tập trung 7 máy bay ném bom chiến lược B-2A Spirit tại một căn cứ trên đảo Diego Garcia của Anh ở Ấn Độ Dương. Các chỉ huy quân sự Mỹ ở Trung Đông cũng đã nhận được lệnh là “phải chuẩn bị cho mọi tình huống”.

Phía Iran cũng không hề kém cạnh và đưa ra những cảnh báo gay gắt không kém. Ngày 7/4, phát biểu trong cuộc họp với các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tham mưu trưởng Liên quân, Thiếu tướng Hossein Salami cho biết Iran “hoàn toàn không lo ngại về chiến tranh. Chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh nhưng sẵn sàng cho mọi cuộc chiến”. Ông nói thêm Iran đã phát triển các chiến lược để đánh bại bất kỳ kẻ thù nào và đẩy lùi các hoạt động tâm lý cũng như các cuộc tấn công quân sự trực tiếp.

Chính quyền Tehran cũng đã phản ứng tương xứng với sự tập trung lực lượng của Mỹ bằng cách đặt quân đội vào tình trạng báo động cao và đóng cửa không phận trên một số khu vực của đất nước; tuyên bố ý định xem xét lại học thuyết quốc phòng nếu tình hình leo thang vẫn tiếp diễn.

Iran muốn chứng minh bằng mọi cách rằng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran sẽ là một chuyến phiêu lưu đầy rủi ro đối với Mỹ. Giới quan sát cho rằng, Iran hiện đang sở hữu kho vũ khí hùng hậu, hiện đại với những tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, thậm chí bao gồm cả những phát triển mới mà đối thủ chưa lường hết.

Bình luận quốc tế: Phương trình của sự thù địch

Bất chấp thực tế là chính quyền Mỹ đang cố gắng liên kết sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực với các sự kiện mới nhất trong chương trình nghị sự toàn cầu, đặc biệt là các cuộc xung đột quân sự ở Biển Đỏ và Lebanon, thì mấu chốt trong căng thẳng Mỹ-Iran vẫn là hồ sơ hạt nhân của Iran. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran đã vượt xa các giới hạn làm giàu uranium. Đến tháng 3/2025, IAEA ước tính Iran đã tích trữ khoảng 275kg uranium được làm giàu ở mức 60%, tiệm cận ngưỡng dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%.

Mặc dù tình báo Mỹ gần đây đã ngừng nói về “bước nhảy vọt hai tuần” của Tehran trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, song những thông tin về tiến trình sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran vẫn tiếp tục lan truyền trên báo chí và giới chức cấp cao Mỹ, làm gia tăng nỗi lo về một “Iran hạt nhân” và buộc Mỹ phải ngày càng gây sức ép lên Tehran.

Bất chấp những lời lẽ hiếu chiến trong những tuần gần đây, song Mỹ-Iran vẫn tham gia vào các vòng đàm phán gián tiếp thông qua Oman. Chương trình nghị sự cốt lõi tất nhiên là về thỏa thuận hạt nhân tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng là chính quyền Mỹ không hài lòng với kết quả làm việc của các nhà trung gian Oman và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ bằng cách gây sức ép tối đa. Cách tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với “chính sách gây sức ép tối đa” đối với Iran mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết trong chương trình vận động tranh cử.

Biến số từ các yếu tố bên ngoài

Sự lo lắng của Mỹ đang dần được truyền sang các bên tham gia khác trong thỏa thuận hạt nhân. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các tuyên bố của chính quyền Pháp. Ngày 2/4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo về nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Những đại diện châu Âu khác có vẻ như vẫn giữ được sự bình tĩnh và duy trì liên lạc với Tehran. Trong tháng qua, các nhà ngoại giao Anh đã có các cuộc đàm phán với các đồng nghiệp Iran về hồ sơ hạt nhân. Các nhà đàm phán Đức được cho là cũng đang xây dựng những kế hoạch tương tự.

Tuy nhiên, lập trường chung của “bộ ba châu Âu” có vẻ như ngày càng nghiêng về phía hoài nghi. Châu Âu vẫn chưa từ bỏ các lệnh trừng phạt và sẵn sàng siết chặt trừng phạt hơn nữa đối với Iran nếu vấn đề hạt nhân của nước này không được giải quyết vào tháng 6/2025. Điều này góp phần làm cứng rắn hơn lời lẽ của Iran, khuyến khích họ cố tình vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Liệu Mỹ và Iran có chuyển từ lời đe dọa công khai sang giao tranh thực sự không? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ, một phần vì tính chất của cuộc xung đột chứa đựng rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến diễn biến tình hình theo những cách khó lường nhất.

Biến số đầu tiên là Israel, nơi có cách diễn giải riêng về căng thẳng ngoại giao Mỹ-Iran. Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang có sự phấn khích bởi ý định của Tổng thống Trump nhằm “đóng sầm” hồ sơ hạt nhân Iran. Hơn nữa, Israel hài lòng khi Washington can thiệp ít hơn vào các hoạt động khu vực của nước này. Nếu như chính quyền tiền nhiệm Joe Biden cố gắng kiềm chế Israel và áp đặt công thức giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông theo cách của Mỹ, thì Tổng thống Trump có vẻ trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ Netanyahu, từ Gaza, Lebanon, và bây giờ là ở Iran.

Một biến số khác có thể là các đồng minh Ả Rập của Mỹ. Hầu hết các nước này đều không hài lòng về sự leo thang giữa Tehran và Washington, lo lắng trước sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, có thể làm leo thang căng thẳng thành các cuộc xung đột quân sự trực tiếp, ảnh hưởng đến môi trường an ninh quốc gia của các nước này. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã nỗ lực làm dịu mối quan hệ với Tehran thông qua vai trò trung gian tích cực của Trung Quốc.

Điều này giải thích một phần lý do tại sao không có sự tập trung lớn lực lượng Mỹ tại Căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar, một trong những cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ trên Bán đảo Ả Rập. Mặc dù căn cứ này nằm gần các mục tiêu dự kiến có thể bị Mỹ tấn công hơn, nhưng nó vẫn có thể dễ dàng bị Iran tấn công phủ đầu nếu xung đột leo thang. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch thăm các đồng minh Ả Rập vào tháng 5 tới. Nhiều khả năng, chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc tăng cường hiệp đồng giữa Mỹ và các đồng minh trong đối phó với vấn đề hạt nhân Iran.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]