(Baothanhhoa.vn) - Vào một buổi chiều hè trung tuần tháng 5-2018, tôi nhận được cuộc điện thoại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ thương bạn!

Vào một buổi chiều hè trung tuần tháng 5-2018, tôi nhận được cuộc điện thoại.

Tình đồng đội. Ảnh: T.L

- Ai đấy?

Từ đầu máy bên kia:

- Em là Thụy, em ruột của liệt sĩ Đinh Quang Thanh, bạn của anh đây!

Tôi hỏi tiếp:

- Có việc gì đấy em?

- Anh ơi, vợ chồng em chuẩn bị vào An Giang để tìm mộ anh Thanh! Em hỏi lại anh có phải anh Thanh hy sinh tháng 5-1970 không!

- Đúng rồi! Ở ấp Cây Sai, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang em ạ!

- Em vào trong đó cho anh gửi lời thăm Ba Má xã Thới Sơn nhé! Tôi nói tiếp:

- Vâng ạ! – Thụy đáp lại.

Nhớ đến Thanh, người bạn đồng ngũ, đồng hương giờ không còn nữa. Tôi nhớ lại mùa mưa tháng 9-1969, sau khi đơn vị làm lễ tang Bác Hồ ở khu rừng thuộc tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước), mấy anh em còn sống sót sau trận B52 rải thảm vào đội hình đơn vị, quây quần dưới chiếc hầm nổi ngập ngước ở ven đường 13 đoạn Chơn Thành – Hớn Quản. Hôm đó có tôi, Lê Quang Diện ở xã Yên Thái (Yên Định); Đinh Quang Thanh, Lê Văn Được ở Hoằng Lộc (Hoằng Hóa); Nguyễn Đức Mạnh, xã Nga An (Nga Sơn); Đỗ Ngọc Lân ở xã Xuân Hòa (Thọ Xuân). Thanh nói:

- Bọn mình mới hôm nào khoác ba lô rời Thanh Hóa vào chiến trường, nay đã gần 2 năm rồi. Từ trận đánh ở Làng Vây – Khe Sanh, rồi vào Kon Tum, Bà Chiêm – Tây Ninh, Bình Long... giờ chỉ còn lại mấy đứa. Anh em đồng hương thương vong gần hết cả!

Tôi nhìn Thanh và mấy người bạn mắt ai cũng rưng rưng. Thanh nói xong, mấy anh em bốc gạo rang ăn dưới trời mưa tầm tã. Cuối năm 1969, trung đoàn được lệnh rút khỏi Bình Long về tập kết ở Lò gò, xóm Giữa của Tây Ninh để nhận nhiệm vụ đi xuống chiến trường miền Tây Nam bộ. Đinh Quang Thanh và Lê Quang Diện được đề bạt là cán bộ Trung đội Trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 101, Sư đoàn 1.

Tháng 1-1970, đơn vị vượt kênh Vĩnh Tế từ Cam-pu-chia sang đất An Giang. Tiểu đoàn 8 được trung đoàn giao nhiệm vụ chốt giữ vùng đất xã Thới Sơn. Đây là khu vực “lõm” đan xen giữa ta và địch, hết sức ác liệt. Từ xã Thới Sơn đi Nhà Bàng sang Nhân Hưng, Cầu Sắt, Núi Két, địch suốt ngày dùng phi, pháo đánh phá dữ dội vào đội hình của Tiểu đoàn 8. Địch biết tin có bộ đội chủ lực từ miền Đông xuống, chúng điều động liên đoàn biệt động số 41 nhằm o ép nhân dân các xã Ba Chúc, Thới Sơn, Thới Thuận, Nhân Hưng. Bọn “thiên nga”, “phượng hoàng” giả làm dân đi làm vườn mò vào sát tận đơn vị bố trí trận địa để dò la tin tức. Nhiều đêm, bọn biệt kích đã bí mật bò vào ném lựu đạn vào hầm bộ đội gây thương vong lớn. Đặc biệt tháng 3-1970, 10 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 8, cùng với các chiến sĩ A11 đặc công của trung đoàn đã dũng cảm, buộc bộc phá vào người, đu bám vào vách núi đánh tiêu diệt bọn địch trên Núi Két. Bị thua đau, địch càng lồng lộn dùng bom pháo đánh điên cuồng vào đơn vị. Đỗ Ngọc Lân, Nguyễn Thế Đô, Nguyễn Văn Lan, Vi Hồng Tinh, những cán bộ quê hương Thanh Hóa đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh ngay tại hầm chiến đấu và trên đỉnh Núi Két. Tôi nhớ có lần bọn “thiên nga”, “phượng hoàng” ngồi trên xe bọc thép hùng hổ tiến vào địa điểm Tiểu đoàn 8 đóng quân, chúng la hét:

- Bọn cộng sản Hà Nội muốn sống thì ra hàng. Nếu không hàng, chúng mày sẽ chết!

