(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm vừa qua, tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, đưa Thanh Hóa chuyển mình nhanh chóng; vai trò, vị thế và uy tín của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, vẫn còn những “điểm nghẽn” đang cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ để kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới, sớm đưa Thanh Hóa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa

Trong những năm vừa qua, tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, đưa Thanh Hóa chuyển mình nhanh chóng; vai trò, vị thế và uy tín của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, vẫn còn những “điểm nghẽn” đang cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ để kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới, sớm đưa Thanh Hóa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong đoàn công tác xem bản đồ hướng tuyến Dự án đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Ảnh: Phong Sắc

Những kết quả ấn tượng

Giai đoạn 2016-2020 mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là năm 2020 đại dịch COVID-19 xảy ra với phạm vi toàn cầu, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại trên toàn thế giới nói chung và trong nước nói riêng; song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 11,2%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ; thu ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm đạt 19%, năm 2020 đạt 31.418 tỷ đồng, gấp 2,49 lần năm 2015, đứng thứ 11 cả nước; số lượng dự án đầu tư trực tiếp và huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 581.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo sức bật và diện mạo mới cho sự phát triển của tỉnh. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đạt 68,97%, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Đặc biệt, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là “dấu mốc lịch sử” của Thanh Hóa, khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hóa trong vùng và cả nước và là kim chỉ nam, định hướng để Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Có thể nói, những thành tích, kết quả đạt được trong thời gian qua là rất lớn lao và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực và vị thế như ngày nay; đó là cơ sở, điều kiện để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục vững bước tiến lên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH và chủ động hội nhập quốc tế.

Xác định “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế của tỉnh vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế so sánh, thiếu tính bền vững và còn nhiều “điểm nghẽn” đang cản trở kinh tế của tỉnh phát triển, đó là: (1) Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch còn hạn chế, còn hiện tượng chồng chéo giữa các quy hoạch, chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời thực tế quản lý và phát triển; (2) Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một số mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng; (3) Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi; (4) Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nội lực doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 và sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA); (5) Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng đất chậm và còn nhiều khó khăn, vướng mắc... Đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu để tập trung tháo gỡ, giải quyết căn bản những “điểm nghẽn” đang cản trở quá trình phát triển nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để biến tiềm năng, lợi thế thành những động lực mới trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, khẩn trương lập, hoàn chỉnh, phê duyệt các loại quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu chức năng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; quy hoạch 2 bên các tuyến đường lớn, các tuyến đường mới; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các thành phố, thị xã... Xác định rõ công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ quan trọng để quản lý trên các lĩnh vực và thu hút các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, kiên quyết hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được duyệt; chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả cao hơn mới xem xét điều chỉnh quy hoạch.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, trọng tâm là tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực; đẩy mạnh thực hiện quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không”(1) trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt nguyên tắc “2 đồng hành, 3 cam kết”(2) với các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và vận hành dự án.

Ba là, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2025; Đề án huy động thu hút đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tập trung vào 5 lĩnh vực chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và một số công trình hạ tầng quan trọng khác... Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương trong quá trình xây dựng nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo thêm cơ hội huy động nguồn lực để tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát huy mọi thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Bốn là, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, nhất là các chính sách về giãn, hoãn tiến độ nộp các loại sắc thuế theo quy định của Chính phủ. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để cơ cấu lại tổ chức, sản xuất, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Năm là, tập trung giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư có sử dụng đất; tiếp tục và quán triệt thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án đầu tư giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố với các chủ đầu tư, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các cấp với kết quả công tác giải phóng mặt bằng, coi công tác giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước và doanh nghiệp thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

(1) “4 tăng”: (i) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; (ii) tăng tính công khai minh bạch; (iii) tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; (iv) tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân. “2 giảm”: (i) Giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; (ii) giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. “3 không”: (i) Không phiền hà, sách nhiễu; (ii) không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; (iii) không trễ hẹn.

(2) “2 đồng hành”: (i) Đồng hành trong quá trình khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư; (ii)đồng hành trong việc giải quyết thủ tục hành chính. “3 cam kết”: (i) Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; (ii) cam kết đầu tư hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; (iii) cam kết giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Lê Minh Nghĩa

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]