(Baothanhhoa.vn) - Trung Thành (Nông Cống) là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống làng, xã. Những di tích lịch sử - văn hóa, những làn điệu chèo thờ hấp dẫn, trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo vẫn được các thế hệ cháu con nơi đây bảo tồn, phát huy như mạch nguồn chảy mãi.

Mạch nguồn văn hóa truyền thống xã Trung Thành

Trung Thành (Nông Cống) là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống làng, xã. Những di tích lịch sử - văn hóa, những làn điệu chèo thờ hấp dẫn, trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo vẫn được các thế hệ cháu con nơi đây bảo tồn, phát huy như mạch nguồn chảy mãi.

Mạch nguồn văn hóa truyền thống xã Trung ThànhĐoàn chèo nước thực hiện nghi thức rước Thánh về đền Tam Giang trong Lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành, Nông Cống).

Xã Trung Thành nổi tiếng nhất với di tích đền Mưng gắn với lễ hội đền Mưng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Số phận ngôi đền thiêng trải qua nhiều phen sóng gió, có thời điểm phải di dời, sau đó bị phá hủy hoàn toàn. Trong những nỗ lực, thành tâm của các thế hệ con cháu nơi đây, các nhà hảo tâm cùng sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía các cấp, các ngành, đền Mưng được trùng tu, tôn tạo. Năm 1994, đền Mưng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trải qua biết bao thăng trầm thời gian, biến ảo lịch sử, đền Mưng là địa chỉ tâm linh, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, gửi gắm mong cầu, ước vọng của Nhân dân về cuộc sống no ấm, hạnh phúc, bình an...

Đền Mưng gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Tham Xung Tá Quốc tôn thần. Tương truyền, con trai thứ 3 của Thái thú Lê Ngọc thời nhà Tùy, có tên húy là Hữu, tước vị Tham Xung Tá Quốc do không chịu khuất phục nhà Đường, với sự ủng hộ của Nhân dân, ông đã tụ binh khởi nghĩa. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá lớn nên cuộc chiến đấu thất bại. Ông đã bị quân giặc bao vây, trong một trận giao tranh sinh tử và bị giặc chém rơi đầu... Ông ôm đầu lên và tiếp tục thúc ngựa chạy về đến núi Côn Minh bên dòng Lãng Giang hét lên một tiếng, ném đầu xuống sông và hiển thánh vào ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch. Người chị gái của ông khi hay biết tin người em trai hy sinh đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn, xác trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa ba sông là sông Lãng, sông Hoàng và sông Yên thì nổi lên, được Nhân dân vớt lên an táng. Ghi nhớ công ơn ấy, Nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ. Đến thời Hậu Lê, Nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là đền Mưng, làng Côn Sơn, xã Trung Thành như đã có hôm nay.

Tại không gian đền Mưng, hằng năm, lễ hội đền Mưng được tổ chức với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa - văn nghệ dân gian, thể thao truyền thống như: hát chèo thờ, rước Thánh, đua thuyền... Đúng như câu ca được lưu truyền: “Trên đền trò hát, dưới sông chèo thuyền”, sự đa dạng, phong phú các hoạt động, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, lễ hội đền Mưng được xem là “linh hồn” của bức tranh văn hóa truyền thống xã Trung Thành nói riêng, huyện Nông Cống nói chung.

Nổi bật nhất trong lễ hội đền Mưng là trò hát chèo thờ. Hát chèo thờ là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo với nhiều nét riêng biệt. Nếu các làn điệu chèo của vùng đồng bằng Bắc bộ thường tập trung luyến láy âm i thì đối với hát chèo thờ xã Trung Thành lại tập trung luyến láy ở âm a (thường gọi là chèo a). Nội dung của trò hát chèo thờ đền Mưng có 28 làn điệu và 4 tấn (vở) thường xuyên được trình diễn là: Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình và Tống Trân - Cúc Hoa. Theo “Nghệ thuật hát chèo thờ” của tác giả Phạm Minh Khang cho biết: hát chèo thờ đền Mưng “được kết cấu theo hình thức sân khấu tự sự, vở diễn như là kể chuyện bằng hành động, không chia màn cắt cảnh. Nhân vật chỉ cần nói một câu hoặc đi một vòng sân khấu là không gian đã luân chuyển từ nơi này sang nơi khác, thời gian và không gian đạt đến tính ước lệ rất cao. Trong hệ thống bài bản của nghệ thuật chèo thờ thường có một số làn điệu như: đường trường, sắp, vãn, sử, sa lệch, hát cách, hát nói (ngâm, vỉa, nói lối), hề và những bài không có tên gọi trong hệ thống. Mỗi làn hát trong trò hát thờ đều mang tính hoàn chỉnh như một ca khúc và tất cả chúng đều mang âm điệu của dân ca Thanh Hóa. Nghĩa là chèo thờ làng Mưng có làn điệu riêng và có đặc trưng riêng”.

