(Baothanhhoa.vn) - Cảnh đẹp nước Nam, đâu đâu cũng có. Nhưng có lẽ, đi khắp nước Nam này tìm được một danh lam thắng cảnh như Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) quả là khó. Chẳng thế mà tự xa xưa, nơi này đã làm say đắm biết bao tao nhân mặc khách, cầm lòng chẳng đặng mà nâng bút đề thơ, viết ký sự... lưu lại mãi về sau.

Non nước Bàn A sơn

Cảnh đẹp nước Nam, đâu đâu cũng có. Nhưng có lẽ, đi khắp nước Nam này tìm được một danh lam thắng cảnh như Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) quả là khó. Chẳng thế mà tự xa xưa, nơi này đã làm say đắm biết bao tao nhân mặc khách, cầm lòng chẳng đặng mà nâng bút đề thơ, viết ký sự... lưu lại mãi về sau.

Non nước Bàn A sơn

Đại Hùng tự (thường gọi là chùa Vồm) dưới chân núi Bàn A.

Bàn A sơn án ngữ ở vị trí gần khu vực ngã ba Đầu – nơi hợp lưu của hai con sông lớn ở xứ Thanh là sông Mã và sông Chu, lại kết nối với hàng loạt các vùng đất cổ khác như: Núi Đọ, Đông Khối, làng Giàng, làng cổ Đông Sơn, Hàm Rồng... Cũng tại khu vực này, thành Tư Phố đã được xây dựng. Đây là trị sở sớm nhất và tương đối lâu của Thanh Hóa thời thuộc Hán cho đến đầu Tiền Tống (520 năm). Do đó, vùng đất này đã sớm trở thành địa danh lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa, chứng kiến biết bao biến động sục sôi trong lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung.

Theo lời mời gọi tha thiết của cảnh sắc thiên nhiên, sự thúc giục của bước chân trong dịp đầu xuân năm mới muốn du ngoạn đó đây, kẻ hậu sinh tìm đến Bàn A sơn trong một chiều nắng đẹp. Trên những con đường nhỏ quanh co, qua những xóm làng yên ả, thanh bình xen lẫn nét trầm mặc, cổ kính, Bàn A sơn uy nghi, vững chãi dần hiện hữu ngay trước tầm mắt. Men theo từng bậc thang đá, chậm rãi từng bước khoan thai để tận hưởng một vùng non nước đẹp đến ngỡ ngàng. Đứng trên đỉnh núi, du khách phóng tầm mắt mở ra bốn phương: Này đây là dòng Lương giang (tên gọi cũ của sông Chu) uốn lượn như dải phù sa ôm ấp, bồi tụ nên xóm làng, đồng bãi trù phú, ấm no. Này đây là núi non soi bóng, là san sát những nếp nhà thân ái tựa vào nhau. Xa xa, những cánh đồng lúa đương thì con gái, mơn mởn sức sống, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Mặc cho chênh vênh đỉnh núi, gió lồng lộng bên tai, lòng bỗng chộn rộn lên niềm hân hoan, vui sướng mà cảm thán về cảnh sắc quê hương. Lại bỗng nhớ đến các bậc tiền nhân, tao nhân mặc khách đã đến đây du ngoạn, cầm lòng chẳng đặng trước một vùng non nước hữu tình, hội sơn tụ thủy ấy mà “tức cảnh sinh tình”. Trong số đó, Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ được xem như người tri âm tri kỷ, góp phần làm danh giá thêm cho một vùng danh lam thắng cảnh xứ Thanh. Mùa hè Đinh Hợi (1767), Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ về triều tiếp sắc chỉ với hàm Đông các, sau đó được bổ đi làm Hiến sát xứ Thanh Hoa. Tại đây, ngoài thời gian giải quyết công việc, sự vụ, vốn bản tính ưa thích ngao du, ông thường du thưởng tới các vùng danh lam thắng cảnh của xứ Thanh như: núi Dục Thúy ở huyện Yên Khang, động Hồ Công ở huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc), núi Bàn A ở xã Đại Khánh, huyện Đông Sơn (nay là phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa). Ông bày tỏ sự quyến luyến, ưa thích đặc biệt với Bàn A sơn nên cho dựng một “quan lan sào” (cái tổ xem sóng) để thường xuyên qua lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh và đã có dịp mời các quan lại trong ba ti đến chơi xem nơi này. Quả nhiên là bậc danh sĩ, tinh tế vô cùng. Phải là người “sành chơi” thế nào mới dụng công tìm đến Bàn A sơn này như tìm đến một cõi “thoát tục” nơi trần thế, viết “quan lan thập vịnh” (ca ngợi 10 cảnh đẹp Bàn A sơn) lưu danh mãi muôn đời sau.

