(Baothanhhoa.vn) - Tự khi là "con ngựa bất kham" nơi thượng nguồn, sông Mã vẽ những đường cong mềm mại đi qua xóm làng, bờ bãi xuôi về TP Thanh Hóa. Với địa thế "rồng vờn hạt ngọc, hạc bay chân thành", TP Thanh Hóa trải dọc đôi bờ sông Mã, thấm đượm phù sa mà dệt nên những danh lam thắng cảnh, vỉa tầng lịch sử văn hóa, trở thành tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, độc đáo, hấp dẫn ít nơi nào có được.

Một “tiểu vùng” lịch sử - văn hóa bên bờ sông Mã

Tự khi là “con ngựa bất kham” nơi thượng nguồn, sông Mã vẽ những đường cong mềm mại đi qua xóm làng, bờ bãi xuôi về TP Thanh Hóa. Với địa thế “rồng vờn hạt ngọc, hạc bay chân thành”, TP Thanh Hóa trải dọc đôi bờ sông Mã, thấm đượm phù sa mà dệt nên những danh lam thắng cảnh, vỉa tầng lịch sử văn hóa, trở thành tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, độc đáo, hấp dẫn ít nơi nào có được.

Một “tiểu vùng” lịch sử - văn hóa bên bờ sông MãVới những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” (Trung tâm phát triển du lịch sông Mã) góp phần quảng bá văn hóa sông Mã, nét đẹp đất và người xứ Thanh đến đông đảo du khách.

Nếu ví xứ Thanh như một “Việt Nam thu nhỏ” thì sẽ không là nói quá khi nhận định TP Thanh Hóa tựa hồ “tiểu vùng” danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa bên dòng Mã giang. Với 23 di tích cấp quốc gia và 75 di tích cấp tỉnh, TP Thanh Hóa không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xứ Thanh mà còn là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và giàu truyền thống cách mạng. Vì lẽ đó, TP Thanh Hóa được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình về với xứ Thanh. Đó là chiều sâu “tâm hồn” làm nên sức hấp dẫn, độc đáo, lợi thế của thành phố trẻ này.

Về với xứ Thanh, về với TP Thanh Hóa, du khách như đang lạc vào miền lịch sử - văn hóa trải dài tự thuở “bình minh loài người” đến hôm nay và mai sau.

Thanh Hóa nói chung, TP Thanh Hóa nói riêng nổi bật so với cả nước về các di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa không chỉ bởi số lượng mà cả về mặt giá trị, ý nghĩa, tính độc đáo. Trên địa bàn, hiện nay còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ, di tích tiêu biểu, song hành với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Có thể nói, những trang sử hào hùng nhất, những dấu mốc lịch sử quan trọng nhất của dải đất hình chữ S này đều ghi đậm công lao, đóng góp của đất và người xứ Thanh.

Ánh sáng “bình minh núi Đọ” bắt đầu soi chiếu những trang sử đầu tiên kể từ khi “đoàn người vượn ở đây giã biệt đời sống thú vật để đứng thẳng lên làm người”. Từ “vành nôi” núi Đọ đến ngôi làng cổ bên bờ sông Mã hiển lộ một nền văn hóa, văn minh lẫy lừng, rực rỡ mang tên: Văn hóa Đông Sơn. Như một định mệnh, một sự lựa chọn và chỉ dẫn của lịch sử, những hiểu biết về nền văn hóa Đông Sơn xuất phát từ việc một người dân sinh sống ở ngôi làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) tình cờ tìm thấy một số hiện vật làm bằng đồng bên bờ hữu ngạn sông Mã. Sau đó, các hiện vật này được một người Pháp chuyên săn lùng đồ cổ là PaJot mua lại. Năm 1929, những hiện vật ấy được học giả người Pháp V.Golubew công bố trên toàn thế giới. Kể từ đó, tên của ngôi làng nhỏ ở xứ Thanh - nơi đầu tiên phát hiện ra những dấu tích của nền văn hóa này đã trở thành tên gọi cho cả một nền văn hóa rực rỡ thuộc thời đại kim khí cách đây 2.000 - 3.000 năm, thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ. Trong số hàng ngàn di vật đó, “những chiếc trống đồng nổi lên như vầng mặt trời soi sáng chói lọi trên bầu trời Đông Sơn - Đông Nam Á”. Qua những gì được tìm thấy ở “kho báu” di chỉ Đông Sơn - Hàm Rồng, nhà bác học Nga nổi tiếng R. Yuvipperơ đã nhận định: “Từ buổi ban đầu thời đại đồ đá cũ, châu Âu cổ đại đã phải quay mặt về phương Đông”.

