(Baothanhhoa.vn) - Năm 1965 mới 17 tuổi, tôi nhập ngũ vào bộ đội, chiến đấu ở Hàm Rồng. Được biên chế vào Đại đội 4, pháo 57 ly, trên cao điểm 54, cách cầu Hàm Rồng về phía Nam chưa đầy 300 mét. Là lính mới, cái gì cũng lạ lẫm và choáng ngợp. Khẩu pháo 57 mi li mét to cồ, một băng đạn bốn viên mà bê không tài nào cho gọn ghẽ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự tích một câu hò

Năm 1965 mới 17 tuổi, tôi nhập ngũ vào bộ đội, chiến đấu ở Hàm Rồng. Được biên chế vào Đại đội 4, pháo 57 ly, trên cao điểm 54, cách cầu Hàm Rồng về phía Nam chưa đầy 300 mét. Là lính mới, cái gì cũng lạ lẫm và choáng ngợp. Khẩu pháo 57 mi li mét to cồ, một băng đạn bốn viên mà bê không tài nào cho gọn ghẽ.

Ban ngày trời mù sương, mưa dầm dề, ban đêm rét buốt. Báo động liên miên, vừa ra tới pháo đã báo yên, mới cởi giầy ra chưa kịp đắp chăn đã nghe tiếng kẻng giật giọng gọi về pháo. Có đêm báo động liên miên tới 24 lần, làm sao có được giấc ngủ ngon lành. Ngồi lỳ trên pháo lắng nghe tiếng động cơ máy bay địch, lúc xa xôi như tiếng muỗi, khi gầm gào như sắp dội bom trên đầu. Mưa thâm gió bấc, kéo dài liên miên hàng tuần, không tắm giặt được thật bức bối. Khẩu pháo toàn sắt, lại đội mũ sắt, đụng vào đâu cũng thấy lạnh cắt da cắt thịt, run lên lập cập. Gió thổi vào họng pháo hoang liêu, man dại và buồn bã, thật nhớ nhà.

Tiếng nhắc nhở của chỉ huy như tiếng mõ cầm canh:

- Chú ý! Chú ý! Cảnh giác. Không được ngủ gật. Địch vào mà không bắn được là khổ đấy!

- Không biết chúng nó bắt mình ngồi chờ đến bao giờ! Có tiếng làu bàu của ai đó.

Thấy vậy anh Mậu, khẩu đội trưởng động viên:

- Đừng lo quá... rồi sẽ quen mau thôi!

Có tay lính, nghĩ ra sáng kiến, không cởi giầy, lấy tờ báo quấn chân trùm chăn ngủ. Được một trận cười cho mọi người. Báo động dù có nhiều đến mấy, ban ngày cũng phải luyện tập bắn máy bay.

Tôi phải vất vả lắm mới quay nổi cái khóa nòng nặng 75 ki lô gam. Việc đó với cựu binh thật nhẹ nhàng mà còn điệu đàng làm duyên. Ném cái tay quay đến cạch một phát cho mắc vào định vị, kéo đạn đến “xoạch” một cái nạp vào buồng đạn. Bê băng đạn thứ hai cũng nặng gần 40 ki lô gam đặt trên máng nạp đạn, chân quỳ xuống mâm pháo, áp mặt vào máy nạp đạn, miệng hô: - Xong!

*

Chiến tranh, không ai muốn xảy ra, nhưng cũng lạ, những chú tân binh như tôi cũng mau chóng trở thành cựu binh. Vì đơn vị bổ sung lính mới, lẽ nào chúng tôi cứ là tân binh mãi. Những lớ ngớ của buổi đầu vào Hàm Rồng cũng qua mau. Không hiểu sao tôi đã có cái giọng khang khác của tay lính già dặn với trận mạc. Có thể do biết vọc vạch làm thơ phú mà được khẩu đội cử làm “chủ bút” tờ báo tường của khẩu đội. Khẩu đội có bảy người, phải làm sao cho đủ bài “in” trên tờ giấy troky mà đại đội phát. Mỗi người phải “sáng tác”, nộp một hai bài thơ, cũng không nhét đầy được tờ báo. Tôi đành làm và ký đủ những cái tên mà mình nghĩ ra. Có những câu thơ trên báo tường, mà sau này đã đi vào lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Bên ni núi Ngọc

Bên tê núi Rồng

Hiên ngang cầu bắc ngang sông

Đẹp thay hai tiếng Hàm Rồng quê hương

Cầu là máu, cầu là xương

Là niềm tin yêu của muôn phương gửi về

Đứng trên núi Ngọc ta thề

Đánh hết giặc Mỹ mới về thăm quê.

