(Baothanhhoa.vn) - Người phụ nữ Việt – dẫu truyền thống hay hiện đại, tựu chung lại vẫn luôn đề cao tấm lòng bao dung, nhân ái, vị tha. Đó là một phần làm nên chân dung tâm hồn, cốt cách, giá trị người phụ nữ Việt xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Lòng nhân ái - giá trị cốt lõi của phụ nữ Việt mọi thời đại

Người phụ nữ Việt – dẫu truyền thống hay hiện đại, tựu chung lại vẫn luôn đề cao tấm lòng bao dung, nhân ái, vị tha. Đó là một phần làm nên chân dung tâm hồn, cốt cách, giá trị người phụ nữ Việt xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Lòng nhân ái - giá trị cốt lõi của phụ nữ Việt mọi thời đạiChị Nguyễn Thị Hồng (ngoài cùng bên trái) – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn miền Tây, trưởng ban chương trình “Kết nối yêu thương lan tỏa nhân ái” là điển hình trong hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo. Ảnh: Hương Thảo

Mẹ - Danh từ chung nhưng cũng là tình cảm thiêng liêng, riêng nhất trong cuộc đời mỗi người không gì có thể thay thế được. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành tất cả tâm tư, tình cảm dạt dào về mẹ mà viết nên đoản văn “Bông hồng cài áo” lay động trái tim biết bao thế hệ độc giả: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành”. Có mẹ tuyệt vời đến thế nhưng cuộc đời vốn không công bằng. Đại dịch COVID-19 đã trắng trợn cướp đi hơi thở, mạng sống của biết bao con người, đẩy 2.093 trẻ em vào hoàn cảnh mồ côi, không nơi nương tựa, trong đó, có 1.970 trẻ mất cha hoặc mẹ (theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thời điểm đầu tháng 10-2021). Có những đứa trẻ bất hạnh ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, chưa một giây phút nào được thụ hương vị thơm ngon nhất cuộc đời – đó là sữa mẹ.

Để kịp thời chia sẻ những mất mát với trẻ em mồ côi, cùng với nỗ lực, chung tay góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam – tổ chức hội, “mái nhà chung” của những người phụ nữ - người mẹ trên dải đất hình chữ S này đã phát động và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” đầy nhân ái, thấm đẫm tình đời, tình người. Với ý nghĩa nhân văn cao cả, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Xứ Thanh – mảnh đất luôn đề cao lẽ sống nhân văn, tinh thần sẻ chia, vì cộng đồng đã tích cực, hăng hái nhập cuộc. Theo phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã khảo sát, đánh giá thực trạng và lập danh sách hơn 4.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần nhận đỡ đầu. Đến nay, đã có 1.281 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hội nhận đỡ đầu và kết nối với các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu thông qua tổ chức hội.

Từ “trái tim lớn” là Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, những nhịp đập yêu thương được kết nối, lan tỏa đến đông đảo tổ chức, cá nhân, góp phần viết nên nhiều câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng.

Như câu chuyện về hành trình thiện nguyện của chị Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Thọ Xuân) – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn miền Tây, trưởng ban Chương trình “Kết nối yêu thương lan tỏa nhân ái”. Không chỉ là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, bằng tất cả tấm lòng của người mẹ, tinh thần sẻ chia, nhân ái, vì cộng đồng, chị Hồng vẫn luôn âm thầm giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hướng tới tương lai. “Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương” là một trong những dấu mốc đặc biệt trong hành trình thiện nguyện của chị. Hiện nay, chị Hồng đang nhận đỡ đầu, hỗ trợ 14 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi do dịch COVID-19.

Trong số những đứa trẻ được chị Hồng nhận nuôi, em Nguyễn Hoài Thu, sinh năm 2008, xã Thuận Minh (Thọ Xuân) có điều kiện gần gũi “mẹ Hồng” nhất. Hoài Thu sinh ra đã thiếu vắng hơi ấm tình thương của bố. Để mưu sinh, 2 mẹ con dắt díu nhau vào Bình Dương tìm kiếm việc làm. Cuộc sống tuy vất vả, khó khăn nhưng mẹ con nương tựa nhau trong niềm vui, hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thật mong manh trước biến cố cuộc đời, tháng 10-2021 mẹ của em bị COVID-19 không qua khỏi. Trong thời gian thực hiện giãn cách, Thu phải sống nhờ gia đình người chú họ ở Bình Dương. Hiện em đã trở về quê sống cùng bà ngoại đã gần 90 tuổi, thuộc diện hộ nghèo. Thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, chị Hồng kết hợp với Hội LHPN huyện Thọ Xuân hỗ trợ, nhận đỡ đầu để em ổn định cuộc sống, có điểm tựa để vươn lên. Em Nguyễn Hoài Thu chia sẻ: “Mẹ Hồng” vẫn thường gọi điện cho con hỏi han tình hình sức khỏe, động viên, quan tâm việc học tập như thế nào, khó khăn ra sao thì nói mẹ giúp. Có nhiều khi mẹ đón đến nhà chơi, mua cho quần áo mới, sách vở đi học. Con rất biết ơn về tất cả những gì “mẹ Hồng” đã dành cho con và bà”.

