(Baothanhhoa.vn) - Trong thế kỷ XX và XXI có hai cuộc cách mạng dù quy mô, tính chất, phương thức lãnh đạo, cách tổ chức thực hiện khác nhau nhưng đều đem đến cho chúng ta một sự liên hệ thú vị.

Từ cách mạng Tháng Tám đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong thế kỷ XX và XXI có hai cuộc cách mạng dù quy mô, tính chất, phương thức lãnh đạo, cách tổ chức thực hiện khác nhau nhưng đều đem đến cho chúng ta một sự liên hệ thú vị.

Từ cách mạng Tháng Tám đến cách mạng công nghiệp lần thứ tưCông ty Điện lực Thanh Hóa đưa Trung tâm điều khiển xa vào hoạt động, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ điện. Ảnh: Nguyễn Lương

Nếu như cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới, Nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam lần này lại đang mở ra một giai đoạn phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ.

Một gạch nối qua 8 thập kỷ, đã và đang từng bước đưa Việt Nam từ một đất nước nô lệ lầm than thành quốc gia độc lập, kinh tế - xã hội, ngoại giao từng bước phát triển, có vị thế rõ ràng trên trường quốc tế và đang tiếp tục hội nhập sâu hơn trong giai đoạn phát triển mới của khoa học - công nghệ.

Có thể khẳng định, mục tiêu độc lập dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và mục tiêu làm chủ trí tuệ trong cuộc cách mạng về công nghệ lần này đều là mục tiêu cao cả mà Đảng ta, đất nước ta, Nhân dân ta hướng tới. Chúng ta đã đi từng bước một, từ thấp lên cao, từ việc làm chủ đất nước tiến tới làm chủ công nghệ. Trong dòng chảy của cả hai cuộc cách mạng ấy, Thanh Hóa đều tham gia rất sớm, rất sâu và đang cho thấy hiệu quả.

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ rất sớm, ngày 24-7-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng vùng dậy đấu tranh vũ trang giành chính quyền thắng lợi. Hòa cùng cả nước, đêm 18 rạng sáng 19-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền và đã thành công rực rỡ. 76 năm qua, những bài học và ý nghĩa lịch sử của cuộc tổng khởi nghĩa đã được Đảng bộ tỉnh vận dụng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Để đưa đất nước phát triển lên tầm cao hơn, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định rõ: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong tất cả các lĩnh vực; khuyến khích ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu phần mềm tập trung, hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Ngày 22-9-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17-4-2020 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 178-KH/TU, ngày 6-12-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Kế hoạch đã xác định cụ thể nhiệm vụ để các cấp, các ngành và địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn, đảm bảo chủ động ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng quan trọng này từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu chung là tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP, năng suất lao động tăng tối thiểu 7%/năm, hạ tầng internet băng thông rộng phủ 100% các xã, phường, thị trấn, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước; đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn tỉnh, truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP, năng suất lao động tăng tối thiểu 8%/năm, hoàn thành xây dựng chính quyền số; tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng rộng rãi công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh...

Một hành trình xuyên suốt hai thế kỷ bằng hai cuộc cách mạng. Thành quả vĩ đại mà chúng ta giành được trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chắc chắn sẽ là động lực lớn lao, niềm tin tất thắng, để cả nước, cả tỉnh chủ động hội nhập và thực hiện hiệu quả cuộc cách mạng lần này.

Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]