(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh được xem là nơi phát tích của sử thi "Đẻ đất đẻ nước". Ra đời từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, cho đến hôm nay, áng thơ trường thiên kỳ vĩ ấy vẫn được gìn giữ trong đời sống cộng đồng, âm vang hồn sông núi; góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp huyền diệu của xứ Thanh - vùng đất sử thi.

Xứ Thanh – vùng đất sử thi

Xứ Thanh được xem là nơi phát tích của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Ra đời từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, cho đến hôm nay, áng thơ trường thiên kỳ vĩ ấy vẫn được gìn giữ trong đời sống cộng đồng, âm vang hồn sông núi; góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp huyền diệu của xứ Thanh - vùng đất sử thi.

Xứ Thanh – vùng đất sử thiXã Thiết Ống (Bá Thước) được xem là nơi phát tích sử thi "Để đất đẻ nước".

Theo chuyến xe ngược ngàn, chúng tôi tìm về với xứ Mường Ống, vùng đất xa xôi của huyện Bá Thước - nơi được xem là quê hương của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Với hàng ngàn, vạn câu thơ hồn nhiên, chất phác, mang đậm sắc màu thần thoại, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” giải thích sự hình thành của trời đất, muôn loài; qua đó phác họa quá trình tranh đấu dài lâu của con người nhằm chinh phục thiên nhiên, dựng bản, lập làng. Ngày hôm nay, những câu chuyện, những tên đất, tên người trong bộ sử thi đồ sộ ấy vẫn hiện hữu trong đời sống của đồng bào Mường và các dân tộc anh em.

Mở đầu hành trình khám phá Mường Ống, chúng tôi đến thăm ngọn đồi Lai Li Lai Láng - nơi lưu dấu nhiều câu chuyện thần thoại của pho sử thi này. Ông Hà Văn Minh, cán bộ xã Kỳ Tân tình nguyện đưa chúng tôi vượt quãng đường khá dài, để lên đỉnh đồi.

Đường lên đồi Lai Li Lai Láng gập ghềnh theo con dốc dài thăm thẳm. Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, ngọn đồi này là nơi có cây Chu đá lá Chu đồng, với những chùm bông Thau quả Thiếc. Chính bởi vậy, anh em lang Cun Cần, lang Cun Khương đã tiến hành cuộc viễn du qua bao sông, bao núi để đi tìm cây Chu thần thoại. Đốn được cây Chu, nhà lang trở nên giàu có, bản mường đông vui tấp nập. Ngọn đồi Lai Li Lai Láng, nhờ đó, được xem như ngọn núi Thần, núi Mẹ, có vị trí thiêng liêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Mường.

Cây Chu đá lá Chu đồng là loài cây chỉ có trong thần thoại. Nhưng, ngày hôm nay, đứng giữa ngọn đồi Lai Li Lai Láng, không khí thần thoại dường như còn hiện hữu. Mây trắng mênh mông còn đó. Tiếng suối róc rách còn đó. Những nếp nhà sàn lưng chừng đồi còn đó. Tất cả vẫn như đang thầm thì kể câu chuyện về buổi xa xưa, khi nhà Lang đốn cây Chu xây dựng bản Mường.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi tìm về bản Cha, xã Thiết Kế, huyện Bá Thước. Nơi đây vẫn còn dấu tích về cây Chu và hành trình nhà lang kéo Chu từ đồi Lai Li Lai Láng về Mường. Ông Vi Hùng Tha, người cao tuổi của bản Cha, dẫn chúng tôi đến một vùng nước xiết ven bờ sông Mã, và giải thích vì sao nơi này được gọi là Vũng Chu. Tương truyền, khi cây Chu được kéo về đến bản Cha, sợi dây bị đứt. Ngọn cây Chu cắm xuống bên bờ sông Mã, tạo thành một hố lõm, sau này gọi là Vũng Chu. Khi những người kéo Chu không biết phải làm sao để tìm được sợi dây, thì bỗng nhiên có con rái cá thần xuất hiện, lặn xuống đáy sông mò giúp, nên hành trình kéo Chu mới được tiếp tục. Ông Vi Hùng Tha còn kể: Lúc nghỉ ngơi, những người tham gia đoàn kéo Chu ngồi hút thuốc, bỏ quên ống điếu làm từ thân cây vầu. Điếu cắm xuống đất, mọc lên bụi vầu xanh tốt. Bụi vầu ấy sinh sôi, đến giờ vẫn tỏa bóng bên Vũng Chu này.