“Mẹ Hồng” quan tâm, yêu thương, chăm sóc các con là thế nhưng cũng có nguyên tắc nuôi dạy con của mình. Với chị, chị không chiều chuộng con cái một cách vô lối mà luôn chọn cách lắng nghe, chia sẻ, dạy bảo con từ cách ăn ở, sinh hoạt, các vấn đề tâm sinh lý đến điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Được nhìn thấy các con vui, khỏe, thay đổi từng ngày là món quà, nguồn động lực lớn nhất để chị có thêm niềm tin, nghị lực tiếp tục nối dài hành trình thiện nguyện.

Trước khi tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chị Nguyễn Thị Hồng đã được biết đến trong các hoạt động thiện nguyện. Từ những ngày hai vợ chồng chị Hồng gian nan khởi nghiệp đến nay, họ đã mang yêu thương trên những chuyến thiện nguyện của mình nhằm sẻ chia, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, thiếu khó trong cuộc sống thông qua nhiều dự án ý nghĩa, thiết thực với giá trị hàng tỷ đồng. Từ năm 2007 đến nay đã hỗ trợ xây 33 nhà mái ấm tình thương trị giá 920 triệu đồng; ủng hộ xây dựng nông thôn mới; trao sổ tiết kiệm cho người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí cho các cháu tật nguyền; ủng hộ ngày vì người nghèo; hỗ trợ gạo, ủng hộ nhân lực, vật lực phòng chống bão lụt; thực hiện Dự án “Ươm mầm trí tuệ, thắp sáng vùng cao”, trao tặng hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập có lưu trữ cho 15 điểm trường tại huyện Mường Lát...

Trong đại dịch COVID-19, chị không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế mà còn kiên cường đồng hành, trách nhiệm với xã hội, xây dựng chương trình “Kết nối yêu thương, lan tỏa nhân ái”. Trong 2 năm, chị cùng công ty đã ủng hộ 4.392 triệu đồng bao gồm: ủng hộ tiền mặt về Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ huyện; 14 tấn gạo, 530 bình oxy, 801.200 lít khí oxy, kít test nhanh, khẩu trang y tế, thuốc khử trùng, 330 giường sắt, tủ an toàn sinh học, máy lọc nước... Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến bất thường, chị Hồng đã tổ chức “Bếp ăn 0 đồng” hỗ trợ 6.000 suất ăn miễn phí cho các khu cách ly tập trung của huyện Thọ Xuân và Thường Xuân... Chị Hồng chân thành chia sẻ: “Cuộc đời mình cũng đã trải qua không ít khó khăn, cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều người nên luôn cảm thấy biết ơn, trân trọng. Bởi vậy, khi mình có điều kiện hơn, mình lại luôn mong muốn được lan tỏa tinh thần sẻ chia, nhân ái ấy”.

Tình yêu, lòng nhân ái, sẻ chia chính là liều thuốc tốt, êm ái chữa lành những vết thương, bù đắp những thiệt thòi, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nhận thức sâu sắc điều đó, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội. Các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, trao tặng gần 32.500 suất quà trị giá gần 15 tỷ đồng. Nhiều chương trình, mô hình an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo thiết thực, hiệu quả trở thành dấu ấn sâu đậm, được các cấp, các ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao như: xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2008 với mục tiêu mỗi tuần sẽ có một “Mái ấm tình thương”, góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc vận động ủng hộ xây dựng “Mái ấm tình thương” là một hoạt động thiết thực, nhân văn sâu sắc, do vậy đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cả nước, sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Tại Thanh Hóa, sau 14 năm thực hiện, hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 1.742 nhà mái ấm tình thương, trị giá gần 45 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, thông qua Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa và Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 300 triệu đồng giúp phụ nữ Lào xây dựng 6 nhà mái ấm tình thương.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Hội đã huy động được gần 500 triệu đồng để tổ chức các hoạt động như: Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại xã Yên Khương (Lang Chánh); 2 lớp xóa tái mù chữ cho 40 phụ nữ xã Trung Lý (Mường Lát); 2 cuộc truyền thông phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người thành niên vi phạm pháp luật cho hơn 200 phụ nữ huyện Quan Hóa; tặng hơn 200 suất quà, học bổng, mái ấm tình thương; tổ chức khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ xi măng xây dựng 100 hố rác hộ gia đình cho phụ nữ xã Trung Lý (Mường Lát), xã Nam Xuân (Quan Hóa)...

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”, câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một tuyên ngôn về lòng nhân ái, sẻ chia. “Phụ nữ là để yêu thương” và mỗi người phụ nữ hôm nay cũng đang góp phần kết nối, sưởi ấm những trái tim, lan tỏa tinh thần, thái độ sống tích cực, nhân ái, sẻ chia vì cộng đồng...

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]