(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Hàm Rồng – Nam Ngạn anh hùng của xứ Thanh cũng đã và đang khoác lên mình diện mạo mới. Nhưng mỗi dịp tháng 6, men theo tiếng vọng của “một thời đạn bom”, nhiều thế hệ người dân xứ Thanh vẫn lặng lẽ về bên bờ sông Mã, thắp nén tâm nhang tại khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) thay lời tri ân sâu sắc.

Phút mặc niệm bên dòng sông Mã

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Hàm Rồng – Nam Ngạn anh hùng của xứ Thanh cũng đã và đang khoác lên mình diện mạo mới. Nhưng mỗi dịp tháng 6, men theo tiếng vọng của “một thời đạn bom”, nhiều thế hệ người dân xứ Thanh vẫn lặng lẽ về bên bờ sông Mã, thắp nén tâm nhang tại khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp đê sông Mã, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) thay lời tri ân sâu sắc.

Phút mặc niệm bên dòng sông MãKhu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14-6-1972 đã được xây dựng tại đê sông Mã, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Chiều tháng 6 bên dòng sông Mã, mặt sông lấp lánh ánh hoàng hôn dát vàng những con sóng. Nằm trong lòng thành phố, mặc cho bao nhiêu xô bồ, hoa lệ ngoài kia, một vùng Hàm Rồng – sông Mã vẫn giữ cho mình nét trầm mặc, sâu lắng rất riêng. Đó là cái danh giá, chiều sâu của vùng địa linh, lắng đọng trầm tích lịch sử - văn hóa.

Sông Mã – dòng sông mẹ bao đời chở nặng phù sa mà bồi đắp nên xóm nên làng trù phú. Cầu Hàm Rồng hiên ngang hiện trong tầm mắt. “Cây cầu sắt nhỏ” lừng lẫy ghi danh vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Nếu cứ thả hồn mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp theo hành trình “ngược xuôi sông Mã”, miên man kiếm tìm điệu hò sông Mã phóng khoáng, dung dị thì mấy ai biết được rằng, nơi đây từng là “tọa độ lửa”, “điểm nghẽn” lý tưởng cho giặc Mỹ trút mưa bom bão đạn, gieo rắc mất mát, đau thương.

Từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Với vị trí chiến lược quan trọng, là một trong những tỉnh cung cấp sức người sức của nhiều nhất cho chiến trường, là cửa ngõ vào khu IV và sang Lào nên Thanh Hóa nói chung, cầu khu vực Hàm Rồng – sông Mã trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục, đa phần mới được xây dựng, sửa chữa lại trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) cũng không nằm ngoài mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.

Trong 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968), “máy bay giặc Mỹ đã đánh phá 454 lần vào 131 trường học, phá hủy 789 phòng học cùng nhiều thiết bị dạy học, sát hại 32 cán bộ, giáo viên, 592 học sinh, làm bị thương 54 cán bộ, giáo viên, 704 học sinh. Nhiều vụ ném bom vào các trường học rất dã man, như: vụ ném bom vào Trường cấp I Hải Hòa - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), nhà trẻ ở xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), Trường cấp I và cấp II Hà Phú (Hà Trung)... Trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1971 - 1972), 25 trường phổ thông bị tàn phá. Trận bom rải thảm xuống Trường cấp I, cấp II Đông Yên (Đông Sơn) sáng ngày 27-4-1972 đã sát hại 14 học sinh, 2 giáo viên, 43 em khác bị thương. Cô giáo Nguyễn Thị Nga hy sinh ngay trên bục giảng. Tại khu tập thể giáo viên, 2 con nhỏ của cô cũng bị giết chết...

