(Baothanhhoa.vn) - Đêm muộn, bờ biển thanh vắng. Trăng cuối tháng khi mờ, khi tỏ. Nàng chỉ có một mình. Một mình nàng đứng trên bờ biển đã từ rất lâu. Nàng hoàn toàn yên lặng. Từ Ba Mường xuống đây nàng đã phải đi một chặng đường khá dài, lại thêm vài thứ đồ đạc lỉnh kỉnh khiến cho nàng khá mệt mỏi. Đứa con trong bụng nàng lại không chịu ngủ yên, nó liên tục vung tay, duỗi chân trong bụng mẹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ngôi sao trên biển

Đêm muộn, bờ biển thanh vắng. Trăng cuối tháng khi mờ, khi tỏ. Nàng chỉ có một mình. Một mình nàng đứng trên bờ biển đã từ rất lâu. Nàng hoàn toàn yên lặng. Từ Ba Mường xuống đây nàng đã phải đi một chặng đường khá dài, lại thêm vài thứ đồ đạc lỉnh kỉnh khiến cho nàng khá mệt mỏi. Đứa con trong bụng nàng lại không chịu ngủ yên, nó liên tục vung tay, duỗi chân trong bụng mẹ.

Nàng vỗ về con, xin lỗi nó và hứa sẽ dành cho con những phút thư thái, bình yên để con được nghỉ ngơi. Trăng cuối tháng lại hiện ra. Biển màu bạc sáng. Gió từ ngoài khơi thổi vào mang theo vị mặn mòi. Nàng khoác thêm cái áo len màu rêu dài tay mang theo từ Mường Chiềng xuống để che bớt gió cho con rồi đứng yên nhìn ra biển. Biển đêm rất đẹp. Hằng hà sa số những chấm sáng nhỏ lung linh từ những chiếc thuyền đánh cá ban đêm không ngừng nhẩy nhót và níu kéo những ngôi sao xanh từ bầu trời xuống tận mặt biển khiến cho mây và nước, trời và biển giao hòa với nhau say mê và đắm đuối. Nàng cũng đắm đuối nhìn ra biển. Nàng cố tìm kiếm trong vô vàn ngôi sao sáng ngoài khơi xa kia vóc dáng và khuôn mặt yêu dấu của chồng mình. Nàng hoàn toàn không biết bước chân lão ngư đã đến trước mặt mình. Nàng cũng không nhìn thấy lão ngư rẽ sóng bơi lên từ biển. Cũng chưa bao giờ nàng tin rằng: Có một thiên thần từ trên trời cao bay xuống bằng đôi cánh mỏng tang của mình. Lão ngư từ đâu đến? Nàng không thể biết! Lão đang đứng lừng lững ngay trước mặt nàng, bên mép nước. Dưới chân lão là những con sóng bạc ngàn năm vẫn bồn chồn tung bọt trắng xóa vào bờ cát trắng.

Thiếu phụ ngước mắt lên nhìn lão ngư rồi kính cẩn cúi đầu chào. Lão cũng nhìn nàng hồi lâu. Lão nhìn nàng bằng đôi mắt nhân hậu, hiền từ khiến nàng cảm thấy tin cậy và quý mến lão ngư giống như nàng từng quý mến lão mo Khan ở làng Chiềng Va vậy đó. Nàng bỗng đưa mắt nhìn ra xa, lúc này nàng cảm thấy như biển dạt dào hơn và một cảm giác nhớ thương ai đó da diết trỗi dậy trong lòng nàng! Nàng nhớ chồng. Nàng thương cha và yêu biển biết bao nhiêu! Lúc này nàng cảm thấy cha, chồng của mình và biển đều là những thiên thần, đều là máu thịt của máu thịt nàng! Thân thiết, gần gũi và rất đỗi thiêng liêng đối với nàng và đứa con trai trong bụng của nàng! Nước mắt nàng rưng rưng. Lão ngư lên tiếng trước. Lão ngư hỏi nàng, giọng miền biển của ông cụ khá to, âm vực mạnh nhưng khi mới nghe nàng đã cảm thấy ấm lòng:

- Này con! Mi từ xa đến. Đúng không? Răng chừ còn đứng ở đây? Sắp sửa sang canh rồi đấy!

Nàng lúng túng. Lão ngư hỏi tiếp:

- Bụng mang dạ chửa. Mi định sinh nở ở bờ biển ni răng?

Thiếu phụ nhìn lão ngư rồi khẽ gật đầu:

- Thưa cụ! Con đang đợi tàu để ra đảo.

Lão ngư có phần ngạc nhiên. Lão thốt lên:

- Trời cao, biển cả ơi! Ra đảo răng? Bụng mang dạ chửa thế kia. Mi định đi kiếm nhà hộ sinh ngoài đảo à?