Hoặc:

Đông Sơn, Cầu Bố còn đây

Mối thù giặc Mỹ không ngày nào quên.

Bộ đội viết về cái đêm địch ném bom vào làng Đông Sơn, Cầu Bố giết hại người dân vô tội...

Cuộc chiến đấu dù ác liệt nhưng trận địa không ngớt lời ca tiếng hát:

Bờ sông Mã pháo Hàm Rồng

Viết chiến công lừng lẫy

Đỉnh núi Ngọc ta dựng lời thề

Chưa hết giặc chưa về.

Sau này hết chiến tranh, còn sống trở về, suy nghĩ hoài mà cũng không sao cắt nghĩa được sự chịu đựng phi thường, quả cảm của người lính Hàm Rồng. Chiến đấu, hy sinh như đi vào giấc ngủ hồn nhiên của mình. Không phải đó là sự coi thường cái chết “như liều mình chẳng có” mà chết vì sự cao cả, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Tuổi thơ của tôi từng chứng kiến hò đối đáp của dân công đắp đê khôi phục đập Bàn Thạch sau giải phóng năm 1954. Những câu hò “dân công “ ấy chỉ còn lưu giữ trong ký ức xa xôi... Tôi không ngờ được, chiến đấu ở Hàm Rồng, người lính có khát vọng sống và có tình yêu cao đẹp đến thế. Tôi gặp tiếng hò đối đáp của bộ đội với cô thanh niên xung phong đi lấp hố bom.

Vào một đêm nào, tôi không nhớ cụ thể được. Nhưng trăng sáng lắm. Bầu trời lồng lộng ánh trăng. Ánh trăng bình yên như không hề biết có chiến tranh. Nòng pháo vươn dài, nằm nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Dòng sông Mã rì rầm tiếng con nước, có lẽ đang vỗ đập vào mạn thuyền, xà lan... không quản nguy hiểm chở hàng chi viện cho chiến trường. Một tiếng còi tàu vút lên, báo hiệu sắp qua cầu Hàm Rồng, làm xao động cả lòng đêm sâu thăm thẳm. Rồi đêm trở về thanh bình, như chưa hề có chiến tranh. Ánh trăng sáng, làm cho trái tim bồi hồi, thổn thức, gợi nỗi nhớ xa xôi và nhiều khi rất mơ hồ... Bỗng một tiếng hò của cô gái xa lạ cất lên:

Đêm nay em mới hỏi chào

Trận địa anh ở nơi nào về đây.

Thật xấu hổ, vì những câu thơ lục cục lào cào viết trên bích báo của tôi chẳng thể giúp gì “đối đáp” cho cô gái đang chờ đợi. Anh Mậu, khẩu đội trưởng, vốn quê ở miền Quan họ lặng đi trong phút chốc, rồi bảo cậu Chiếm, pháo thủ số bốn, đi lính cùng đợt với tôi, nhưng đã mấy năm làm dân đúc gạch, có giọng hò khỏe khoắn:

Em hỏi thì anh đáp ngay

Vừa từ Hà Nội về đây hôm rồi.

Cô gái ra điều kiện

Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ xanh cây mới về.

Chiếm cuống lên giục:

- Biết đáp lại làm sao hở anh Mậu?

Anh Mậu cười, thì cậu hò:

Anh về chi được mà về

Bức thư chưa gửi lời thề chưa trao.

Tiếng hò kéo mấy cô gái thanh niên xung phong lên trận địa lúc nào chẳng biết. Khi tiếng cười rinh rích ùa vào bờ công sự, chúng tôi cũng kịp nhận ra hương vị rất lạ, không làm sao mà diễn tả nổi. Không hò nữa, ai hò được khi đã nhìn thấy mặt nhau. Lại phải chờ đến tối mai, khi tiếng hò cất lên như muốn níu kéo vầng trăng lại gần.

Đến đây em mới hỏi chàng

Đường lên “xê bốn” mấy hàng phi lao...

Họ là khách của khẩu đội tôi cả một mùa trăng.