Những ngày hè năm 1972, bom Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng khiến cho đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng. Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường, đảm bảo an toàn mùa lũ, ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, tỉnh Thanh Hóa vẫn phải huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng. Theo Văn bản báo cáo ngày 18-6-1972 của ông Lê Hữu Hinh, nguyên Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, lúc đó là Trưởng Ty Thủy lợi phụ trách hàn đê Nam Ngạn (trích đăng trong cuốn sách “Hàm Rồng - Biểu tượng của người Thanh Hóa, ký tư liệu của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh) ghi chép lại:

Đắp đoạn đê dài 1.330 mét, được mở rộng mặt đường, rộng 15 - 20 mét, khối lượng 40.942m3, trong đó có 11 hố bom phải lấp. Tỉnh quyết định điều động lực lượng hàn gắn mặt đường trong 10 ngày phải xong. Cơ giới chịu trách nhiệm 9.352m3, còn lại huy động 5.000 người các lực lượng, bao gồm: 600 giáo viên huyện Quảng Xương, 250 giáo viên huyện Đông Sơn, 100 giáo viên thị xã Thanh Hóa, 400 người Trường Trung cấp Nông nghiệp Thanh Hóa, 400 người Trường Trung cấp Y sĩ Thanh Hóa, 100 người Trường Trung cấp Thương nghiệp Thanh Hóa, 100 người cán bộ y tế, 430 người của Trường Sư phạm 7+3 Quảng Xương, 1.000 người dân công nghĩa vụ huyện Đông Sơn, 1.200 người dân công nghĩa vụ huyện Quảng Xương, 400 người dân công thị xã...

Ban chỉ huy công trường do chủ tịch thị xã làm trưởng ban, 1 phó ty thủy lợi làm phó ban, 14 cán bộ kỹ thuật và chỉ đạo, thành lập ngày 30-5-1972, ngày 3-6 ra quân. Do địch thường xuyên đánh phá nên lực lượng được chia ra 3 ca, mỗi ca không quá 2.500 người. Thời gian buổi sáng không quá 9 giờ, chiều 16 giờ. Báo động phòng không bằng các phương tiện: báo động ở các đơn vị pháo, loa truyền thanh và cảnh giới bằng mắt thường. Theo đúng kế hoạch, ngày 3-6, một số đơn vị đã tiến hành thi công. Ngày 13-6 làm việc tại công trường là 2.741 người.

Sáng ngày 14-6 có mặt ở công trường là 2.120 người, rải trên tuyến đê dài 1.500m (không kể lấy đất ở ruộng lầy phải dùng thuyền). Đến 9 giờ, một số đơn vị đã về nghỉ, số còn lại ở hiện trường là 1.697 người. 9 giờ 10 phút, quân địch cho 8 máy bay các loại: F4, A6, A7 đánh bom vào đê Nam Ngạn, cách làng 270m (đây là đoạn đê mà B52 đánh vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 24-4-1972 làm 9 người chết, 7 người bị thương...). Có 841 người nằm trong khu vực bom nổ. Tổng số người chết là 64 (57 nữ, 7 nam); 26 người bị thương nặng, 187 người bị thương nhẹ thuộc các đơn vị: trường y, Trường Sư phạm 7+3, phòng giáo dục thị xã. Trong đó, trường y có 32 người chết, 16 người mất tích; Trường Sư phạm 7+3 có 24 người chết, phòng giáo dục thị xã có 6 người chết. Những chiếc nón bị xé tan nát bay như cánh bướm, nhặt được 100 cái bẹp dúm dó, áo trẻ con, quần phụ nữ, cuộn len... trong khói cuộn bay mờ mịt. Phần nhiều là tuổi 17 - 22 chưa chồng.

Những con số thống kê, vài dòng miêu tả nhưng đủ khiến những người đang sống hôm nay thấm thía hơn về tội ác chiến tranh, từ đó càng biết trân trọng cái giá của hòa bình. Để cầu Hàm Rồng vững nhịp nối đôi bờ sông Mã, đó là sự hy sinh xương máu, là tuổi trẻ - thanh xuân của biết bao người gửi lại đất mẹ. Khắc ghi công lao, tri ân sự hy sinh anh dũng ấy, khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14-6-1972 đã được xây dựng tại đê sông Mã, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, cách mạng cho các thế hệ trẻ, di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh, nơi chứa đựng huyền thoại thiêng liêng và cao cả về công lao, đóng góp của đất và người xứ Thanh trong lịch sử dân tộc.

Trong những ngày tháng sáu, nhiều người đã ghé thăm khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại đê sông Mã và gửi lại những cành hoa cúc trắng. Tuổi trẻ, thanh xuân của biết bao nhiêu người đã hòa vào đất mẹ, viết nên khúc tráng ca bên dòng sông Mã.

Thảo Linh

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) - Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” (Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]