- Thưa cụ! Con ra đảo để nhận công tác. Còn ba tháng nữa con mới sinh cháu. Ra đảo con vẫn có thể tự lo được cho mình và cho đứa trẻ cụ à!

Lão ngư trìu mến hỏi nàng:

- Con bao nhiêu tuổi?

- Thưa cụ, con đã hai mươi tám tuổi!

- Có lẽ ta cùng thế hệ với cha con. Con hãy gọi ta bằng cha cho gần gũi.

Thiếu phụ có phần ngạc nhiên: “Ông lão rất thật lòng!” Nàng nghĩ thế nhưng không vội nói ra. Nàng chỉ ngước mắt nhìn ông cụ. Trước mặt nàng là một lão ngư tuổi tác. Lão có đôi vai rộng. Cái lưng hơi gù. Nước da đỏ au. Mái tóc dài bạc trắng. Đôi mắt đen, sáng, hiền từ dưới đôi lông mày rậm và cũng khá dài. Từ trong giọng nói oang oang của một người mà suốt cả cuộc đời sống bằng nghề cỡi sóng, đạp gió này có sự chân tình, ấm áp của một người cha già. Nàng lễ phép thưa:

- Vâng! Thưa cha. Được thế thì còn gì bằng nữa? Từ bé con vẫn khao khát được nhìn thấy mặt cha, được nghe cha gọi tên mình một lần. Bây giờ nếu được gọi cha bằng cha thì trong lòng con vui biết mấy! Có lẽ cha cũng chỉ hơn tuổi cha đẻ con chút ít. Cha con đã hy sinh trên đảo Trường Sa cách đây vừa tròn hai mươi tám năm rồi ạ.

Lão Ngư hơi buồn. Giọng lão trầm xuống:

- Một người lính đã hy sinh vì sự bình yên của biển đảo Tổ quốc chúng ta. Đã hai mươi tám năm rồi? Thật đáng kính biết bao nhiêu!

Thiếu phụ xúc động nhìn lão ngư. Nàng nói:

- Vâng! Cha con hy sinh khi con vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ.

- Con có một người cha rất đáng để tự hào con gái ạ!

- Thưa cha! Còn cha? Ngần này tuổi rồi mà cha vẫn còn muốn ra khơi bám biển hay sao?

Lão ngư đặt tay lên vai con gái rồi âu yếm nói với nàng:

- Ta biết con à! Ta rất tin tưởng ở thế hệ các con. Chỉ là... chỉ là cả cuộc đời ta đã gắn liền với biển. Bây giờ tuy tuổi tác đã cao nhưng ta vẫn còn một chút sức lực! Ta vẫn muốn đem kinh nghiệm của mấy mươi năm đi biển để dẫn dắt cho những con tàu đi tìm các tia cá vào mùa đánh bắt. Con gái biết không? Cha chỉ thật sự cảm thấy hạnh phúc khi cùng với những con tàu nặng trĩu cá tôm bình an từ biển trở về...

- Tất cả chúng ta đều nặng lòng với biển đúng không cha? Chồng con cũng thế! Anh ấy đã ngã xuống cách đây không lâu vì sự bình yên của biển đảo. Chồng con từ trên rừng xuống biển. Buổi đầu tất cả đều bỡ ngỡ, xa lạ đối với một chàng trai được sinh ra và lớn lên ở một xứ Mường trên núi cao, nhưng vì tình yêu đối với biển, chồng con đã nhanh chóng trở thành một người lính biển tốt. Anh ấy là một bác sĩ cha à! Con muốn ra biển làm tiếp công việc mà chồng con phải bỏ dở vì sự ra đi của anh ấy.

Nói xong thiếu phụ ngước mắt lên nhìn lão ngư. Một vầng sáng ấm áp tỏa ra từ khuôn mặt phúc hậu của ông cụ. Lão âu yếm nói:

- Ta cảm ơn con! Lúc này biển đảo của ta đang rất cần người. Cha tin rằng ra biển đảo làm việc con sẽ cống hiến được nhiều hơn. Con thật xứng đáng với truyền thống của một gia đình Mường trên núi cao. Một gia đình đã đóng góp nhiều xương máu cho sự bình yên của biển đảo Tổ quốc!

Nàng hấp tấp ngắt lời lão ngư:

- Cha chưa hiểu hết lòng con cha ơi!

Lão ngư có phần ngạc nhiên. Lão hỏi:

- Thật thế sao con?

