(Baothanhhoa.vn) - “Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”... Mỗi dịp tháng 5 về, câu hát ấy lại ngân vang cùng tất cả niềm yêu mến, kính trọng, biết ơn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”

“Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”... Mỗi dịp tháng 5 về, câu hát ấy lại ngân vang cùng tất cả niềm yêu mến, kính trọng, biết ơn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”Ông Khoáng đã dành cả cuộc đời mình để học tập và làm theo tấm gương của Bác và gặt hái nhiều "trái ngọt".

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đoàn Quý Khoáng (TP Thanh Hóa) trong những ngày tháng 5 nhớ Bác. Đã từ lâu, vào mỗi dịp tháng 5, ngôi nhà của ông Khoáng vẫn thường đón các vị khách tới thăm, hỏi chuyện về Bác Hồ. Ông Khoáng tâm sự: “Tôi nay cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, sức khỏe có phần giảm sút, trí nhớ cũng không còn minh mẫn như xưa”. Ấy vậy mà, từng ký ức, chi tiết nhỏ nhất trong những giờ phút được gặp mặt Bác Hồ vào thời điểm năm 1961, khi còn là phó bí thư chi bộ, phó chủ nhiệm HTX cơ khí Thành Công vẫn mãi như thước phim quay chậm, hiển hiện chân thực, rõ nét trong tâm trí ông Khoáng.

Năm 1961, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 4. Trong chuyến thăm này, sáng ngày 11-12, sau khi ghé thăm HTX Yên Trường (Yên Định), Bác tiếp tục di chuyển đến thăm HTX cơ khí Thành Công. Lúc bấy giờ, HTX cơ khí Thành Công là lá cờ đầu của phong trào HTX tiểu thủ công nghiệp toàn miền Bắc. Ông Khoáng vinh dự là người trực tiếp dẫn đoàn, trò chuyện, đưa Bác đi tham quan HTX. Ông Khoáng kể: “Đáng ra, theo thông báo mà chúng tôi nhận được, Bác sẽ đến thăm HTX vào khoảng 2 giờ chiều nhưng khi phi cơ đáp xuống Sân bay Lai Thành thì hãy còn sớm nên Bác quyết định đi đến HTX luôn”.

Được tin Bác Hồ sẽ ghé thăm, ai ai trong HTX cũng háo hức mong chờ, vui mừng khôn xiết. Sau khi công tác chuẩn bị đón tiếp Bác được thực hiện chu đáo, mọi người tranh thủ về nghỉ ngơi. Ngày hôm ấy, ông Khoáng được phân công ở lại HTX để trực. Khoảng gần 11 giờ, ông Khoáng lắng tai nghe có tiếng xe ô tô tiến đến ngày càng gần. Khi ông chạy ra đến nơi thì Bác Hồ cùng đoàn đã đứng ngay ở cổng HTX. Trong niềm vui sướng, xúc động và bất ngờ, ông Khoáng có đôi chút lúng túng, Bác Hồ chủ động bắt tay ông Khoáng. “Khi ấy, Bác Hồ ăn mặc rất giản dị, mọi cử chỉ, hành động khoan thai, mực thước mà gần gũi, thân tình” - ông Khoáng kể.

Khi tham quan HTX, đầu tiên, ông Khoáng đưa Bác đến phân xưởng tiện - một trong những phân xưởng có nhiều máy móc hoạt động nhất của HTX. Bác ra hiệu cho các xã viên cứ tiếp tục làm việc, rồi Bác quan sát hoạt động sản xuất, gặp gỡ, trò chuyện với xã viên.

- Máy móc này các cô, các chú mua ở đâu? Bác hỏi.

- Đây là loại máy tiện chuyên dùng để sản xuất phụ tùng xe đạp do cán bộ kỹ thuật tay nghề cao của HTX tự thiết kế, không phải mua thưa Bác! Ông Khoáng đáp lời.

Nói rồi Bác quay sang hỏi chuyện công việc, cuộc sống của một xã viên, sau đó tiếp tục đi tham quan HTX. Khoảng nửa tiếng sau, Bác nói: Chú về tập hợp anh chị em xã viên trong HTX để Bác nói chuyện.

Ông Khoáng chia sẻ: “Khó khăn là HTX không có hội trường tập trung, trong khi đó Nhân dân sống gần khu HTX hay tin Bác Hồ về thăm đã kéo đến rất đông, vây quanh HTX chật kín người. Ai cũng chỉ mong thỏa ước ao được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ một lần trong đời như niềm vinh dự lớn lao”. Không thể để Bác chờ lâu, ông Khoáng nhanh trí nghĩ ra cách lấy khoảng sân trống giữa phân xưởng rèn và phân xưởng nguội làm chỗ cho mọi người tập trung, nghe Bác trò chuyện. Chẳng cầu kỳ, bày vẽ, buổi nói chuyện diễn ra với chỉ một chiếc bàn được đặt tạm giữa sân. Bác Hồ mở đầu câu chuyện một cách thân tình:

- “Hôm nay về thăm HTX cơ khí Thành Công, Bác nói chuyện nhé”.

