(Baothanhhoa.vn) - Lê Hữu Lập (1897 - 1934), là con một gia đình nho học có khí tiết ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “Hạt giống đỏ” của cách mạng Thanh Hóa

Lê Hữu Lập (1897 - 1934), là con một gia đình nho học có khí tiết ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Những “Hạt giống đỏ” của cách mạng Thanh Hóa

1. Lê Hữu Lập - người đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh

Lê Hữu Lập (1897 - 1934), là con một gia đình nho học có khí tiết ở thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông nội Lê Hữu Lập từng làm quan án sát, ông thân sinh đậu cử nhân, nhưng nhận thấy bản chất chính quyền thực dân phong kiến, nên đều từ chối chiếc áo làm quan, theo nghề dạy học. Năm 1918, Lê Hữu Lập tốt nghiệp trường Pháp - Việt, đậu bằng tiểu học, có kiến thức cả về nho học và tân học, nhưng không đi làm cho công sở Pháp hoặc Nam triều mà hòa mình vào cuộc sống cần lao, từ đó nhận thức sâu sắc nỗi khổ nhục của người dân trong một đất nước nô lệ.

Sau khi khởi nghĩa Ba Đình thất bại, phong trào yêu nước của Nhân dân Thanh Hóa bị đàn áp dã man, trong đó có làng Hữu Nghĩa quê hương ông. Điều đó càng dấy lên lòng yêu nước, căm thù giặc ở người thanh niên trẻ tuổi Lê Hữu Lập. Năm 1922, ông gặp Đinh Chương Dương, quê ở làng Y Bích, nay thuộc xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, được tuyên truyền, giác ngộ tinh thần cách mạng của các nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Ngày 14-7-1924, Đinh Chương Dương đưa Lê Hữu Lập sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, tham gia Tâm Tâm xã, một tổ chức của các thanh niên yêu nước Việt Nam. Tháng 12-1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc, liên hệ với Tâm Tâm xã và các nhóm thanh niên yêu nước khác để truyền bá tư tưởng vô sản. Từ đây, những thanh niên Việt Nam đã từ chủ nghĩa yêu nước chân chính dần đến với chủ nghĩa cộng sản. Lê Hữu Lập là người đầu tiên của Thanh Hóa được học lớp bồi dưỡng chính trị do người thầy lớn Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Hữu Lập được kết nạp vào hội.

Cuối năm 1925, Lê Hữu Lập cùng một số anh em được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, tiếp tục đưa thanh niên yêu nước sang Quảng Châu huấn luyện.

Tháng 5-1926, tại số nhà 26, phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, đồng chí Lê Hữu Lập tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng bí mật. Để đảm bảo bí mật, ngôi nhà được bố trí bên ngoài là cửa hàng bán nước mắm, bên trong là nơi hội họp, xem như đó là sự giao lưu giữa các bạn hàng. Từ đây, lớp thanh niên yêu nước tiến bộ ở Thanh Hóa bắt đầu được nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ trương của cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Lê Hữu Lập đã tiến hành cuộc vận động xuất dương để học tập con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi tổ chức được hai cuộc xuất dương, Lê Hữu Lập bắt tay vào xây dựng tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở tỉnh nhà. Tháng 4-1927, Ban Chấp hành Tỉnh bộ lâm thời Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được thành lập, đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời. Đầu tháng 4-1928, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, hội nghị đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức, bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức gồm bảy ủy viên; đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư và sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ. Tháng 4-1928, theo chỉ thị của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ, hội nghị đại biểu thanh niên Thanh Hóa được tổ chức tại chùa Quan Thánh - Núi Nhồi, đã bầu Ban Chấp hành chính thức, Lê Hữu Lập được bầu làm Bí thư, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.

Đầu năm 1929, đồng chí Lê Hữu Lập được Kỳ bộ Trung kỳ điều động sang Thái Lan hoạt động. Trong nước, địch phát hiện được cơ sở của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thanh Hóa nên ráo riết truy nã ông. Ngày 2-11-1929, Tòa án Nam Triều Thanh Hóa kết án tử hình vắng mặt đồng chí Lê Hữu Lập.

Tháng 3-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị đại biểu Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thái Lan, đã quyết định chuyển tổ chức này thành tổ chức cộng sản. Đồng chí Lê Hữu Lập trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Cuối tháng 8-1930, Lê Hữu Lập bí mật về nước, bắt liên lạc với các thanh niên yêu nước ở huyện Hoằng Hóa. Cuối tháng 9-1930, đồng chí thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Hoằng Hóa tại thôn Cự Đà (nay là xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa).