Thiếu phụ bối rối. Nàng ấp úng trả lời ông cụ:

- Thật ra thì trong suy nghĩ, trong hành động của con cũng có một phần ích kỷ. Chuyện con muốn được ra đảo làm việc. Chuyện con muốn được tiếp tục làm công việc của chồng mình đã bỏ lại ngoài biển đảo chỉ có một phần nửa đúng thôi. Phần còn lại kia là của riêng con. Con muốn gia đình con được gần gũi nhau hơn cha ạ. Nếu con sinh cháu ngoài đảo, chồng con sẽ được nghe tiếng khóc đầu đời của con trai mình. Được nhìn thấy thằng bé lớn lên từng ngày trên đảo. Con muốn con trai con khi trưởng thành sẽ là một chàng trai Mường rắn rỏi và kiên cường trên biển đảo như cha và ông ngoại nó. Thế đấy cha ơi!

Lão ngư rưng rưng nước mắt. Ông cụ cười thật lớn:

- Một phần ích kỷ đáng yêu và rất nên khuyến khích con gái ạ!

Thiếu phụ hơi giật mình. Nàng hỏi cha:

- Cha không nỡ trách con nên người mới nói thế. Đúng không ạ?

Lão ngư vẫn cười:

- Hai mẹ con con cho ta xin lỗi. Nhưng nó là thế đấy! Đối với con, gia đình và đất nước, bên nào cũng được con coi trọng.

Gió thổi mạnh. Sóng cồn cào vỗ vào bờ cát. Lão ngư quay mặt nhìn ra biển rồi trầm ngâm nói:

- Ta cũng đã ra đời trên bãi biển này. Mẹ ta đã đứng ở đây đợi cha ta đi biển trở về. Bà đợi chồng đêm này qua đêm khác, rồi một đêm tối trời, bà đã chuyển dạ sinh ta ngay trước biển.

Nước mắt thiếu phụ trào ra, nhưng nàng cố giấu đi cảm xúc của mình bằng câu nói bâng quơ:

- Biển đêm nay đẹp quá cha ơi!

Lão ngư nhìn ra biển cả mênh mang với ánh mắt trìu mến rồi nói với nàng:

- Biển của đất nước ta lúc nào cũng đẹp con à! Nhưng nếu biển của ta không bình yên thì cả đứa trẻ còn chưa ra đời như con trai của con cũng phải chịu phần vất vả. Con hãy cho ta xin lỗi.

Thiếu phụ mỉm cười. Nàng thành kính nhìn lão ngư:

- Cha đúng mà! Cha xin lỗi con mãi như thế làm con khó nói cha à!

- Bây giờ mà một người vợ trẻ như con vẫn phải chịu thiệt thòi vì sự hy sinh của người chồng thân yêu cho sự bình yên của biển đảo Tổ quốc nên những người của thế hệ chúng ta vẫn cảm thấy mình có lỗi.

Thiếu phụ nhìn ra biển. Nàng nói:

- Tổ tiên, cha ông người Việt ta đã phải mất nhiều triệu năm đi mở cõi và đã đổ biết bao nhiêu xương máu để giữ gìn rừng và biển cho muôn đời con cháu sau này. Thế hệ các con lẽ nào lại chịu đứng khoanh tay.

- Ta... ý cha muốn nói là...

Thiếu phụ thấy lão ngư có phần lúng túng nên nàng vội nói sang chuyện khác:

- Từ một vùng núi cao, lần đầu tiên con về với biển, trời xanh và biển cả đều quá rộng, quá dài đối với con cha à! Lúc mới đặt chân lên bãi cát này con cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng bây giờ thì cảm giác đó không còn. Biển cả bao la vô cùng thân thiện.

- Biển rất thân thiện. Những người sống gần biển, cả đời gắn liền với biển cũng rất thân thiện con à. Theo ta: Con cứ sinh cháu xong rồi mới bồng con ra đảo. Bây giờ thì cha mời con đi thăm những ngôi làng biển. Hãy hiểu về những ngư dân. Con hãy đến ở với bà lão nhà ta. Sinh nở xong, hai mẹ con hãy xuống tàu ra biển. Được không con? Ta thường đi biển vắng nhà biền biệt nên bà lão phải sống một mình. Có con đến ở cùng, bà lão sẽ mừng biết mấy! Có một đứa cháu để bế ẵm, bà ấy sẽ bớt đi phần cô đơn con ạ.

- Thế còn các anh, chị nhà mình? Mọi người đều đi làm ăn xa cả. Đúng không cha?

- Ta à! Ta chỉ có một thằng con trai. Thằng con này đã bám biển cùng anh em ngoài khơi xa, nhưng không may bị va đập với tàu lạ, nó đã ra đi cùng anh em trên tàu... Thiếu phụ Mường Chiềng gạt ngang nước mắt:

- Tuổi này mà cha vẫn còn phải chịu mất mát, hy sinh quá lớn?

- Ta không thể ngồi một chỗ để hưởng phúc khi biển đang cần ta có mặt. Đêm nay, còn một chút thời gian nên ta đã ghé về thăm bà lão, lấy thêm lương thực trước khi ra biển và ta đã nhìn thấy con.

