(Baothanhhoa.vn) - Di tích thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể bao gồm: động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh, xưa thuộc xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, nay thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc. Nơi đây nổi tiếng là một “bầu ngọc”, “bầu trời”, bởi có cảnh sắc tựa thiên bồng.

Thăm thắng cảnh động Hồ Công – kỳ quan bậc nhất phương Nam

Di tích thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể bao gồm: động Hồ Công, núi Xuân Đài, núi Trác Phong và chùa Du Anh, xưa thuộc xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, nay thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc. Nơi đây nổi tiếng là một “bầu ngọc”, “bầu trời”, bởi có cảnh sắc tựa thiên bồng.

Thăm thắng cảnh động Hồ Công – kỳ quan bậc nhất phương NamĐường lên động Hồ Công. Ảnh: Ng.N

Từ TP Thanh Hóa theo Quốc lộ 45 về phía Tây chừng 40 km, qua cầu Kiểu đến đất xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc), là đến di tích. Hoặc cung đường khác là theo Quốc lộ 1A về phía Bắc đến cầu Đò Lèn, rẽ đường 217 đi ngược lên Vĩnh Lộc đến thị trấn Kiểu. Ngoài ra, có thể đi thuyền trên sông Mã ngược lên ngã ba Bông khoảng 15 km tới bến Kiểu, cũng đến được di tích. Toàn bộ quần thể di tích được phân bố trong một không gian liền kề nhau rộng hơn 17,3 ha.

Qua cầu Kiểu bắc qua sông Mã đặt chân lên đất Vĩnh Lộc, chúng ta như bước vào một thế giới khác, ngay ở đầu huyện, bên này là núi Trác Phong, bên kia là núi Xuân Đài có động Hồ Công nổi tiếng. Chùa Du Anh nằm khoảng giữa và chung quanh quây quần những xóm thôn, đồng ruộng. Toàn bộ khu di tích nằm ở phía Tây Nam huyện Vĩnh Lộc. Phong cảnh núi, sông, hồ, động, chùa của khu di tích đã được sử sách xưa chép lại. Nhiều tên đất, tên sông, tên núi gắn liền với vùng đất này đã đi vào lịch sử, huyền tích thi ca.

Núi Xuân Đài bắt nguồn từ mạch núi Hý Mã. Dãy núi dài lớp lớp nhấp nhô soi xuống dòng sông Mã mênh mông sóng nước, giống như một đàn ngựa đang chạy, nên có tên gọi là Hý Mã. Núi Hý Mã tách ra như mấy con ngựa lạc, bị sông Mã uốn khúc ôm vòng quanh đứng chụm lại thành quần sơn gọi là Xuân Đài. Trèo lên núi Xuân Đài mới thấy rõ thế núi tựa lâu đài, như bàn tay của tạo hóa kiến thiết nên với muôn vàn lớp đá chồng lên nhau, tầng này nối tiếp tầng kia mà thành. Đứng trên núi Xuân Đài vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn, một vùng non nước mênh mông thu vào tầm mắt. Xa xa, sông Mã quanh co uốn lượn vòng quanh chân núi, ôm gọn lấy các làng mạc trù phú vào lòng.

Thiên nhiên không chỉ ban phát cho vùng đất này một danh sơn – núi Xuân Đài mà ở trong mình núi còn có động Hồ Công gắn với câu chuyện truyền thuyết của Trung Hoa. Về sự tích Hồ Công trong truyện “Hoa Dương Long Khứ” (Rồng ở núi Hoa Dương bay đi mất) có chép: Thi Tồn người nước Lỗ học được phép tiên, có một trái bầu, trong bầu là một thế giới riêng có đủ trăng sao, trời đất. Đêm tối ông vào trong bầu ngủ, vì thấy ông hay đeo bầu nên người ta gọi ông là Hồ Công. Cũng vậy, ở vào vùng đất đầu núi cuối sông này, xã Thiên Vực được xem là vùng đất Hoa Dương, từ xưa là nơi giao lưu giữa người Kinh, người Mường với những người buôn bán Trung Hoa, Ấn Độ cũng đã tồn tại một truyền thuyết về vị tiên Hồ Công. Như vậy, từ sự tích Hồ Công trong truyện “Hoa Dương Long Khứ” ở nước Lỗ, nơi mà Hồ Công gặp học trò của mình ở núi Hoa Dương – tên một ngọn núi thuộc tỉnh An Huy của Trung Hoa, đến truyền thuyết ở địa phương liên quan đến một hang động ở núi Xuân Đài (Vĩnh Lộc) giống như một quả bầu tiên, có ông tiên ngồi luyện thuốc tiên, nên người xưa đặt tên cho động này là động Hồ Công.

Thăm thắng cảnh động Hồ Công – kỳ quan bậc nhất phương NamCửa vào hang động Hồ Công. Ảnh: Ng.N

Động Hồ Công giống như một quả bầu đá khổng lồ nằm ở lưng chừng núi Xuân Đài, cửa mở khá rộng, sẵn sàng đón khách trần tục lên chơi cửa tiên. Cửa động có hai tượng đá, tương truyền là tượng của Hồ Công và Phí Trường Phòng – học trò của Hồ Công. Phía trần hang rớt xuống một khối đá nhũ rất lớn như một chiếc chùy đang treo lơ lửng trên đầu, gõ vào kêu như tiếng nhạc. Trong động còn có dấu tích chỗ ông tiên Hồ Công ngồi luyện thuốc tiên. Động Hồ Công được người xưa liệt vào “Tam thập lục động Nam thiên, Hồ Công đệ nhất” (trời Nam có 36 động, động Hồ Công đẹp nhất). Quả đúng vậy, dấu tích là từ thực địa và trên các vách đá hang động đến hai bên tường đá ngoài cửa động có khắc hàng chục bài thơ đề vịnh của các thi sĩ, danh nhân, như: Vua Lê Thánh tông, Lê Hiến tông, Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du), chúa Trịnh Sâm..., đặc biệt là phiến đá có khắc 4 chữ “Thanh kỳ khả ái”.

Trước khi vào thăm động Hồ Công phải đi qua chùa Du Anh. Chùa nằm dưới chân núi Xuân Đài, được lập từ thời Lý. Đến thời Trần, Vua Trần Nghệ tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa và dưỡng bệnh. Công chúa được điều trị bằng cây thuốc ở động Hồ Công chữa khỏi bệnh. Vua Trần phát tâm công đức cho nâng cấp chùa lên tam tòa, do công chúa trực tiếp đốc công, nên từ đó chùa có tên gọi là Du Anh.

Nhìn tổng quan, khu di tích thắng cảnh động Hồ Công là một quần thể hội tụ của núi non, sông nước, hang động, chùa chiền... Động Hồ Công ở núi Xuân Đài cùng với núi Trác Phong như hai bức “Nhị bình” thiên tạo treo trên bầu trời, được điểm xuyết bởi chùa Du Anh. Hiện nay, khu di tích còn lưu giữ được những hiện vật giá trị như: các bia đề thơ của các vị tao nhân, mặc khách và hàng chục bia khác, cùng nhiều tượng đá voi, sư tử... Với những giá trị to lớn về phương diện nghiên cứu, lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, năm 2003 khu di tích danh thắng động Hồ Công đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, năm 2009 được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Để kịp thời phát huy giá trị của di tích thắng cảnh động Hồ Công gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo vệ xứng tầm với kỳ quan.

Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]