Cuối năm 1930, Lê Hữu Lập quay lại Thái Lan hoạt động. Từ năm 1932 đến năm 1933, đồng chí công tác tại ban viện trợ cách mạng Đông Dương ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Đầu năm 1934, đồng chí lại được cử về hoạt động ở Nghệ An, được một thời gian ngắn thì lâm bệnh nặng. Vào một ngày cuối tháng 6-1934, Lê Hữu Lập đã trút hơi thở cuối cùng ở độ tuổi 37 đầy hoài bão. Lê Hữu Lập - người đảng viên cộng sản đầu tiên của quê hương Thanh Hóa - đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân, góp phần viết nên những trang đầu rực rỡ trong lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa.

2. Lê Thế Long - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

Đồng chí Lê Thế Long (1893 – 1936), sinh ra trong một gia đình nhà nho với nhiều đời làm nghề dạy học, tại làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê (nay là thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn). Đây là một làng có phong trào cách mạng rất sớm ở Thanh Hóa. Từ nhỏ, Lê Thế Long tỏ ra rất sáng dạ nên được ông và cha dạy dỗ học hành tấn tới. Năm 1918, ông dự kỳ thi hương cuối cùng của khoa cử phong kiến, sau đó theo học trường Pháp - Việt và đậu tiểu học.

Những năm đi học, Lê Thế Long có điều kiện tìm hiểu sách báo bí mật và những thông tin về các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đặc biệt là luồng gió mới Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau đó ông về quê tìm sách báo tài liệu tự học để nâng cao trình độ, đi dạy chữ nho và âm thầm tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn.

Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Tháng 4-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, một đảng viên cộng sản quê xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, được Xứ ủy Bắc kỳ cử về Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức đảng. Ngày 18-6-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về làng Hàm Hạ bắt liên lạc, tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp được 3 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam là Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long. Ngày 25-6-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa, đã được tiến hành tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều. Hội nghị thống nhất bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư chi bộ. Ngay sau khi thành lập Chi bộ Hàm Hạ, đồng chí Lê Thế Long cùng với những đồng chí của mình giương cao ngọn cờ cách mạng, phát triển phong trào đấu tranh trong Nhân dân.

Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự ra đời của Chi bộ Thiệu Hóa ngày 10-7-1930, đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư; Chi bộ Thọ Xuân thành lập ngày 22-7-1930, đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm Bí thư. Ba chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời đã tạo tiền đề để thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Ngày 29-7-1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa được tổ chức, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư. Đảng bộ Thanh Hóa ra đời là sự kiện trọng đại, phong trào yêu nước cách mạng trong tỉnh từ đây bước sang thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.

Giữa lúc các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và phong trào đấu tranh của Nhân dân toàn tỉnh đang trên đà phát triển thì Xứ ủy Bắc kỳ bị địch khủng bố. Ngày 21 và 22-12-1930, binh lính kéo về lùng sục, truy bắt đảng viên trong tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đồng chí Lê Thế Long đã bị sa vào tay địch. Cuối năm 1935, đồng chí Lê Thế Long cùng các đồng chí Lê Chủ, Trịnh Huy Quang, Bùi Đạt... được trả tự do và tiếp tục hoạt động. Tháng 3-1936, nhận nhiệm vụ phân công của Đảng bộ, đồng chí Lê Thế Long đã tổ chức dạy chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng cho Nhân dân địa phương.

Đang say sưa với nhiệm vụ cách mạng thì đồng chí Lê Thế Long ngã bệnh hiểm nghèo, do ảnh hưởng của những năm tháng hoạt động gian khó, bị địch bắt tù đày, tra khảo khiến sức lực suy kiệt. Ngày 17 tháng 11 năm Bính Tý (tức 30-12-1936), đồng chí Lê Thế Long đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 43, độ tuổi chín muồi về lý tưởng cuộc đời. Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa mãi mãi ghi ơn người cộng sản kiên trung, Bí thư chi bộ đầu tiên ở Thanh Hóa và cũng là Bí thư Đảng bộ tỉnh đầu tiên, một trong những bậc tiền bối đã có công gây dựng nền móng của Đảng Cộng sản trên quê hương Thanh Hóa.

Trịnh Mai Hương

(Đài PTTH tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]