Cả một khoảng sân HTX huyên náo trong tiếng vỗ tay ào ạt của đông đảo mọi người. Ông Khoáng bộc bạch, trong giọng nói không giấu nổi niềm rưng rưng xúc động: “Hơn 60 năm đã trôi qua, có một câu nói của Bác Hồ khiến tôi nhớ mãi”. Trước mọi người, Bác Hồ ôn tồn nói: “Các cô, các chú có cái tên đẹp lắm - HTX cơ khí Thành Công. Mà đã thành công rồi thì phải làm cho thành công mãi”. Lời Bác nói như có ý ngợi khen. Tiếp tục câu chuyện, Bác căn dặn: “Các cô, các chú vào HTX thì phải quan tâm làm cho HTX ngày một lớn mạnh. Trong sản xuất thì phải làm cho đẹp, cho tốt và rẻ, làm không được làm hỏng, làm hỏng thì chỉ có thể vứt bỏ đi vì không thể ăn được”.

“Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”Ký ức được gặp gỡ, trò chuyện với Bác Hồ là niềm vinh dự, tự hào trong cuộc đời ông Đoàn Quý Khoáng (TP Thanh Hóa).

Người đến HTX ngày càng đông; nhiều người dân, thanh, thiếu niên bơi qua sông vào HTX để mong được gặp Bác. Để đảm bảo an toàn cho Bác, buổi nói chuyện phải tạm dừng, Bác Hồ rời đi trong sự lưu luyến, thương yêu của đông đảo cán bộ, xã viên HTX cơ khí Thành Công và Nhân dân.

Trong những ngày tháng 5 này, nhớ lại kỷ niệm ấy, ông Khoáng vẫn dâng trào xúc cảm, như đang sống lại trong những giây phút thiêng liêng ấy. Ông chân thành chia sẻ: “Đời người được gặp Bác Hồ dẫu chỉ một lần đã là may mắn, sung sướng lắm rồi”. Những lời Bác nói trong buổi trò chuyện cùng xã viên HTX cơ khí Thành Công và quần chúng Nhân dân đến hôm nay ông Khoáng vẫn cảm thấy sâu sắc, thông tuệ.

Mang theo niềm vinh dự, tự hào được gặp Bác, trong suốt cuộc đời, ông Khoáng vẫn luôn tâm niệm một điều: “Sống, làm việc, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, ông Khoáng không ngừng học tập, rèn luyện, vận dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn quá trình công tác. Qua nhiều nỗ lực, cố gắng học hỏi, năm 1964, ông Khoáng được UBND tỉnh điều về làm phó phòng công nghiệp của Ty Công nghiệp Thanh Hóa (nay là Sở Công Thương Thanh Hóa) để tập trung chỉ đạo xây dựng các HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Giai đoạn 1972-1980, ông Khoáng làm phó phòng kế hoạch, sau đó là trưởng phòng kế hoạch, Ty Công nghiệp Thanh Hóa. Từ năm 1980-1994, ông Khoáng đảm nhận chức vụ Giám đốc Xí nghiệp giấy Lam Sơn, Sở Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho đến khi nghỉ hưu. Về địa phương, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác mặt trận, làm Phó Bí thư Chi bộ phố 3, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa khoảng gần 10 năm. Trải qua nhiều công việc, chức vụ khác nhau, ở bất kỳ lĩnh vực nào ông Khoáng cũng tận tâm, tận lực cống hiến. Với 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành... chẳng đủ để nói lên một đời người nhưng phần nào cho thấy nỗ lực phấn đấu của ông Khoáng.

92 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, dẫu ở dấu mốc nào, hai tiếng Bác Hồ vẫn luôn là niềm tin, động lực trong trái tim ông. Điều quan trọng hơn tất thảy, tình cảm yêu mến, trân trọng, câu chuyện kể về lần được gặp Bác Hồ của ông Khoáng như mạch nguồn chảy mãi, trở thành truyền thống gia đình. Gia đình ông Khoáng có 7 người con, trong đó 4 người là đảng viên, 1 người có học vị tiến sĩ. Ông Khoáng khiêm tốn chia sẻ: “Sự trưởng thành, nối tiếp truyền thống gia đình của các con chính là thành quả lớn nhất mà tôi có được trong suốt cả quãng đời học tập và làm theo Bác. Tôi vui vì các thế hệ sau của gia đình đã và đang nỗ lực phấn đấu, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước”.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]