(Baothanhhoa.vn) - Hình ảnh những con tàu đạp lên sóng cả mang theo lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi chính là biểu tượng đẹp, linh thiêng cho tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí lao động sản xuất kiên cường, đoàn kết của biết bao thế hệ ngư dân nước Việt. Mỗi con tàu – mỗi lá cờ tựa như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc

Hình ảnh những con tàu đạp lên sóng cả mang theo lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi chính là biểu tượng đẹp, linh thiêng cho tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí lao động sản xuất kiên cường, đoàn kết của biết bao thế hệ ngư dân nước Việt. Mỗi con tàu – mỗi lá cờ tựa như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc

Đời ngư phủ “hồn treo cột buồm”! Nay hăng hái, mạnh khỏe vươn khơi đấy nhưng nhiều khi, chỉ qua một cái chớp mắt thôi đã hòa thân xác vào lòng biển. Thiên tai, sóng to, gió lớn, tai nạn, rủi ro, tàu nước ngoài quấy phá, xua đuổi... Chừng ấy thôi đã đủ thấy trùng trùng, lớp lớp khó khăn, thách thức... Ấy vậy mà, bao đời nay, trên dọc dài đất biển xứ Thanh, những chàng trai làng chài vẫn nhộn nhịp vươn khơi, các thế hệ ngư dân vẫn nối tiếp nhau kiên cường bám biển, kiên định nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng làm giàu chân chính từ lộc biển bằng đôi bàn tay, trí óc, sức lao động. Hơn hết, họ luôn vững tin rằng, biển bao la, rộng lớn vô chừng nhưng tinh thần, sức mạnh con người sẽ vượt lên trùng khơi hung hiểm. Trên vùng biển của Tổ quốc, ngư dân xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung không bao giờ đơn độc bởi luôn có sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc, hỗ trợ, động viên, kích lệ. Bên cạnh các cơ quan, lực lượng chức năng như: Bộ đội biên phòng (BĐBP), kiểm ngư, chính quyền địa phương hay tổ đoàn kết trên biển, bạn thuyền thì lá cờ đỏ sao vàng chính là một trong những điểm tựa vững chãi cho những chuyến vươn khơi của ngư dân.

Hơn 25 năm gắn bó với nghề biển, mỗi chuyến vươn khơi của ngư dân Trần Văn Yên (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) và những người bạn thuyền của mình chưa bao giờ thiếu vắng lá cờ Tổ quốc. Anh Yên chia sẻ: “Chẳng biết phong trào này có từ bao giờ nhưng rất lâu rồi, từ khi tôi bắt đầu theo nghề đã thấy tàu nào cũng treo cờ Tổ quốc”. Cờ Tổ quốc luôn được treo ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của con tàu. Giữa trùng khơi, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, căng tràn sức sống, khí thế như cổ vũ thêm tinh thần, sức mạnh cho ngư dân vượt qua mọi khó khăn, gian khó, kéo lưới nặng tay, đầy khoang lộc biển. Anh Yên bảo: “Tàu không cờ như nhà không có nóc, trông buồn buồn, ảm đạm lắm”.

Không chỉ có ý nghĩa tinh thần, việc treo cờ Tổ quốc trên thuyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các tàu lớn, đánh bắt xa bờ. Là chủ của con tàu với công suất lớn, hoạt động khai thác thủy, hải sản chủ yếu ở khu vực ngư trường Bạch Long Vĩ, bạn thuyền nhận ra nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cũng từ hình ảnh lá cờ Tổ quốc ấy. Anh Yên kể: Trong một chuyến đi biển, tàu của anh bị hỏng máy. Đang chơi vơi không biết xử lý như thế nào thì có bạn thuyền nhận ra tàu của “đồng hương” thông qua hình ảnh cờ Tổ quốc nên đã liên hệ giúp đỡ, đôi bạn thuyền “dắt nhau” vào bờ an toàn trong niềm vui, xúc động.