Vừa dứt tiếng hô, chúng cho xe bọc thép gầm rú và hùng hổ tiến vào vị trí chốt chắn của Đại đội 5, Tiểu đoàn 8. Chiến sĩ Vi Văn Puộc quê xã Xuân Lẹ (Thường Xuân) đã nhoài lên khỏi hầm dùng súng B40 bắn 1 quả vào chiếc xe bọn địch đang la hét, xe nổ tung và cả bọn giặc lẫn “thiên nga”, “phượng hoàng” ngồi trên chiếc xe đi đầu bị đền tội, các xe còn lại vội vàng rút lui. Sau này, Vi Văn Puộc cũng anh dũng hy sinh.

Tháng 5-1970, ở Cam-pu-chia, lực lượng Non-lon-xi-líc-ma-tắc đảo chính. Nhà vua Xi-ha-núc mất quyền lãnh đạo đất nước. Lúc này, lợi dụng tình hình của Cam-pu-chia, địch liên tục dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn không cho các đơn vị của ta vượt kênh Vĩnh Tế từ Việt Nam sang giúp lực lượng cách mạng của bạn. Tiểu đoàn 8 được lệnh của trên, vượt kênh Vĩnh Tế hành quân sang đất bạn. Đêm ấy, Đinh Quang Thanh với cương vị là trung đội trưởng trinh sát của Tiểu đoàn 8 cùng với 2 chiến sĩ và đồng chí du kích địa phương vào ấp Thới Sơn, nắm tình hình địch để đưa bộ đội vượt kênh Vĩnh Tế sang Cam-pu-chia. Do bị tên chiêu hồi là người địa phương chỉ điểm. Bọn địch trong ấp Cây Sai, xã Thới Sơn đã dí súng vào từng nhà dân bắt treo cây đèn sáng trước nhà (vì theo mật lệnh của ta, nếu nhìn thấy nhà dân treo đèn sáng là trong ấp không có địch, nếu nhà dân tắt đèn là có địch trong ấp, bộ đội ta không được vào).

Hôm đó, thấy trong ấp nhà nào cũng treo đèn, thấy ám hiệu an toàn, tổ trinh sát liền đột nhập vào trong ấp, ngay lập tức bị bọn địch bao vây tứ phía. Chúng la hét om sòm, nhằm bắt sống các đồng chí trinh sát của ta. Trước tình thế vô cùng nguy cấp, Đinh Quang Thanh đã dũng cảm chỉ huy cùng 3 chiến sĩ bám vào nhà dân dùng súng AK 47 và lựu đạn đánh trả bọn giặc, tiêu diệt nhiều tên trong đó có cả tên chiêu hồi. Đến gần sáng, địch phát hiện lực lượng của ta quá ít, chúng dùng súng phun lửa và súng AR 15 bắn điên dại vào ngôi nhà các đồng chí đang bám trụ, cả 4 đồng chí hy sinh anh dũng...

...Năm tháng qua đi, tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, em trai của liệt sĩ Đinh Quang Thanh là Đinh Quang Thụy khi vừa tròn 18 tuổi đã xung phong vào quân đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc trở về đảm nhiệm nhiều cương vị chủ chốt của xã Hoằng Lộc, hiện nay đang là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa. Thương nhớ anh và nhớ lời bố mẹ dặn trước khi qua đời là phải tìm được nơi hy sinh của anh để đưa về quê, Đinh Quang Thụy cùng vợ quyết định vào An Giang để tìm mộ anh mình.

