(Baothanhhoa.vn) - 60 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, những con tàu nhỏ bé thường gọi là “Tàu Không số” đã bí mật vượt biển Đông, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đoàn vận tải thủy 759 (thành lập ngày 23-10-1961) là tiền thân của Đoàn 125 Hải quân, đã mở đầu cho một hành trình đầy gian khó, hy sinh, nhưng mang ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến. Có không ít những người con quê hương Thanh Hóa đã tham gia hành trình “mở đường trên sóng”, làm nên con đường huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - góp phần thống nhất non sông.

Theo dấu những con tàu không số

60 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, những con tàu nhỏ bé thường gọi là “Tàu Không số” đã bí mật vượt biển Đông, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đoàn vận tải thủy 759 (thành lập ngày 23-10-1961) là tiền thân của Đoàn 125 Hải quân, đã mở đầu cho một hành trình đầy gian khó, hy sinh, nhưng mang ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến. Có không ít những người con quê hương Thanh Hóa đã tham gia hành trình “mở đường trên sóng”, làm nên con đường huyền thoại - “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - góp phần thống nhất non sông.

Theo dấu những con tàu không sốĐoàn cựu chiến binh “Tàu Không số” thăm chiến trường xưa tại Vàm Lũng, Cà Mau. Ảnh: M.A

Mở đường chiến lược

Trước yêu cầu của kháng chiến chống Mỹ, tháng 7-1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở tuyến vận tải chiến lược bằng đường biển vào miền Nam. Tiểu đoàn 603 được thành lập dưới tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh, thí điểm chuyến đi đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 dịp Tết Canh Tý 1960, nhưng chuyến đi bất thành do thời tiết xấu và gặp địch. Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam ngày càng cấp bách. Thời điểm, cuối năm 1961, đầu năm 1962, có 5 thuyền của lực lượng kháng chiến Nam bộ ra Bắc, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ nguyện vọng xin vũ khí về đánh giặc. Bác đồng ý chủ trương mở đường biển vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

Ngày 23-10-1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập, có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Cùng với Đoàn 559 mở “đường Hồ Chí Minh trên bộ”, Đoàn 759 được giao nhiệm vụ mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Đầu năm 1962, Mỹ áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, miền Nam bị kiểm soát căng thẳng. Đoàn 759 bước vào giai đoạn hoạt động đặc biệt. Việc đóng tàu, chuẩn bị bến bãi được nhanh chóng tiến hành. Tháng 8-1962, Đoàn 759 nhận 4 chiếc tàu gỗ từ xưởng đóng tàu 1, Hải Phòng. Bộ đội công binh và hải quân sửa chữa gấp cầu cảng K15, cùng Bến Nghiêng ở Đồ Sơn, để “Tàu Không số” vào hoạt động. Mặc dù tàu nào cũng có số hiệu, nhưng gọi là “Tàu Không số”, vì để đảm bảo bí mật, khi vào “ăn hàng” tàu không treo số, khi ra biển, tùy từng tình huống sẽ dùng số giả và cờ của các quốc gia khác nhau.

Tại Đồ Sơn, ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí nhổ neo, vào cửa Vàm Lũng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tin thắng lợi của chuyến đi đầu tiên được báo cáo lên Hồ Chủ tịch, được Người gửi điện biểu dương.

Do hàng hóa vận chuyển vào Nam ngày càng nhiều, cần có lực lượng tại chỗ để mở thêm bến, đón nhận, cất giữ, bảo quản và chuyển giao cho các địa phương, nên Đoàn 962 được thành lập vào ngày 19-9-1962, với các cụm bến nằm trong hệ thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962, đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Để có những phương tiện tốt hơn, Quân ủy Trung ương cho sản xuất loại tàu sắt từ 50 - 100 tấn thay thế tàu gỗ. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã có 28 chuyến tàu đi - về an toàn, chở được 1.318 tấn vũ khí cho miền Nam. Năm 1963, Đoàn đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được đổi tên thành Đoàn 125. Từ đây, đoàn “Tàu Không số” bước sang giai đoạn vận chuyển hiệu quả nhất.

Khúc tráng ca trên biển

Có nhiều chuyến đi của Đoàn 125 đã làm nên chiến thắng lớn, như chuyến đi của Tàu 56 vào Bà Rịa tháng 11-1964, đã kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến dịch Bình Giã, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn. Cựu chiến binh Văn Đình Nhu, quê ở TP Sầm Sơn, đã có mặt trong chuyến tàu góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã.

Cuối năm 1964, Bộ Quốc phòng có chỉ thị nghiên cứu mở thêm bến ở Khu 5. Vũng Rô nằm dưới chân Đèo Cả, thuộc huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, được chọn làm điểm cập bến mới của “Tàu Không số”. Tàu 41 ba lần cập bến thành công, chi viện hàng trăm tấn vũ khí, kịp thời đánh bại những cuộc càn quét của địch, mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên đến đầu tháng 2-1965, Tàu 143 cập bến giao hàng xong thì bị địch phát hiện, buộc phải đánh bộc phá hủy tàu. Đây là một tổn thất nghiêm trọng, khiến những chuyến đi càng hiểm nghèo và ít thành công, Đoàn 125 tạm ngừng hoạt động để nghiên cứu hướng mới.