Cũng như bất kỳ người Việt Nam nào, đối với anh Nguyễn Văn Xuyên (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc), chủ tàu mang số hiệu TH 91676 TS, công suất 820CV, đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Quy Nhơn, Quảng Ngãi, cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Anh bộc bạch: “Để lá cờ Tổ quốc có thể hiên ngang tung bay trên mỗi con tàu, biết bao thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng xương máu. Vì vậy, hành trình vươn khơi bám biển chính là cách mà ngư dân Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của quê hương, Tổ quốc”. Anh cho biết: Điều kiện thời tiết trên biển khắc nghiệt, cờ rất nhanh bị bạc màu, rách, hỏng. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi biển, bên cạnh việc chuẩn bị các vật dụng cần thiết như: ngư cụ, lương thực, đá lạnh..., anh Xuyên không bao giờ quên chuẩn bị sẵn trong tàu 2 – 3 lá cờ Tổ quốc, khi cần thiết là có cờ mới để thay thế.

Với 102km đường bờ biển, 6 huyện, thành phố, thị xã ven biển (Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, TP Sầm Sơn, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn), xứ Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển ngư nghiệp. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, tính đến ngày 6-8-2021, toàn tỉnh có 6.756 tàu cá hoạt động khai thác thủy, hải sản. Trong tâm khảm mỗi ngư dân, “thuyền là nhà, biển cả là quê hương”. Chẳng ai bắt buộc, quy định nhưng treo cờ Tổ quốc trên tàu từ lâu đã trở thành phong trào, nét đẹp văn hóa của làng biển và ngư dân đi biển. Hàng nghìn chiếc tàu cá ấy, mang theo lá cờ Tổ quốc linh thiêng, phấp phới tung bay như những “cột mốc sống” giữa biển cả, cùng nhau dệt nên bức tranh lao động sản xuất hăng say, đoàn kết lại viết nên khúc ca đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, khẳng định lãnh thổ, chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm.

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc ấy, hưởng ứng phát động của Bộ Tư lệnh BĐBP tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân trên địa bàn biên giới biển, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng 12.000 lá cờ và 3.500 ảnh Bác Hồ cho ngư dân thuộc các huyện, thị xã, thành phố ven biển trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Cảng Nghi Sơn (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 6 xã, phường khu vực biên giới phía Nam của thị xã Nghi Sơn với chiều dài biên giới bờ biển là 21km, nhiều cảng biển với hơn 2.000 tàu cá hoạt động đánh bắt thủy, hải sản. Những năm qua, cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, Đảng ủy, Ban Chỉ huy BPCK Cảng Nghi Sơn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp ngư dân nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản, đặc biệt là không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Đặc biệt, thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, kịp thời động viên, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển. Vừa qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương trao tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân 6 xã trên địa bàn như một món quà, “điểm tựa tinh thần” trong mỗi chuyến biển.

Đồn Biên phòng Đa Lộc (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa) đóng trên địa bàn xã Đa Lộc (Hậu Lộc), được giao quản lý đường biên giới biển dài 17,5km với 9 xã ven biển thuộc hai huyện Hậu Lộc, Nga Sơn. Với tâm niệm “đồn là nhà, biển đảo là quê hương”, đơn vị nỗ lực, phấn đấu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và thực hiện tốt đề án có liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...

Thực hiện chương trình “Vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Đa Lộc (Hậu Lộc) đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền các xã ven biển của huyện Hậu Lộc trao tặng 1.800 lá cờ Tổ quốc và 500 ảnh Bác Hồ cho ngư dân đang hoạt động đánh bắt thủy, hải sản, vươn khơi bám biển trên địa bàn. Trung tá Lê Quốc Hân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đa Lộc chia sẻ: “Hoạt động trao cờ và ảnh Bác Hồ cho ngư dân là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm khích lệ, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biển, khai thác hải sản đúng pháp luật, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, chương trình góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với bà con ngư dân trên địa bàn, tiếp tục bồi dưỡng và lan tỏa hình ảnh đẹp “quân với dân như cá với nước”, xây dựng khối đại đoàn kết, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân”.

Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng cho độc lập tự do, chủ quyền dân tộc. Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt là những trang sử vàng được đắp đổi nên bằng xương máu cha ông. Bởi vậy, mỗi con tàu vươn khơi – mỗi lá cờ Tổ quốc căng mình đón gió lộng trên biển khơi chính là những “cột mốc sống”, khắc ghi lên nền trời xanh sắc cờ đỏ sao vàng thể hiện quyết tâm lao động sản xuất, khát vọng làm giàu chân chính, làm chủ cuộc sống của mình... Và quan trọng hơn tất thảy, màu cờ ấy là sắc màu gắn kết giống nòi, khơi dậy tình yêu, tự hào, tự tôn dân tộc và nhắc nhở mỗi người về ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]