Sự tinh tế, “sành chơi” cùng với tình cảm gắn bó mà Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ dành cho Bàn A sơn được thể hiện sinh động, rõ nét trong cách cảm nhận sâu sắc của ông về Thập cảnh Bàn A ấy là: Khánh bằng liệt chướng - núi Bằng Trình ở Đại Khánh giăng hàng (ngọn núi này đối diện với núi Vồm, cùng với núi Vồm hợp nhất thành Bàn A sơn); “Lương mã song phàm” – hai cánh buồn sóng đôi trên dòng sông Mã, sông Lương (xưa, đứng trên đỉnh Bàn A sơn thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh tượng những con thuyền ngược xuôi sông Mã, sông Chu rất hữu tình); “Thạch tượng dục hà” – voi đá tắm sông (núi Voi thuộc địa phận xã Đông Lĩnh trước kia, cách Bàn A sơn một khoảng rất gần. Đứng ở Bàn A nhìn sang sẽ có cảm giác như thấy con voi khổng lồ đang muốn sang sông tắm mát); “Lĩnh quy hí thủy” – rùa núi vờn nước (rùa ở đây là chỉ núi Đọ); “Cổ độ kỳ đình” – nhà treo cờ ở bến đò xưa (ở ngã ba Đầu trước đây, các triều đình đều có đặt trạm dịch, những ngày khánh tiết hoặc lúc vua chúa dong thuyền về Lam Kinh thì đều tổ chức treo cờ); “Viễn sầm yên thụ” – cây mờ non xa (đứng ở Bàn A nhìn về phía nào cũng thấy vệt non xanh của cây lá, phía Đông là dãy Đông Sơn được mô tả tựa như hình con rồng nhấp nhô uốn lượn, phía Nam là Ngàn Nưa thấp thoáng; “Cô thôn mao xá” – nhà tranh thôn vắng; “Cách ngạn thiền lâm” - bên kia bờ sông là cánh rừng có ngôi chùa; “Sơn hạ ngư ky” - ghềnh nước cho thuyền bè qua lại dưới chân núi, “Giang trung mục phố” (bãi tắm trâu ở giữa sông).

Non nước Bàn A sơn

Từ trên đỉnh Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) phóng tầm mắt nhìn ra một vùng non nước hữu tình, xóm làng thanh bình.

Con sông Mã, sông Chu bao đời vẫn tự tình nhau nơi ngã ba Đầu mênh mang sóng nước. Tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của các bậc tao nhân mặc khách, danh sĩ dành cho Bàn A sơn vẫn ghi tạc vào đá núi. Nhưng vật đổi sao dời, thế sự đa đoan, cùng với thăng trầm của thời gian, biến động của lịch sử, tâm hồn, tài năng, trí tuệ của con người còn lại mãi nhưng thập cảnh Bàn A sơn đã không còn lưu giữ trọn vẹn như xưa. Núi Bằng Trình không còn “giăng hàng” nữa, âu sầu một góc nằm sát bên sông. Bến đò xưa vắng bóng. Ngay gần Bàn A sơn, cầu phao Vồm chắc chắn, an toàn vắt ngang dòng nước, nối nhịp bờ vui... Những đổi thay ấy, âu cũng là điều hiển nhiên, tất yếu dẫu có chút luyến tiếc, hoài cổ. Tìm lại bóng dáng thập cảnh Bàn A sơn, nay còn đó Đại Hùng tự (thường gọi là chùa Vồm) như minh chứng sinh động, thuyết phục. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có từ lâu đời. Chùa tựa lưng vào vách núi, kết cấu vì kèo theo kiểu kết hợp giữa giá chiêng, kẻ chuyền, chồng giường. Các vì kèo liên kết với nhau bằng đường xà thượng và xà hạ, tạo thành bộ khung vững chắc để đỡ toàn bộ phần mái. Đặc biệt, trong cấu trúc giữa xà thượng, xà hạ và hiên chùa là các bức ván nong. Hầu hết các ván nong đều chạm trổ hoa sen, cúc, vân mây, rùa ngậm hoa sen... Dẫu đã trải qua tu sửa, tôn tạo, kiến trúc không còn giữ được như ban đầu, tòa tháp 9 tầng bề thế chỉ còn trong ký ức của người dân nhưng chùa Vồm hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: Tượng phật A di đà khắc trực tiếp vào vách đá, một số pho tượng, bát hương cổ, bức đại tự, bút tích của các bậc tao nhân mặc khách đến vãn cảnh, đề thơ, khắc chữ... Từ lâu, chùa Vồm đã trở thành niềm tự hào, biểu tượng đẹp cho cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thơ mộng và đời sống tâm linh của đất và người nơi đây.

Khen cho tạo hóa khéo sắp bày một vùng non nước Bàn A đẹp như bức tranh thủy mặc. Cũng thực cảm phục mà nhớ đến công lao người xưa dụng công xây chùa, tạc tượng, khắc chữ, đề thơ để Bàn A sơn thêm phần danh giá. Trên hành trình về với biển cả, sông Mã, sông Chu đã kiến tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều vùng đất thấm đẫm văn hóa – lịch sử. Bàn A sơn là nét chấm phá độc đáo, gợi tình, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh. Để phát huy hơn nữa giá trị của Bàn A sơn, nhất là trong việc phát triển du lịch địa phương nói riêng, xứ Thanh nói chung, các cấp, ban, ngành và toàn xã hội cần có sự quan tâm, tạo điều kiện, chung tay góp sức...

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]