(Baothanhhoa.vn) - Thành Nhà Hồ - với những giá trị văn hóa tự thân có tính đại diện cho nhân loại - là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh và con dân đất Việt. Để rồi, qua mỗi thế hệ, cùng với sự ngưỡng vọng và tinh thần ngợi ca, là câu hỏi về trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản ấy cho muôn đời...

Thành Nhà Hồ - hành trình 10 năm trở thành di sản văn hóa thế giới: Giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời!

Thành Nhà Hồ - với những giá trị văn hóa tự thân có tính đại diện cho nhân loại - là niềm tự hào của mỗi người dân xứ Thanh và con dân đất Việt. Để rồi, qua mỗi thế hệ, cùng với sự ngưỡng vọng và tinh thần ngợi ca, là câu hỏi về trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản ấy cho muôn đời...

Thành Nhà Hồ - hành trình 10 năm trở thành di sản văn hóa thế giới: Giữ gìn “bức thông điệp” văn hóa cho muôn đời!Hướng dẫn viên giới thiệu giá trị di sản văn hóa thế giới đến du khách.

Di sản mang tầm nhân loại

Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO tôn vinh và chính thức ghi tên mình vào kho tàng di sản văn hóa thế giới vào ngày 27-6-2011. Theo Công ước Di sản thế giới năm 1972, thì tòa thành này bảo đảm 2 tiêu chí II và IV. Cụ thể: “Thành Nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kỳ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông Á và Đông Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm công trình, cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á” (tiêu chí II). Đồng thời, “Đây là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Nho giáo thực hành cuối thế kỷ XIV của Việt Nam ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo; cho thấy sự giao lưu về kỹ thuật xây dựng trong khu vực Đông Nam Á và sự thay đổi hướng trục chính làm nên điểm khác biệt về thiết kế của Thành Nhà Hồ so với các chuẩn mực Trung Hoa” (tiêu chí IV).

Thành Nhà Hồ được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và giới chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ khẳng định là “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình, với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn. Không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá; song Thành Nhà Hồ lại là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo. Khi tìm hiểu về tòa thành đá đặc biệt này, nhiều người đã đặt câu hỏi: Bằng công cụ thô sơ và lao động thủ công, làm thế nào người ta có thể chuyển những khối đá nặng cả chục tấn lên độ cao 8 - 10m, rồi “vá” các phiến đá ấy khít với nhau mà không dùng vật liệu tạo kết dính? Ẩn số này đã và đang có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Để rồi, bức màn bí ẩn ấy đang dần được vén lên, khiến hậu thế phải kinh ngạc bởi sự tài hoa và trí tuệ của tiền nhân.

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối thời Trần đầu thời Hồ, Thành Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế - phong thủy, mà tiền án hậu chẩm đều được bao bọc bởi hình sông thế núi. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự; đồng thời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông núi hài hòa xứng là nơi dựng đế đô. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, chép: "Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397) Hồ Quý Ly sai Thượng Thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố xá lập đường ngõ, công việc làm 3 tháng thì xong”. Với khối lượng công việc đồ sộ, nhất là quá trình dựng nên 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, mà người xưa chỉ mất 3 tháng! Nhiệm vụ và thời gian tưởng chừng “không tưởng” ấy đã được hiện thực hóa bằng sự hiện hữu của tòa thành đá kỳ vĩ, sống động. Đồng thời, Thành Nhà Hồ đã xác lập một kỷ lục về thời gian xây dựng đáng kinh ngạc và là một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành.

Nếu các di sản văn hóa ví như “bản thông điệp được vật chất hóa của ông cha gửi lại cho các thế hệ, là một thành tố quan trọng thể hiện sinh động và cụ thể bản sắc văn hóa dân tộc” (GS.TSKH Lưu Trần Tiêu trong “Gìn giữ những giá trị lâu bền”), thì Thành Nhà Hồ đã và đang truyền tải “bức thông điệp” giàu ý nghĩa từ chiều sâu quá khứ, khi khắc lên bốn bức tường thành là cả một giai đoạn lịch sử đầy biến thiên và sôi động. Cũng bởi cha ông ta đã dùng cả trí tuệ, mồ hôi và máu xương mình để đắp đổi nên diện mạo di sản. Cho nên, Thành Nhà Hồ là sự kết tinh cả giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà năm 2015, Thành Nhà Hồ đã lọt vào danh sách 21 di sản thế giới đẹp nhất, do trang CNN uy tín của Mỹ bình chọn và công bố. Điều này thêm một lần khẳng định giá trị của tòa thành đá, “một biểu tượng nổi bật đại diện cho phong cách mới của cung đình Đông Nam Á”, có thể sánh ngang với những di sản thế giới đẹp nức tiếng nhờ bởi sự kỳ vĩ, tráng lệ và đầy bí ẩn như thủ đô Valletta (Malta), cố đô Bagan (Myanmar), đền Angkor (Campuchia), hay đồi Acropolis (Hy Lạp)...

Có thể khẳng định, nhìn trên bình diện nào, dù là lịch sử, văn hóa hay kiến trúc, khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “phát lộ” ánh hào quang của riêng nó. Từng đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông – Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực... Ngày nay, Thành Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó mang “tầm” thế giới, khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại.