Từ Thiết Kế, chúng tôi ngược lên Thiết Ống - mảnh đất được xem là nơi phát tích của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Thiết Ống nằm bên tả ngạn của dòng sông Mã. Thuở xưa, vùng đất này được gọi là Mường Ống. Những bản Suội, bản Triết, bản Đốc, bản Sặng, bản Cú... ra đời, tồn tại hàng thế kỷ, như gợi nhắc về thuở hồng hoang, khi tộc người Mường đến sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này. Trải qua bao thế hệ, người dân Thiết Ống đã cùng nhau xây dựng bản Mường, tạo nên một vùng đất đai trù phú giữa núi đồi hùng vĩ. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” hình thành trong lao động sản xuất, trở thành niềm tự hào to lớn của người dân Mường Ống từ thuở xa xưa cho đến bây giờ.

Cán bộ xã Thiết Ống dẫn chúng tôi vào bản Cú, một bản làng xinh đẹp, nơi mà đến bây giờ, các Ậu Mo (thầy cúng) cao tuổi vẫn hát cho con cháu mình nghe sử thi “Đẻ đất đẻ nước” vào dịp lễ tang, lễ cúng cơm mới, lễ vía cho người già, trẻ nhỏ... Ngày diễn ra lễ hát mo của các Ậu Mo, những nếp nhà sàn của đồng bào Mường trở nên tấp nập. Người dân trong bản, xúng xính áo quần truyền thống, cùng chung tay chuẩn bị những vật phẩm mang đậm chất núi rừng, đó là nồi cháo hạt dổi thơm lừng, là gà ngon, lợn béo, là chõ xôi nếp nương dìu dịu và những trái cây thơm ngọt của rừng Mường.

Khi vật phẩm đã được chuẩn bị xong, Ậu Mo sẽ bắt đầu làm lễ cúng. Giữa không gian thâm u của núi rừng, những câu chuyện thần thoại trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được cất lên. Sử thi kể về buổi đầu hồng hoang, khi trời đất còn chưa phân định; tiếp đến quá trình đẻ cây si, đẻ mường, đẻ người. Mặt trăng, mặt trời, năm tháng... lần lượt được sinh ra. Con người từ trong mông muội, tiến gần đến văn minh khi tìm được lửa, nước, giống lúa, lợn, gà... Giai cấp được hình thành, sự giàu có và suy vong của bản mường cũng lần lượt diễn ra. Dòng lịch sử của quê hương, cộng đồng tuôn chảy như ngọn suối, con sông, dưới bầu không khí linh thiêng, trong từng lời kể của Ậu Mo.

Từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những lời hát trong sử thi cứ thế được lưu truyền bên bếp lửa, dưới thang gác nhà sàn, trong câu chuyện kể của những người già nơi bản làng vùng cao.

Trong đời sống văn hóa hôm nay, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” có nguy cơ ngày càng mai một. Có một người con của bản Mường đã nhận ra thực trạng ấy từ rất sớm. Ông là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh. Khi mới học lớp 4, Vương Anh đã theo ông cố của mình đi ghi lại những trích đoạn “Đẻ đất đẻ nước” từ các Ậu Mo. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã cùng các cộng sự sưu tầm, nghiên cứu và dịch sử thi “Đẻ đất đẻ nước” ra tiếng Việt. Cũng từ đó, sử thi được phổ biến rộng rãi, được đưa vào sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác. Tuổi 75, người con xứ Mường ấy vẫn thiết tha tâm nguyện muốn bảo tồn, gìn giữ pho sử thi đồ sộ của dân tộc mình cho các thế hệ con cháu mai sau.

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Anh cho biết: Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” là niềm tự hào chung của các dân tộc Việt Nam. Trước đây, những tưởng dân tộc Việt Nam không có sử thi. “Đẻ đất đẻ nước” đã “đứng lên”, lấp vào chỗ trống lịch sử ấy, minh chứng với thế giới rằng, đất nước chúng ta cũng có một bộ sử thi đồ sộ.

Ra đời nơi rừng sâu núi thẳm, sử thi “Đẻ đất đẻ nước” là khúc tráng ca của con người trong buổi sơ khai tìm đường mở cõi. Dẫu qua bao thăng trầm của cuộc sống, tính nhân văn cùng nghệ thuật đặc sắc của bộ sử thi này vẫn luôn còn đó, như là minh chứng cho sự tồn tại bất biến của những giá trị văn hóa được hình thành suốt ngàn đời trên dải đất xứ Thanh.

Ngoài sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, trên dải đất vùng cao xứ Thanh, còn tồn tại nhiều pho truyện thơ nổi tiếng như: Truyện thơ Khăm Panh, ra đời tại xã Cổ Lũng, Bá Thước; truyện thơ Pha Tém được sản sinh từ xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa; truyện thơ Nàng Nga - Hai Mối phát tích từ đất Thạch Thành... Dù không đồ sộ như Đẻ đất đẻ nước, song các truyện thơ đã góp phần bồi đắp thêm nét đẹp văn hóa, lịch sử, biến xứ Thanh thành một vùng đất sử thi quyến rũ, linh thiêng và thần thoại.

Lam Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]