(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, không thể khác, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0 sôi động như hiện nay. Nhận thức sâu sắc điều đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thanh Hóa rất nỗ lực, cố gắng CĐS, thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, thực tế cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách. Làm thế nào để CĐS trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, phát huy được hiệu quả, hướng đến giá trị bền vững? Đó là những nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Thanh Hóa với ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đới Sỹ Nam - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: “Chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp - cần thực chất, tạo phong trào sâu rộng, xây dựng điển hình và hướng đến giá trị bền vững”

Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, không thể khác, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0 sôi động như hiện nay. Nhận thức sâu sắc điều đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Thanh Hóa rất nỗ lực, cố gắng CĐS, thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, thực tế cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách. Làm thế nào để CĐS trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, phát huy được hiệu quả, hướng đến giá trị bền vững? Đó là những nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Thanh Hóa với ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đới Sỹ Nam - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: “Chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp - cần thực chất, tạo phong trào sâu rộng, xây dựng điển hình và hướng đến giá trị bền vững”Ông Đới Sỹ Nam – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố báo cáo chỉ số đánh giá CĐS cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021, Thanh Hóa xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2020, tiệm cận hơn so với top 10 địa phương dẫn đầu cả nước. So với nhiều địa phương khác, tỉnh Thanh Hóa chưa phải là địa phương có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng là một trong những địa phương có nhiều tiến bộ trong CĐS, cộng đồng DN Thanh Hóa đóng góp như thế nào vào kết quả đáng ghi nhận ấy, thưa ông?

Ông Đới Sỹ Nam: Những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự hưởng ứng, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao...

Kết quả CĐS 9 tháng năm 2022 có nhiều nét nổi bật. Đối với hạ tầng số: Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.947.000 thuê bao (trong đó 27.000 thuê bao cố định; 2.920.000 thuê bao di động) bằng 99,92% so với kế hoạch được giao. Thuê bao internet trên toàn mạng ước đạt 2.350.000 thuê bao; đạt mật độ 64,1 thuê bao/100 dân bằng 117,5% kế hoạch được giao (chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giao năm 2022). Về chính quyền số: Hệ thống văn bản được kết nối liên thông giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận qua hệ thống trên 2,8 triệu lượt văn bản; tỷ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã được các cơ quan Nhà nước trong tỉnh quan tâm, chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được duy trì, ổn định. Về xã hội số: Triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà và các khóa bồi dưỡng về CĐS cho cán bộ, công chức nòng cốt; cán bộ lãnh đạo cấp xã; thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Đã triển khai tại 27 huyện, thị xã, thành phố với 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm và hơn 14.478 thành viên tham gia để thúc đẩy CĐS, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền CĐS mạnh mẽ hơn.

Thời gian qua, cộng đồng DN Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác CĐS, xây dựng nền kinh tế số. Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 DN đăng ký thành lập, trong đó có gần 17.000 DN hoạt động và có phát sinh doanh thu. Về cơ bản, các DN trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của CĐS trong sản xuất, kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước CĐS rất nhanh, mạnh mẽ như: lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử, du lịch... Tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để hỗ trợ DN thực hiện CĐS và hỗ trợ các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, hộ sản xuất từng bước CĐS như: Kê khai, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; đưa các sản phẩm, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn; triển khai việc kết nối thanh toán trực tuyến, các điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, bệnh viện, khu chợ, khu công nghiệp, các cửa hàng kinh doanh...

Thực hiện CĐS tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các ngành, sản phẩm, DN và nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung; tạo nền tảng thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới.

Phóng viên:Những con số nêu trên tuy chỉ mới là những kết quả bước đầu nhưng cũng đủ để nhìn nhận được sức lan tỏa, hấp dẫn của CĐS đối với cộng đồng DN. Vậy tại sao, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn một bộ phận DN chưa thực sự sẵn sàng bước vào “cuộc chơi CĐS”.

Ông Đới Sỹ Nam: Thứ nhất, phải thấy rằng: CĐS là một hành trình dài với vô vàn những khó khăn, thử thách và chúng ta chỉ đang bước đi trên chặng đường đầu tiên. Vì vậy, ngay tại thời điểm này, chúng ta không thể mong cầu một kết quả hoàn hảo với sự đồng bộ, nhất quán tuyệt đối. Tuy nhiên, từ thực tiễn, từ trong khó khăn, thử thách ấy, chúng ta phải vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để tìm ra đâu là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đa số DN đều hiểu lợi ích của CĐS nhưng vẫn còn một bộ phận DN chưa thực sự sẵn sàng bước vào “cuộc chơi” CĐS. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này. Trong đó, quan trọng nhất đó là tư duy của chủ DN. Thử hình dung đơn giản nhất, trong tổ chức bộ máy quản trị DN, ai là người đứng đầu, có quyền quyết định cao nhất? Đương nhiên là Chủ tịch HĐQT giám đốc công ty. Vì thế, DN có thực hiện CĐS hay không phụ thuộc vào người Chủ tịch HĐQT, giám đốc công ty ấy quyết định.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta không cần phải nói quá nhiều đến các khái niệm, ý nghĩa của CĐS. Cái mà chúng ta cần quan tâm là nội hàm của nó. Điều quan trọng nhất của CĐS chính là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Nhận thức, tư duy đúng thì hành động mới đúng và trúng được. Và việc chuyển đổi tư duy, nhận thức ấy phải từ đội ngũ lãnh đạo, sau đó mới có thể lan tỏa rộng ra toàn DN.