Sau khi đã đắm mình trong hành trình tìm về cội nguồn, TP Thanh Hóa níu chân du khách qua các miền danh thắng, di tích văn hóa, lễ hội, ẩm thực đặc sắc. Đó là điều kiện lý tưởng để TP Thanh Hóa có thể khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác nhau như: du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghiên cứu lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí... Mỗi một danh thắng, di tích trên địa bàn TP Thanh Hóa có sự hòa quyện giữa tự nhiên - con người - lịch sử văn hóa để cùng viết nên trang sử, khúc ca đẹp về đất và người nơi đây, tạo nên bản sắc riêng trong tài nguyên du lịch TP Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Đó là địa danh Hàm Rồng - sông Mã, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ. Vắt ngang dòng sông Mã, cầu Hàm Rồng đôi nhịp vẫn hát vang mãi bản anh hùng ca bất tử, ca ngợi chiến công của quân và dân Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong lồng lộng đất trời quê Thanh, đứng trên cây cầu Hàm Rồng hay ngọn đồi C4, hướng tầm mắt ra tứ bề sông núi mà như bỗng thấy yêu hơn cảnh sắc quê hương và xiết bao tự hào về thiên trường ca lịch sử. Một điệu hò mênh mang sóng nước, khi thì dìu dặt khoan thai, lúc trầm hùng theo những chuyến hành trình ngược xuôi sông Mã neo đậu vào lòng người.

Bức tranh du lịch thành phố là tổng hòa sắc thái, diện mạo của những di tích, công trình văn hóa - tâm linh tiêu biểu như: Thái miếu nhà Hậu Lê; Đền thờ Dương Đình Nghệ; Lăng quận mãn Lê Trung Nghĩa, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài Lê Lợi; Quảng trường Lam Sơn; Quảng trường Hàm Rồng; Công viên Hội An; Công viên Thanh Quảng; Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng; Tượng đài Nữ sinh Hàm Rồng, Tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, Bảo tàng Thanh Hóa; Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, chùa Đại Bi, chùa Thanh Hà, chùa Tăng Phúc, Đông Sơn cổ tự...

Gắn với hệ thống di tích, công trình văn hóa - tâm linh là các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Lễ hội truyền thống là nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, là linh hồn của mỗi địa phương, mỗi điểm đến du lịch. Lễ hội ở Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, mang nhiều màu sắc đặc trưng của từng tập tục, lề thói riêng biệt, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội: lễ hội tín ngưỡng, lễ hội văn hóa gắn với lịch sử và lễ hội dân gian gắn với truyền thống. Theo thống kê sơ bộ, TP Thanh Hóa hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống, có nhiều lễ hội thu hút khách thập phương trong và ngoài tỉnh về dự, dâng hương và tham quan như: Lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê, lễ hội truyền thống làng cổ Đông Sơn, lễ hội đền Tống Duy Tân, lễ hội đền Chu Văn Lương, lễ hội Phủ Bà, lễ hội đền Ái Sơn, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, lễ hội đền Hạ, lễ hội Trần Hưng Đạo... Là di sản văn hóa của đất và người qua biết bao thăng trầm thời gian, biến ảo lịch sử, lễ hội là dịp sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống nhằm thỏa mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của Nhân dân...

Cùng với đó, trò chơi, trò diễn dân gian cũng là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong lễ hội truyền thống. TP Thanh Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung được xem là một trong những nơi có số lượng các trò diễn dân gian phong phú và đặc sắc trong cả nước. Đó là điều kiện thuận lợi để du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về loại hình nghệ thuật dân gian hấp dẫn do chính người dân lao động sáng tạo ra. Đây là cơ hội để quảng bá và tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo của xứ Thanh. Các trò chơi, trò diễn độc đáo, tiêu biểu của TP Thanh Hóa như: trò hát múa Tú Huần (xã Hoằng Quang); chạy chữ “Thiên, Hạ, Thái, Bình”, trò chơi dân gian bịt mắt tung cù (phường Quảng Thắng); làn điệu “Hò sông Mã” (bao gồm các phường, xã dọc 2 bên bờ sông Mã như: Nam Ngạn, Hàm Rồng, Tào Xuyên, Long Anh, Hoằng Quang, Thiệu Khánh, Thiệu Dương); cờ người, bài điếm, tổ tôm, cờ thẻ (phường Đông Vệ)...

Ngoài ra, TP Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch làng nghề như: nghề làm hương Quán Giò, làng nghề bánh đa nem Cầu Bố, làng nghề men rượu và rượu làng Quảng; nghề đúc đồng; nghề trạm khắc đá An Hoạch, làng hoa Đông Cương, nghề làm nem chua Đông Hương...

Du lịch qua miền ẩm thực xứ Thanh, du khách vương vấn mãi hương vị nem chua, chả tôm, bánh cuốn, cháo lươn, bánh khoái tép, bánh khoái nồi rang, nộm rau má...

Thành phố trẻ mang trong mình hai thái cực, đan xen giữa quá khứ - hiện tại, lịch sử - tương lai, hoài cổ - hiện đại. Nếu nói rằng “tiềm năng du lịch cái gì cũng có”. Điều quan trọng là “tiểu vùng” lịch sử - văn hóa, thắng cảnh, di tích ấy bấy lâu nay dường như vẫn đang thiếu “sự điều khiển, sắp đặt” bài bản, định hướng phát triển bền vững để chắp cánh du lịch TP Thanh Hóa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]