Vinh dự và trách nhiệm

Thành Tây Đô dưới cái nắng bỏng rát. Từng đợt gió mang theo cảm giác oi bức “găm” vào bức tường cổ kính. Dưới chân thành, những thửa ruộng đã không còn màu vàng lúa chín, còn trơ lại gốc rạ sau mùa gặt. Quanh bốn bức tường phủ rêu phong thời gian ấy, cuộc sống vẫn chảy trôi cái nhịp lặng lẽ và yên bình... Đứng dưới chân tường thành, bỗng nhớ lại kỷ niệm một ngày đông giá rét đầu xuân Tân Mão 2011, khi Thanh Hóa đón đoàn ngoại giao của 21 quốc gia thường trực Ủy ban Di sản thế giới đến thăm Thành Nhà Hồ. Bấy giờ có thể coi là thời điểm có tính quyết định đến “tương lai” của tòa thành này: hoặc trở thành di sản văn hóa thế giới, hoặc tiếp tục hoãn lại chờ xem xét. Quan sát thật kỹ kiến trúc tòa thành, ghi nhận sự độc đáo cũng như các giá trị của nó, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam lúc bấy giờ, bà Katherine Muller-Marin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích, cũng như rất quan tâm đến các chính sách, dự án của Việt Nam dành cho di tích nếu Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh; và rằng, việc đề cử để di sản để được công nhận đã khó, nhưng khó hơn nữa là giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Giờ đây, tròn 10 năm Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới, thì việc thực hiện các cam kết với UNESCO trong công tác bảo tồn giá trị của tòa thành vẫn luôn là vấn đề được đặt ra. Sự ra đời của Thành Nhà Hồ là kết tinh của sức lực, trí tuệ, tài hoa và sự kỳ công tuyệt vời của con người. Để rồi, trải hơn 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp. Từ những di sản còn vùi sâu dưới lòng đất; hay 4 bức tường thành vẫn tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây; đến một hệ cảnh quan, kiến trúc và đời sống đã và đang bao bọc lấy tòa thành ấy... tất cả đều đang cần được bảo vệ, bảo tồn và khẳng định vị thế, sao cho tương xứng với tầm vóc và giá trị của di sản văn hóa thế giới. Bởi vinh danh chỉ là sự ghi nhận, còn để di sản ấy tỏa rạng thứ ánh sáng rạng rỡ của nó, cần rất nhiều sự kỳ công, tâm huyết và trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan và nhất là của tỉnh Thanh Hóa.

Đã có không ít băn khoăn đặt ra, rằng làm thế nào để Thành Nhà Hồ có thể giống như Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn hay một Phố cổ Hội An “hậu vinh danh”, trở thành nam châm hút khách du lịch? Song vấn đề quan trọng hơn đang đặt ra cho tỉnh ta lúc này là khai thác như thế nào để di sản này vừa phát huy giá trị đặc biệt của nó, vừa gìn giữ, bảo vệ di sản đúng với quy định quốc tế. Hiển nhiên rằng, di sản sẽ chỉ mang giá trị biểu trưng nếu nó được “rào” lại cẩn thận bằng các quy định. Di sản phải gắn với đời sống thì mới thực sự có sức sống. Trong khi, du lịch được xem là một con đường ngắn nhất đưa di sản đến gần với thế giới bên ngoài, hay đón khách du lịch đến tham quan là một phần tất yếu trong “đời sống” của di sản. Thực tế hiện nay, lượng khách du lịch đến với Thành Nhà Hồ mỗi năm là rất khiêm tốn. Song, khách quan nhìn nhận, với Thanh Hóa, loại hình du lịch di sản thế giới vẫn còn khá mới mẻ. Trong khi việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, muốn trở thành một “phiên bản” khác của Cố đô Huế hay Thánh địa Mỹ Sơn ở khả năng hút khách du lịch, thiết nghĩ, cần sự đầu tư thỏa đáng, với một chiến lược phát triển du lịch thực sự nghiêm túc, chứ không phải một sự “lãng mạn” về mục tiêu.

Cùng với đó, cũng cần khách quan nhìn nhận, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản hiện cũng rất “khiêm tốn” so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg. Chỉ riêng việc khai quật khảo cổ và bảo vệ di sản trước sự tác động của thiên tai, cũng đang là nan đề với địa phương. Bởi kinh phí hạn hẹp và việc trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa thế giới phải được thực hiện theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Hơn nữa, một trong nhiều giá trị của tòa thành này chính là khả năng lưu giữ bên trong nó môi trường văn hóa, hay môi trường sống của con người. Nói cách khác, một trong những nét riêng đặc sắc góp phần khẳng định giá trị của Thành Nhà Hồ là nó gắn chặt với đời sống con người. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, việc gìn giữ di sản không phải là dời người dân đi nơi khác để lại công trình đá trơ trọi, lạnh lẽo, mà phải giữ được sự tiếp nối liên tục đời sống cộng đồng. Và muốn vậy, cần nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với di sản.

Với lịch sử tồn tại hơn 600 năm, tòa thành đá ví như một nét trạm trổ tinh tế, tài hoa và đặc biệt sống động, không chỉ trở thành một biểu tượng rực rỡ của văn hóa Việt Nam được vun đắp trong trường kỳ lịch sử; mà những giá trị tự thân - “bức thông điệp” văn hóa - đã vươn tầm nhân loại, trở thành di sản chung của cả loài người. Để rồi, trách nhiệm của hậu thế là tiếp tục gìn giữ để trao truyền tài sản vô giá ấy cho muôn đời.

Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]