(Baothanhhoa.vn) - Năm 2007, bản Ôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) được đầu tư công trình nước sinh hoạt (NSH) phân tán. Ngày công trình hoàn thành dân bản ai nấy đều phấn khởi, vì không còn phải lo thiếu NSH hàng ngày.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều công trình nước sinh hoạt ở miền núi không phát huy hiệu quả

Năm 2007, bản Ôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) được đầu tư công trình nước sinh hoạt (NSH) phân tán. Ngày công trình hoàn thành dân bản ai nấy đều phấn khởi, vì không còn phải lo thiếu NSH hàng ngày.

Một bể chứa nước thuộc công trình nước sinh hoạt ở bản Ôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa) bỏ hoang lâu nay. Ảnh: Trần Thanh

Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, nhiều bể chứa nước của công trình NSH ở bản trong tình trạng bỏ hoang. Ông Phạm Văn Ốt, phàn nàn: “Nhiều năm rồi, công trình NSH của bản không phát huy hiệu quả, ít nhất có 3 bể chứa bị bỏ hoang, một số bể đường ống vẫn còn song lại không có nước. Dân trong bản đều khó khăn về kinh tế, nhưng do nhu cầu sinh hoạt các hộ phải vay mượn tiền để mua ống dẫn nước từ các mó, có hộ dân phải mua đến 2.000m ống”. Thông qua nguồn vốn của các Chương trình 134, 135, mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã Phú Sơn được đầu tư 5 công trình NSH ở 5 bản. Hiện tại, chỉ còn một số bể chứa nước ở bản Chiềng và bản Tai Giác còn phát huy hiệu quả, nhưng vào mùa khô cũng không có nước. Các công trình NSH còn lại ở các bản đều trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang. Theo ông Phạm Văn Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân địa phương là Nhà nước sớm hỗ trợ đầu tư khoan giếng tại các gia đình.

Tương tự, công trình NSH tự chảy tại bản Na Ấu, xã Tam Thanh (Quan Sơn) nhiều năm qua không sử dụng được do không có nước, gây ra sự bức xúc trong nhân dân, lãnh phí ngân sách Nhà nước. Vì công trình không phát huy hiệu quả, dân bản đã tự đầu tư hệ thống giếng khoan, cung cấp nguồn NSH ổn định cho hơn 30 hộ dân. Tổng giá trị công trình chưa đến 30 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Có thể nói, khâu khảo sát thiết kế để chọn giải pháp phù hợp trong xây dựng chính là sự bất hợp lý của công trình NSH ở bản Na Ấu.

Khu vực miền núi trong tỉnh hiện có 493 công trình NSH. Trong đó, có 485 công trình cấp NSH tự chảy, phục vụ cho khoảng 73.480 người dân. Các công trình NSH được đầu tư từ nguồn vốn các Chương trình 134, 135, mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Việc đầu tư xây dựng các công trình NSH ở khu vực miền núi là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có tính chất an sinh xã hội. Nhiều công trình cấp NSH đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, có không ít các công trình NSH không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, bức xúc trong nhân dân. Theo khảo sát của Trung tâm NSH và vệ sinh môi trường, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong tổng số công trình cấp NSH tự chảy, có 103 công trình bị hư hỏng phải ngừng hoạt động, 138 công trình kém chất lượng, bị hư hỏng đường ống, bể chứa. Trong đó, huyện Quan Hóa có 27 công trình ngừng hoạt động, huyện Quan Sơn có 20 công trình, huyện Lang Chánh có 15 công trình, huyện Thường Xuân có 13 công trình.

Nhiều công trình NSH khu vực miền núi không phát huy hiệu quả, hoặc hiệu quả sử dụng thấp một phần nguyên nhân là do hầu hết các công trình được xây dựng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi và thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Một số diện tích đất rừng ở các huyện miền núi bị chặt phá hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, làm cho nguồn nước ở các mó, khe suối bị cạn kiệt. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, phải kể đến công tác khảo sát xây dựng các công trình NSH còn nhiều sai sót nên việc xác định quy mô đầu tư, giải pháp kỹ thuật chưa khả thi. Ở nhiều địa phương, việc xây lắp các công trình NSH chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước, dẫn đến các công trình vào mùa khô luôn trong tình trạng thiếu nước, số khác thì không sử dụng được. Nhiều vị trí bể lọc, bể chia nước không phù hợp với khu dân cư, có nơi chỉ có 4 đến 5 hộ dân sử dụng nhưng đặt tới 2 bể nước; có nơi nhiều hộ dân sinh sống nhưng lại bố trí ít bể nước. Ví như: Công trình NSH ở xã Văn Nho (Bá Thước) hay xã Trí Nang (Lang Chánh) có nhiều hộ dân sử dụng nhưng chỉ bố trí 1 bể chứa nước. Bên cạnh đó, khâu thiết kế, xây lắp một số hạng mục của công trình NSH chưa bảo đảm chất lượng. Minh chứng là nhiều đường ống dẫn nước của công trình NSH ở các xã Tam Thanh (Quan Sơn), Tam Văn (Lang Chánh), Thạch Lập (Ngọc Lặc), Thành Minh (Thạch Thành) thiết kế qua khe, suối nhưng không có trụ đỡ, cáp neo nên đã bị nước lũ cuốn trôi. Hay công trình NSH của các xã Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Xuân (Như Xuân), Mường Lý, Mường Chanh (Mường Lát), quá trình thi công chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, đa số nổi trên mặt đất, súc vật, phương tiện giao thông đi lại làm hư hỏng. Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến nguyên nhân, công tác giám sát thi công của chủ đầu tư còn hạn chế, đa số không sử dụng khâu giám sát cộng đồng, cơ bản giao khoán cho bên thi công tự giám sát. Vì vậy, chất lượng xây lắp các công trình NSH ở nhiều huyện thấp, chỉ sử dụng được một thời gian đã xuống cấp, phổ biến nhất là đường ống dẫn nước bị hư hỏng, các bể chứa bị nứt, bung tróc, thấm tường, nước rò rỉ. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư ở nhiều thôn, bản còn yếu kém. Hầu hết các thôn, bản chưa có quy chế quản lý, vận hành công trình, dẫn đến việc vệ sinh nguồn nước, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng hầu như không có. Đáng nói hơn, ý thức sử dụng, bảo quản công trình của một bộ phận người dân chưa tốt, nhiều công trình NSH bị đục ống dẫn nước, tháo van điều tiết. Đời sống nhân dân ở các địa bàn được thụ hưởng công trình còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khó huy động nguồn đóng góp để duy tu, bảo dưỡng hàng năm.

Để nâng cao hiệu quả các công trình NSH, ngoài việc sửa chữa những hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo quản, sử dụng công trình.


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]