Nhưng điều đặc biệt mà không ai ngờ tới:

Đến đây Mận mới hỏi Đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Cô gái có giọng hò cao vút ấy tên là Đào, chúng tôi vui quá dô vào cho anh Mậu: - Hay anh sửa tên lại là Mận cho nó tiện. Anh cười hì hì bảo các cậu chỉ bố láo.

*

Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày càng ác liệt. Địch không còn “ngây thơ” như những trận đầu, mà dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt để đánh cầu và trận địa. Dùng nhiều tốp lượn vòng, gây căng thẳng, đánh lạc hướng chú ý của ta, bất ngờ cho một tốp bay thấp vào hất bom rồi quay ra. Cho máy bay ở độ cao hạn chế hiệu quả của vũ khí của ta, phóng tên lửa vào cầu và trận địa... Máy bay của không quân đánh chán, chúng giao cho hải quân, hải quân đánh không ăn thua chúng kết hợp cả hai binh chủng. Chúng dùng pháo kích từ tàu ngoài biển bắn vào, lại cho máy bay C130 thả thủy lôi... Khổ của người lính một thì đội cầu, lực lượng thanh niên xung phong đi lấp hố bom khổ mười. Hai bên đầu cầu, nhất là núi Ngọc hố bom chồng lên hố bom. Hố bom cũ chưa kịp lấp, bom mới thả xuống, có cả bom nổ chậm. Đơn vị của Đào ngày đêm bận với công việc mà không có thời gian lên trận địa thăm chúng tôi. Có hôm tay Chiếm lo lắng hỏi anh Mậu:

- Hay anh để em chạy sang núi Ngọc xem sao?

- Không được! Để tối, ta hò xem thì biết.

Tối đó anh Mậu không để Chiếm hò, mà vận ra lời, hò rất thao thiết:

Lời thề hôm trước còn không

Để anh lặn lội qua sông kiếm tìm.

Không có lời đáp lại. Chúng tôi ngồi trên pháo trực ban mà lòng buồn rười rượi. Đoán già, đoán non chắc địch đánh dữ dội ở nhiều nơi mà đơn vị của Đào phải điều đi để san lấp hố bom. Biết đâu được điều vào chiến trường rồi, trong đó cần nhiều lực lượng hơn ở ngoài này. Nhưng lẽ nào ra đi mà không một lời chào. Không thư từ thì một câu hò cũng biết được mà chia tay chứ. Chúng tôi lo lắng nên thể hiện ra lời nói. Còn anh Mậu thì cứ lỳ ra, cố giấu cảm xúc, làm như vậy càng thấy tồi tội thế nào. Đã thế cái tay Chiếm lúc trực ban buổi trưa, ai xui khiến lại mở miệng hò, tìm bạn.

Em giờ đang ở nơi nao

Trời cao biển rộng làm sao anh tìm.

Chiếm cũng tình ý chi đó với một cô gái trong nhóm bạn hò của Đào.

Anh tìm sao được mà tìm

Em còn bận lấp hố bom chưa về.

Thật không ngờ, Đào và mấy cô bạn lên trận địa từ lúc nào. Tôi ngồi trên pháo, làm như không nghe thấy gì mà vẫn thoảng giọng thảng thốt của anh Mậu:

- Anh tưởng các em đi Nam rồi đấy!

- Nếu đi chúng em lên chia tay chứ!

- Cũng không biết được nữa!

- Anh giận à?

- Cũng định thế nhưng gặp em rồi lại thôi!

*

Anh Mậu và Đào đã chính thức yêu nhau. Chuyện họ đến với nhau cũng từ những câu hò đối đáp. Nếu không có gì thay đổi thì ra giêng họ sẽ tổ chức đám cưới, trên trận địa này. Tôi đã nghĩ, phải làm một bài thơ để tặng họ. Chiếm thì muốn chia thành hai đội hò. Rước dâu từ làng Quan Nội (nơi đơn vị thanh niên xung phong đóng quân) sang đến dốc trận địa, dừng lại hò cho nó đã đời. Chiếm từ trên này sẽ làm “trưởng cạ” lẩy trước, còn “con bé” ở dưới đó đáp lại.

Trầu này trầu nghĩa trầu tình

Ăn vào cho đượm mối tình đôi ta.