Sáng mùng 5-3 âm lịch, sau cuộc đại tế, hát chèo cạn bắt đầu diễn ra tại sân đền Mưng. Đạo cụ của hát chèo cạn là một thuyền rồng khung bằng tre đan, xung quanh bọc vải đỏ, thuyền không có đáy, đầu thuyền hướng về phía chính tẩm, thuyền được đặt giữa sân. Trong khoang thuyền có từ 7 - 9 nữ quan mặc áo mớ ba mớ bảy, yếm đào, đầu vấn khăn... xếp thành hai hàng dọc theo mạn thuyền, người ở giữa tay cầm trống gõ. Hai bên mạn thuyền, mỗi người cầm một mái chèo, miệng hát tay chèo theo nhịp trống. Nội dung bài hát ca ngợi công ơn đức thánh và mừng làng nhân khang vật thịnh với giai điệu trang nghiêm, cung kính.

Nếu chèo cạn được tổ chức ở khu vực sân đền thì chèo nước lại diễn ra trên dòng sông Lãng. Đạo cụ của hát chèo nước được chuẩn bị kỹ lưỡng, trang trí công phu, đẹp mắt. Tất cả các mũi thuyền đều quay về xuôi, thực hiện nghi thức rước Thánh về đền Tam Giang cách đó khoảng gần 10km. Trên đoạn đường sông từ đền Mưng đến đền Tam Giang, các thuyền nối đuôi nhau theo nhịp chèo, tiếng hò vang vọng dòng sông. Nhiều khi xuất hiện lối hát đối đáp giữa người chèo dưới thuyền với người dân các làng dọc bờ sông. Ví như: “Thuyền rồng đã đến vực Si/ Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?/ Gái làng Vặng đang xáo cỏ cà/ Nghe tiếng thuyền trải em ra mừng thuyền”.

Bên cạnh đền Mưng và lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành vinh dự, tự hào là địa phương có hai ngôi đền thờ Bà Triệu đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại thôn Yên Dân và thôn Đông Yên. Vào ngày 22–2 âm lịch hằng năm, tại hai di tích này đều diễn ra lễ hội truyền thống với các hoạt động tiêu biểu, đặc sắc như: rước voi, rước ngựa...

Những ngôi đền, chùa phảng phất khói hương thành kính; không gian lễ hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, thể thao hòa quyện vào nhau dệt nên tổng thể bức tranh làng xã sinh động sắc màu. Chẳng ai khác, tác giả của bức tranh ấy là tập thể Nhân dân, các thế hệ cháu con của xã Trung Thành cùng nhau chung tay góp sức gìn giữ, phát huy truyền thống. Sinh ra và lớn lên trong mạch nguồn văn hóa ấy, ngay từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Dụng (xã Trung Thành) đã say mê diễn xướng chèo thờ của quê hương. Bà theo chân ông nội, bố, các nghệ nhân trong làng học từng cách lấy hơi, cách luyến láy trong từng câu hát sao cho mượt mà, uyển chuyển, động tác thuần thục. Những năm hòa bình lập lại, đền Mưng được trùng tu, tôn tạo, với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết, bà Dụng cùng một số nghệ nhân trong làng trăn trở, đầu tư công sức, thời gian khôi phục lại trò hát chèo thờ của địa phương. Đến nay, dẫu đã “có tuổi” nhưng bà Dụng vẫn luôn là một trong những “hạt nhân” của phong trào văn hóa văn nghệ ở làng xã. Bà Dụng chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã sống gần như vẹn tròn với quê hương. Chỉ mong sao có thể đóng góp tâm sức, “tiếp lửa” cho các thế hệ sau thêm yêu, thêm quý, gìn giữ, phát huy tốt di sản văn hóa quý báu của làng xã”.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]