Thiếu phụ nắm lấy đôi bàn tay to lớn, chai sần của lão ngư. Hai bàn tay lão ngư rất ấm:

- Cha ơi! Con chúc cha ra khơi thuận buồm xuôi gió.

- Ta cảm ơn con!

Thiếu phụ thở dài. Lão ngư hỏi tiếp:

- Ta đã từng nghe nói: Người mạn ngược thường sinh con một mình. Họ sinh nở ở nhà bù rẫy, hay chòi coi nương gì đó trên núi? Con lại là một bác sĩ. Chuyện sinh nở ngoài biển đảo, đối với con chắc cũng chả khó khăn gì. Nhưng ta muốn con hãy đến ở cùng bà lão nhà ta. Đợi con sinh nở xong, mẹ tròn con vuông rồi tính tiếp. Được không con?

Lão ngư đi đến chỗ những con thuyền đánh cá nhỏ, thô sơ đang neo đậu gần bờ. Lão ngư dừng bước rồi cất giọng rất giống một vị chỉ huy đang đứng trước đội quân chài lưới của mình trên bãi biển. Giọng lão rất trầm:

- Biển là máu của máu. Rừng là thịt của thịt trong mỗi con người chúng ta. Các con ra khơi chuyến này cầu cho bình an trở lại.

- Vâng, thưa cụ.

Tiếng các tay chèo lưới đáp trả xen tiếng sóng biển rì rầm trong gió vi vút khiến biển càng trở nên đẹp liêu trai. Quay lại với nàng, lão ngư nói: mười tuổi ta đã lên thuyền ra biển. Ta lấy biển rộng làm nhà. Con thuyền đánh cá cũng là chiếc giường ngủ qua đêm của ta trên biển. Buồn vui của một đời người ta cũng chỉ biết đem ra sẻ chia với từng con sóng. Mấy chục năm nay ta không một ngày ngơi nghỉ. Xa biển một ngày là ta đã không chịu nổi. Bây giờ sức lực ta không còn đủ để thả câu, giăng lưới khơi xa. Nhưng ta muốn dùng kinh nghiệm của nhiều năm đi biển để dẫn dắt lớp con cháu của mình vào lộng ra khơi được an toàn khi có gió to, sóng lớn. Đêm nay, ta đã nhìn thấy con đứng trên bờ biển một mình, nên ta nán lại một chút để trò chuyện với con. Bây giờ hãy trở về mái nhà của ta để chờ ngày trở dạ an toàn rồi con hãy tính ra đảo. Có tiếng còi tàu từ phía cảng cá vọng vào. Lão ngư thả những bước chân vững vàng bên mép nước. Thiếu phụ vùng sơn cước xinh đẹp cũng bước đi theo lão.

Căn nhà ngói nhỏ dần hiện ra dưới hàng phi lao xanh ngút ngàn đung đưa trước gió. Trong căn nhà ấm áp đó, nàng được vợ lão ngư đối đãi như con gái đi xa trở về. Nàng hỏi thăm cuộc sống của cụ bà và bà con làng biển. Cụ bà như chừng thấy thiếu phụ bụng mang dạ chửa đã thấm mệt. Cụ dìu nàng vào căn buồng tĩnh lặng để nghỉ ngơi. Nàng ôm lấy vai bà trìu mến và rồi ngủ thiếp đi một chút.

Trong giấc ngủ ngắn ngủi nàng đã mơ. Một giấc mơ biển thật đẹp và đáng nhớ. Nàng cảm thấy cha nàng - ông già biển cả - đã hiện hình trong bóng dáng lão ngư, vẫn đang đứng ngay trước mặt mình, cao lớn và hiền hậu. Xúc động một lúc nàng mới thốt lên được thành lời:

- Cha ơi! Thật may mắn là con đã gặp được gia đình của cha! Có thể cha chính là linh hồn của cha con đã hiện về dẫn dắt cho đường con đi. Con sẽ đi ra đảo cha à, đó là khát vọng tuổi trẻ, mà ai cũng chỉ được sống một lần với tuổi trẻ! Con sẽ đi như một người lính thật sự. Con gái cảm ơn cha. Con cảm ơn cha nhiều lắm! Cha hãy tin những đứa con mình...

Trong giấc mơ có rất nhiều ngôi sao xanh vẫn thao thức trên bầu trời. Biển mênh mông và lặng lẽ trong đêm. Lão ngư thả những bước chân vững vàng ra mép nước. Thiếu phụ vùng sơn cước xinh đẹp bồng con cũng bước đi theo lão về phía sóng xa rồi bất ngờ quay lại bờ, những giọt nước mắt chia ly nóng hổi lăn trên má. Trên bờ, người mẹ già đưa tay vẫy vẫy, giờ chỉ còn nhỏ như một chấm sao lặng lẽ bên trời.


Hà Cẩm Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]