Phóng viên: Nhiều cuộc hội thảo, tài liệu nghiên cứu, ý kiến chuyên gia đều thống nhất: Để thúc đẩy CĐS phải đi từ chuyển đổi nhận thức, tư duy. Nhận thức, tư duy là gốc rễ mọi vấn đề, điều đó quá đúng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng làm thế nào trong trường hợp nhận thức, tư duy rất sâu sắc nhưng năng lực tài chính, nguồn nhân lực có hạn?

Ông Đới Sỹ Nam: Ngoài vấn đề về nhận thức, tư duy ra thì còn vô số khó khăn, thử thách cùng những tồn tại, hạn chế đối với quá trình CĐS trong cộng đồng DN như: cơ chế, chính sách, phương thức thực hiện, nguồn lực (tài chính, con người, phương tiện)...

Hiện nay, Đảng, Nhà nước, các địa phương đều rất quan tâm đến CĐS. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách thì nhiều nhưng số lượng các DN có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách thì ít. Việc đưa cơ chế, chính sách liên quan đến CĐS vào cuộc sống còn nhiều hạn chế, thiếu sự kết nối...

Mặt khác, có rất nhiều DN quan tâm, mong muốn CĐS nhưng lại rất e dè, lo ngại đến vấn đề rủi ro trong quản trị bảo mật thông tin. Ở góc độ pháp lý, hiện nay tuy các văn bản pháp luật có quy định về đảm bảo an ninh, an toàn cho DN, nhưng trong thực tế thì việc áp dụng các quy định này vào xử lý rủi ro trong CĐS vẫn còn nhiều khó khăn.

Phương thức, cách tiếp cận, quan điểm về CĐS trong từng nhóm DN cũng có sự khác nhau. Nếu các DN trẻ, DN khởi nghiệp thực sự quan tâm, mong muốn, thích ứng tốt với CĐS thì phần lớn lại hạn chế về năng lực tài chính và kỹ năng quản trị DN, tiếp cận thị trường... Trong khi đó, với những DN lớn, DN đã có chỗ đứng trên thị trường, họ thường vẫn đặt ra câu hỏi: CĐS để được cái gì trong khi DN của họ vẫn đang vận hành tốt, kết quả sản xuất, kinh doanh tốt theo phương thức truyền thống...

Phóng viên: “CĐS hay là chết” dường như đã trở thành câu slogan cho thấy tầm quan trọng, tính bức thiết của vấn đề. Nhưng thực tế chứng minh: Có những DN cho dù CĐS vẫn lay lắt. Vậy tỉnh Thanh Hóa cần có những giải pháp nào để CĐS được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN, thưa ông?

Ông Đới Sỹ Nam: Trong vài năm trở lại đây, CĐS được nhắc tới nhiều trên nghị trường, các phương tiện thông tin đại chúng và cả đời sống xã hội. Đặc biệt, cộng đồng DN cũng được nghe nhiều đến cụm từ “CĐS hay là chết”, “CĐS sống sót và bứt phá”.

Với việc đẩy mạnh CĐS ở 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GDP của tỉnh, DN CĐS chiếm 50% trở lên tổng số DN có phát sinh thuế... Điều này đặt ra cho cộng đồng DN Thanh Hóa nhiều trăn trở, yêu cầu về mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thật rõ ràng và cụ thể.

Do đó, để thúc đẩy CĐS một cách đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, về phía Hiệp hội DN tỉnh có một số đề xuất, kiến nghị:

Thứ nhất, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho cơ quan chủ quản là Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát, đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng của các DN trên địa bàn tỉnh về tình hình CĐS.

Thứ hai, tìm hiểu và phân tích được những khó khăn cụ thể từ phía DN để lý giải tại sao vẫn còn một bộ phận DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hào hứng trong CĐS? Có phải vì khó khăn về tài chính? Về nhận thức hay khó khăn trong tiếp cận công nghệ, từ đó có những giải pháp phù hợp.

Thứ ba, hiện nay, UBND tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ DN thực hiện CĐS như: hỗ trợ kinh phí, hạ tầng công nghệ... Vì vậy, đề nghị cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến những chương trình, chính sách hỗ trợ đó để DN trong tỉnh dễ dàng nắm bắt và tiếp cận chính sách như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, thành lập tổ tư vấn, có đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, khó khăn, vướng mắc cho DN.

Thứ tư, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, chúng ta cần chú trọng việc vận động, chọn DN điển hình, hạt nhân tiêu biểu trong CĐS để xây dựng, phát triển, tạo tiền đề lan tỏa phong trào trên địa bàn toàn tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hương Thảo (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]