(Baothanhhoa.vn) - Chúng tôi về thôn Yên Ninh, xã Công Bình, huyện Nông Cống vào những ngày đầu tháng 5, nắng nóng kèm theo mất điện làm cho không khí nơi đây càng trở nên ngột ngạt. Đã vậy, được biết nhiều năm qua, hàng chục hộ dân trong thôn luôn phải sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nông thôn “khát” nước sạch

Chúng tôi về thôn Yên Ninh, xã Công Bình, huyện Nông Cống vào những ngày đầu tháng 5, nắng nóng kèm theo mất điện làm cho không khí nơi đây càng trở nên ngột ngạt. Đã vậy, được biết nhiều năm qua, hàng chục hộ dân trong thôn luôn phải sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Gia đình anh Nguyễn Khắc Linh (thôn Yên Ninh, xã Công Bình, huyện Nông Cống) phải sử dụng nguồn nước mưa dự trữ. Ảnh: Ngọc Anh

Hộ gia đình anh Nguyễn Khắc Linh là một thí dụ. Trước đây, nhà anh đào giếng khoan nhưng nước có màu đục, mùi hôi và nổi váng, không sử dụng được. Anh tự khắc phục bằng cách trữ nước mưa trong hai bể chứa 50m3. Ngoài ra, anh còn kéo đường ống từ một hộ gia đình khác cách xa nhà để dẫn nước vào bể chứa. Anh chỉ phải trả chi phí tiền bơm 200 nghìn đồng mỗi năm. “Đó chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có giải pháp xử lý triệt để, để người dân nông thôn được sử dụng hoàn toàn bằng nguồn nước sạch”. Anh Linh chia sẻ.

Bà Vũ Thị Sen sống ở gần nhà anh Linh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Khi đào giếng khoan thì phát hiện nước có mùi xăng dầu nồng nặc, không thể dùng để ăn uống, sinh hoạt. Bà than thở: “Nhà có mỗi thân già này thôi vẫn phải cuốc bộ sang tận các thôn lân cận xin nước về dùng. Chỉ mong sao các thế hệ con cháu của mình lớn lên không phải chịu cảnh nước ô nhiễm, thiếu nước sạch như thế này nữa, khổ lắm!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình, cho biết: Từ những năm 60, kho xăng dầu phục vụ kháng chiến đóng trên địa bàn thôn Yên Ninh bị giặc đánh phá. Toàn bộ số xăng dầu trong kho tràn loang, ngấm vào lòng đất, khiến cho nguồn nước nơi đây trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn thôn có hơn 30 hộ sinh sống, trong đó có khoảng 10 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước ô nhiễm. Xã đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền, các ngành chức năng về tình trạng trên, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, vì thiếu vốn. Còn người dân trong thôn thì hết sức chán nản, vì đã nhiều năm mòn mỏi trông chờ các công trình, dự án nước sạch, nhưng vẫn không thấy hồi âm. Chính quyền địa phương rất mong muốn các cấp, các ngành sớm có giải pháp di dân, tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng, để họ có cuộc sống ổn định, chứ chờ đợi đến khi có đủ nguồn lực, kinh phí để xử lý được tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm bởi xăng dầu, thì cũng còn mất nhiều thời gian lắm!.

Tình trạng thiếu nước sạch tại thôn Yên Ninh cũng là thực trạng chung của khu vực nông thôn tỉnh ta, tập trung phần lớn ở các huyện miền núi và diễn ra cục bộ ở một số xã thuộc các huyện Nông Cống, Nga Sơn... Theo Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, hiện nay tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch ước đạt 49%. Nước sạch được sử dụng từ các nhà máy nước sạch tập trung và các công trình cấp nước phân tán. Trong đó, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chiếm 20% (khoảng 650.000 người); tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch từ công trình nước phân tán chiếm 29% (khoảng 890.000 người). Trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy cấp nước sạch nông thôn tập trung đang hoạt động với phạm vi cấp nước thuộc địa bàn 92 xã. Với 2 mô hình quản lý công trình nước sạch nông thôn, gồm: Đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn) và doanh nghiệp (Công ty CP cấp nước Thanh Hóa và các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh). Ngoài ra, hiện nay còn có 11 nhà máy cấp nước sạch nông thôn được tỉnh chấp thuận chủ trương, địa điểm thực hiện đầu tư cho các doanh nghiệp với phạm vi cấp nước thuộc địa bàn 78 xã.

Chưa đầy 50% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, song nghịch lý ở chỗ nhiều công trình nước sạch nông thôn lại không phát huy hiệu quả, còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, phải kể đến việc các nhà máy cấp nước được đầu tư chủ yếu ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Khi đưa vào sử dụng các nhà máy nước chưa phát huy hiệu quả đầu tư (thường đạt 60% công suất thiết kế mới đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh). Bên cạnh đó, lượng nước tiêu thụ trung bình trong tháng của các hộ dân nông thôn chưa cao (do đặc thù vùng nông thôn sử dụng đồng thời nhiều nguồn nước cho sinh hoạt) nên đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên của các nhà máy. Dịch vụ cấp nước sạch từ các nhà máy cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như: Quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của một số địa phương trong vùng cấp nước thường có sự thay đổi theo sự phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các hạng mục công trình cấp nước, chủ yếu là đường ống. Một số công trình nằm cách xa nguồn nước nên chi phí đầu tư cao. Nguồn thu từ các chi nhánh cấp nước chỉ đủ để trang trải chi phí quản lý vận hành và chi trả lương cho cán bộ quản lý vận hành; kinh phí duy tu, sửa chữa để phát triển dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu đấu nối và sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn thấp, gây khó khăn cho hoạt động bền vững trong việc cấp nước sạch của các doanh nghiệp tư nhân...

Về mặt chủ quan, người dân nông thôn vẫn còn tập quán sử dụng nguồn nước truyền thống, như: Giếng đào, giếng khoan, bể nước mưa, sông suối, nước mó, mạch lộ... Mặt bằng thu nhập của người dân nông thôn cơ bản còn thấp. Nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch còn hạn chế. Do đó, bản thân người dân nông thôn cũng phải thay đổi tư duy, nhận thức để phù hợp với nhu cầu khi chuyển sang sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Nước, nhất là nước sạch chính là nguồn sống quý giá có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của con người. Vì vậy, thiết nghĩ các cấp, ngành, các địa phương cần quan tâm thường xuyên, không để người dân nông thôn phải chịu cảnh thiệt thòi vì “khát” nước sạch.


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]