Ngày 14-5-2018, hai vợ chồng đi máy bay từ sân bay Sao Vàng vào tỉnh An Giang. Đồng chí Đại tá Tư Cường, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã gặp gỡ và động viên vợ chồng Đinh Quang Thụy, bố trí ăn nghỉ chu đáo. Sáng hôm sau, chính ủy Tư Cường giao cho đồng chí Ba Hiếu – trưởng ban chính sách và đồng chí đội trưởng Đội Quy tập K93 của Tỉnh đội lấy xe đưa vợ chồng Thụy về ấp Cây Sai, xã Thới Sơn nơi liệt sĩ Đinh Quang Thanh hy sinh. Sau khi đoàn vào báo cáo UBND xã, đoàn được giới thiệu đến gặp chú Ba Thanh, người sinh ra và lớn lên tại ấp Cây Sai, xã Thới Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, chú là cán bộ của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, sau này chú là đại biểu Quốc hội của ta. Chú lại giới thiệu cho vợ chồng Thụy đến gặp má Tư Chọn – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được má kể lại câu chuyện bi hùng về sự hy sinh của tổ trinh sát do Đinh Quang Thanh làm chỉ huy. Má kể rằng:

Tháng 5-1970, đồng chí Hai Quất xã đội trưởng vào làm việc với Tiểu đoàn 8 bị đạn pháo bắn hy sinh. Trên quyết định điều má thay Hai Quất làm xã đội trưởng. Hôm tổ trinh sát hy sinh, má đang trong ấp Cây Sai. Má vừa khóc vừa kể lại câu chuyện bi tráng về sự hy sinh của Đinh Quang Thanh:

- Sau khi các chiến sĩ của ta hy sinh, bọn giặc hèn hạ và thâm độc đã trả thù một cách đê tiện, chặt đầu cả 4 bộ đội ta và đem bêu xác ở chợ nhà Bàng, nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân trong xã. Mãi sau 2 ngày địch rút đi, du kích và nhân dân mới gom được đầu và xác đem chôn cất.

Má Tư Chọn còn nhớ hôm đó ai là người đi chôn. Rồi Má chỉ địa điểm chôn cất các liệt sĩ cho vợ chồng Thụy. Đứng trước mảnh đất đẫm máu anh trai mình và 2 đồng chí trinh sát của Tiểu đoàn 8 cùng một chiến sĩ du kích địa phương, thắp mấy tuần hương, hai vợ chồng Thụy đau đớn bốc 3 nắm đất nơi anh mình ngã xuống, gói buộc cẩn thận bỏ vào va ly. Theo chính quyền xã Thới Sơn kể lại sau khi hòa bình thống nhất, các phần mộ liệt sĩ được chính quyền và nhân dân đưa về Nghĩa trang liệt sĩ dốc Bà Đắc. Vợ chồng Thụy cùng các đồng chí trong đoàn lại tiếp tục lên xe về Nghĩa trang Bà Đắc. Trong bạt ngàn ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, trên bia chỉ ghi: “Liệt sĩ Trung đoàn 101”. Không có họ, tên, quê quán. Trung đoàn 101 từ đầu năm 1970 đến ngày 30-4-1975 đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất An Giang anh hùng.

... 48 năm đã trôi qua, tôi không sao quên được cái đêm tháng 5-1970, Đinh Quang Thanh bạn tôi, trước khi đi trinh sát vào ấp Cây Sai, xã Thới Sơn còn qua tiểu đoàn báo cáo tình hình. Gặp tôi ở cửa hầm, Thanh nói:

- Mấy anh em mình vào đến đây... Tình hình tới còn ác liệt lắm, Thư ở lại cùng tiểu đoàn chiến đấu, Thanh đi, có thể nào anh em mình gặp lại sau nhé!

Tôi không ngờ lần chia tay ấy tôi vĩnh viễn mất người bạn Đinh Quang Thanh một cán bộ trẻ, tài năng, đức độ và đầy triển vọng.

...Đầu tháng 6-2018, được tin vợ chồng Thụy từ An Giang trở về, tôi và Được quê xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) đến thăm và thắp hương cho bạn. Nhìn di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công nhòa trong hương khói, tôi và Được như nhìn thấy bạn tôi vẫn còn sống như hôm nào. Thanh vào hầm tôi chào đi vào trận chiến đấu và không trở về, bạn tôi trở nên bất tử.

Tháng 7- 2018


Phạm Quang Thư

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]