8 tháng sau, đêm 15-10-1965, Tàu 42 đã thực hiện chuyến đi mở đường sau “sự kiện Vũng Rô”, mang 60 tấn vũ khí vào Cà Mau. Là người tham gia chuyến đi này, ông Vũ Trung Tính kể: Khi bị tàu và máy bay địch áp sát, anh em tương kế tựu kế, cho một chiến sĩ dáng cao to, da đen, có cái mũi lõ, đóng giả “Tây” ra boong tàu vẫy tay trêu đùa đánh lừa địch. Chúng nghĩ không phải tàu Bắc Việt nên bỏ đi.

Để ngăn chặn tàu ta, Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm để đối phó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 càng phải mưu trí, dũng cảm hơn. Cựu chiến binh Đỗ Xuân Đáng, quê Thanh Hóa hiện sống ở Sài Gòn, cho biết: Tàu của ông phải đi vòng 7 ngày trên biển, làm mọi cách ngụy trang để đối phó, có lúc lọt vào đội hình tàu địch mà không bị phát hiện. Còn cựu chiến binh Vũ Trung Tính, trong những chuyến đi mở đường, thường được điều động vào vị trí thuyền phó hàng hải. Ông là một trong những nhà hàng hải cừ khôi của “Tàu Không số”; biệt tài “ngắm sao trời dò đường” của ông đã giúp nhiều chuyến tàu đi - về an toàn.

Với những chiến công to lớn, ngày 30-4-1966, Đoàn 125 được Bác Hồ ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Tháng 1-1967, Đoàn 125 được trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Dù đã có những chuyến đi thành công, nhưng việc vận chuyển hàng vào Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Cựu chiến binh Lê Duy Mai, quê Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) tham gia chuyến đi trên Tàu 235 thời điểm Tết Mậu Thân 1968, khi vào Hòn Hèo - Khánh Hòa thì bị 7 tàu địch bao vây. Thuyền trưởng Phan Vinh cho anh em rời tàu, một mình ở lại điểm hỏa, rồi bơi vào bờ. Khối bộc phá làm con tàu vỡ đôi, một nửa chìm xuống nước, một nửa văng lên vách núi. Địch truy lùng trên bờ, Phan Vinh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi mở vòng vây cho đồng đội, 14 đồng chí khác cũng mãi mãi nằm lại Hòn Hèo. Còn 5 người sống sót, trong đó có ông Lê Duy Mai, 13 ngày đêm lẩn trốn trong rừng, phải uống nước hốc cây mục, ăn ốc sên, may mắn được du kích địa phương cứu giúp.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 125 tạm ngừng vận chuyển cho chiến trường để nghiên cứu phương thức phù hợp. Tháng 8-1969, Tàu 42 thực hiện chuyến đi trinh sát để nắm tình hình. Sau đó, Tàu 154 “tái mở đường” sau sự kiện Hòn Hèo, đưa 58 tấn vũ khí và 5 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước vào Bạc Liêu. Cựu chiến binh Vũ Trung Tính lại có mặt trong chuyến đi này, tàu vào Gành Hào giữa ban ngày chỉ cách đồn địch chưa đầy 1 km, giao hàng xong rút ra an toàn, ghi thêm một kỳ tích cho đoàn “Tàu Không số”. Ông Vũ Trung Tính hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa, từng tham gia 18 chuyến đi thành công. Trong 3 con tàu mà ông gắn bó, đã có 2 tàu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đó là tàu 42 và tàu 154.

Từ năm 1971 đến tháng 4-1972, tất cả các chuyến đi đều bị theo dõi, phải quay lại hoặc chiến đấu, hủy tàu. Chỉ duy nhất tàu 656 đến đích tại đảo Cô Công - Campuchia, tiếp tế vũ khí cho bộ đội tình nguyện và lực lượng kháng chiến của nước bạn. Cựu chiến binh Đỗ Văn Sạn, một người con của đất biển Sầm Sơn, tham gia chuyến đi này. Ông là Chính trị viên “Tàu Không số”, từng chỉ huy nhiều chuyến đi thành công, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Hoàn thành sứ mệnh vinh quang

Năm 1972, Mỹ sử dụng “ngón bài” cuối cùng trong “canh bạc” chiến tranh: thả thủy lôi phong tỏa các cửa sông, cửa biển với quy mô lớn, tập kích chiến lược bằng máy bay B52 ra miền Bắc. Nhưng với sự chống trả quyết liệt của quân dân ta, Mỹ đã thất bại nặng nề và phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27-1-1973, đế quốc Mỹ buộc phải cúi đầu ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, cuốn cờ rút khỏi nước ta. Thời cơ thống nhất nước nhà đã rất gần, Đoàn 125 tiếp tục đẩy mạnh công tác vận chuyển phục vụ chiến trường. Trong 2 năm 1973 - 1974, đoàn đã huy động 380 lượt tàu, chở hàng chục ngàn tấn hàng, đưa hơn 2.000 lượt người ra tiền tuyến.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong 2 tháng 3 và 4-1975, Đoàn 125 chở được 17.473 cán bộ, chiến sĩ, 40 xe tăng, 7.786 tấn vũ khí, nhiên liệu vào miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng đảo Trường Sa, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc... góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ngày 3-6-1976, Đoàn 125 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân lần thứ hai.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường có một không hai trên thế giới, chỉ xuất hiện trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của Nhân dân ta, của quân đội và quân chủng hải quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Mai Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]