Anh Mậu tranh thủ dạy cho chúng tôi và một nhóm bạn của Đào biết hát “liền anh liền chị”. Anh cười, nói đùa với Đào, hát Quan họ quê anh “liền anh liền chị” thường kết nghĩa, không “kết ngãi” như hò đối đáp quê Thanh. Chiếm cười phơ phớ, may đấy em cũng có người để yêu.

Thấm thoát ngày tháng trôi đi. Chúng tôi khấp khoải chờ đợi ngày đám cưới của anh Mậu và Đào.

Trận đánh cuối năm 1967 vô cùng khó chịu. Chúng tôi đã chuyển ăn chính vào buổi sáng, để địch nếu mò vào đánh nhau cả ngày cũng không mất bữa. Nhưng chưa lùa hết bát cơm thì địch đã mò vào. Anh Mậu lấy bạt đậy lên chậu cơm, nói:

- Đánh xong trận lại ăn tiếp!

Nhưng bom đã hất tung cả cơm canh xuống sườn đồi. Linh tính trận mạc mách, hôm nay địch sẽ vào quấy nhiễu không cho nghỉ ngơi đây. Không ai nghĩ đến chuyện ăn uống nữa. Mau chuyển cơ số đạn dự trữ từ sườn đồi vào công sự. Tiếng thông báo từ sở chỉ huy, có nhiều tốp máy bay hoạt động ở vòng ngoài. Bay gần đến nơi ta đặt trận địa lại bay vòng ra ngoài. Một tốp mới xuất hiện bay vòng về phía Tây Nam, muốn phân tán sự tập trung chú ý của ta.

Mặt trời bị những đám mây che, tung ra một màu đỏ lòm, vón cục rất khó chịu. Những đám mây đùng đục như rễ bèo, rất khó phân biệt được mục tiêu, nếu bay lẫn vào đó. Dù sang thu rồi mà cái nóng vẫn hầm hập như chuẩn bị cho một cơn bão sắp ập đến.

- Chú ý! Địch xuất hiện từ hướng Lạch Trường, một tốp gồm 4 A4D và 2 F4H!

- Hướng núi Chẹt xuất hiện tốp mới, gồm 2 A6A và 2 A3J - F4H...

Chúng tôi căng mắt ra nhìn, tìm kiếm mục tiêu.

- Hướng số 1... Chiếc đi đầu... tốc độ... điểm xạ vừa...

Anh Mậu đứng trên mâm pháo giơ cờ chỉ vào chiếc máy bay đang tăng tốc lấy độ cao để bổ nhào. Chúng tôi bắn rất kịp thời, nó rống lên lao về phía biển nhưng cũng kịp thả bừa một chùm bom xuống trận địa. Những cột khói cuộn lên trùm lấy trận địa và bầu trời.

- Máy bay cường kích, hướng 14!

Anh Mậu kéo áo số một quay pháo 180 độ, nhằm vào chiếc máy bay đang lượn theo triền sông Mã, bồi một loạt đạn. Nếu không bắn được không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhanh như chớp khẩu đội tôi quay về hướng chính để bắt mục tiêu. Những cột khói bom cuồn cuộn che lấy tầm mắt. Không ai nghe thấy gì cả. Khẩu pháo như có bàn tay khổng lồ bê lên, rồi bất thần ném bịch xuống đất. Tất cả câm lặng. Sau này tôi mới hiểu, một tai của tôi điếc đặc không nghe được gì cả. Bờ công sự vỡ toác ra. Khẩu pháo nằm nghiêng như đang lao xuống chân đồi. Chúng tôi chạy vội lại đỡ lấy anh Mậu. Một dòng máu đỏ từ bả vai chảy xuống chân, anh Mậu bị thương nặng. Tay anh vẫn cầm lá cờ, mắt mở trừng, môi mấp máy. Trên trời không còn chiếc máy bay nào nữa, anh đang chỉ cờ lên đó, muốn nói điều chi? Thằng Chiếm ghé tai vào miệng anh Mậu. Nó lau nước mắt thều thào: - Anh Mậu bảo hò đi...

Hàm Rồng là trái tim tôi

Niềm tin ba mốt triệu người Việt Nam*.

Chúng tôi truyền cho nhau câu hò đó, cố kìm không để những giọt nước mắt rơi.

————-

* Dân số nước ta năm 1967, 31 triệu người.


Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]