(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn được thiên nhiên ưu ái ban cho một vùng danh thắng tươi đẹp, cùng với hàng chục di tích văn hóa lịch sử lung linh sắc màu huyền thoại. Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở TP Sầm Sơn được nhiều người biết đến đó là đền Độc Cước. Gắn với đền Độc Cước là lễ hội cầu mưa (đảo vũ) hay còn được gọi là lễ hội bánh chưng - bánh dày mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân phố biển.

Lễ hội bánh chưng - bánh dày gửi gắm khát vọng của người dân phố biển

Sầm Sơn được thiên nhiên ưu ái ban cho một vùng danh thắng tươi đẹp, cùng với hàng chục di tích văn hóa lịch sử lung linh sắc màu huyền thoại. Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở TP Sầm Sơn được nhiều người biết đến đó là đền Độc Cước. Gắn với đền Độc Cước là lễ hội cầu mưa (đảo vũ) hay còn được gọi là lễ hội bánh chưng - bánh dày mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người dân phố biển.

Lễ hội bánh chưng - bánh dày gửi gắm khát vọng của người dân phố biểnRước kiệu trong lễ hội bánh chưng - bánh dày (TP Sầm Sơn).

Đền Độc Cước ngự trên hòn Cổ Giải thuộc dải núi Trường Lệ, TP Sầm Sơn. Đền Độc Cước lấy tên vị thần được thờ ở đây làm tên gọi của ngôi đền. Thần Độc Cước là vị thần bán thân (một chân) với tên Thánh là “Độc Cước Chân Nhân” hay “Sơn Tiêu Độc Cước”. Các triều đại Lê, Nguyễn đã sắc phong cho thần là “Thượng Thượng Đẳng Thần” và được xếp trong nhóm các vị thần bất tử của Việt Nam. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 8 sắc phong cho thần qua các triều đại. Đây thực sự là tài sản vô cùng quý giá cần được hậu thế giữ gìn cẩn thận.

Ngôi đền Độc Cước được xây dựng vào thời nhà Trần, tu bổ và tôn tạo vào thời nhà Lê, Nguyễn. Lần tu bổ gần đây nhất là năm 2006, đến năm 2008 ngôi đền tu bổ hoàn thành kịp thời phục vụ đời sống tín ngưỡng của Nhân dân và du khách. Không gian đền Độc Cước được chia làm 3 khu vực: phía Nam bên tả là phủ thờ Mẫu; phía Bắc bên hữu là tháp nghinh phong và khu vực trung tâm từ tam quan vào chính là nơi thờ thần Độc Cước. Ngôi đền được xây dựng theo một thể thống nhất: nhà thấp, cột gỗ to, lớp ngói cũ kiến trúc hình chữ Đinh (dân gian gọi là kiến trúc chuôi vồ). Địa thế ngôi đền ở nơi đầu sóng, ngọn gió và trải qua bao phen giặc dã, chiến tranh nhưng vẫn còn vẹn nguyên.

Trên đất nước ta, thần Độc Cước được thờ ở các đền, chùa từ Quảng Ninh cho đến Hà Tĩnh, nhất là ở hải đảo và các vùng ven biển, ven sông hoặc trên các trục đường quốc lộ giao thông chính ở đồng bằng Bắc bộ, với khoảng trên 300 điểm thờ khác nhau. Song, đền Độc Cước ở TP Sầm Sơn chính là nơi xuất phát tín ngưỡng đầu tiên và cũng là điểm thờ thần Độc Cước đầu tiên trong cả nước. Vì vậy thần Độc Cước là vị thần thành hoàng đem sức mạnh và phép màu để bảo vệ cho Nhân dân Sầm Sơn luôn được thuận buồm xuôi gió, quốc thái dân an. Với những giá trị linh thiêng, ý nghĩa sâu sắc đó, ngày 27-4-1962 đền Độc Cước đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 31-12-2019, đền Độc Cước thuộc Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh TP Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Gắn liền với đền Độc Cước linh thiêng là lễ hội cầu mưa, hay còn được gọi là lễ hội bánh chưng - bánh dày. Lễ hội là lễ đại tế đền Độc Cước, là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân vùng biển Sầm Sơn. Có thể nói, nguồn gốc sâu xa của lễ hội bánh chưng - bánh dày chính là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, vượt qua sự khắc nghiệt bất thường của thời tiết để mùa màng tốt tươi. Vì vậy, lễ vật chính của lễ hội là bánh chưng, bánh dày, tượng trưng cho trời - đất, âm - dương. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, ngành văn hóa - thông tin Sầm Sơn đã sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng kịch bản lập tờ trình xin các cấp chính quyền cho khôi phục lại lễ hội độc đáo này. Năm 1992 sau khi được các cấp chính quyền cho phép, Sầm Sơn quyết định chọn ngày 12-5 âm lịch hàng năm để tổ chức lễ hội bánh chưng - bánh dày tại sân đền Độc Cước. Lễ hội có quy mô toàn vùng, lễ vật chính là bánh chưng, bánh dày để cúng tế trời - đất. Bởi lẽ, bánh chưng vuông biểu tượng cho đất (âm); bánh dày tròn biểu trưng cho trời (dương). Sự độc đáo và thiết thực của lễ hội chính là việc người dân được dùng các sản vật, thành quả lao động của mình để làm lễ vật dâng cúng thần linh và trời - đất.

Lễ hội bánh chưng - bánh dày thường gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Đây là một lễ hội phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước kết hợp với cư dân đánh cá ven sông, ven biển. Cư dân vùng biển Sầm Sơn hầu hết là “bán nông, bán ngư” nên lễ hội cũng hết sức độc đáo cả về thời gian tổ chức lễ hội (tháng 5 âm lịch hàng năm) và lễ vật (bánh chưng, bánh dày). Từ xa xưa, các vị tiền nhân đã đặt ra lệ khảo bánh (chấm bánh) nhằm rèn luyện kỹ năng, sự khéo léo, tinh nhạy trong lao động chế biến thức ăn. Bởi, bánh chưng, bánh dày là một loại lương thực dự trữ, phù hợp tiện lợi cho ngư dân đi xa trên biển nhiều ngày.

Lễ hội bánh chưng - bánh dày TP Sầm Sơn cũng đóng vai trò như một hoạt động tập trung thể hiện các giá trị tinh thần cũng như vật chất của cộng đồng ấy. Lễ hội như là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của ngư dân, đó là cuộc sống hội hè, đình đám sống động đậm màu sắc truyền thống dân gian. Từ đó, tất cả mọi người tham gia lễ hội đều cảm thấy hưng phấn, thăng hoa trong một không khí vui vẻ, trang nghiêm vừa trần tục, vừa linh thiêng. Vì vậy, lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc, đem lại niềm vui và gửi gắm khát vọng cho cộng đồng.

Như thường lệ, lễ hội bánh chưng – bánh dày năm 2022 diễn ra vào ngày 12-5 âm lịch (10-6 dương lịch) tại sân đền Độc Cước, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn. Lễ hội bắt đầu với màn thi rước kiệu của 7 làng thuộc 5 phường: Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Tiến và Quảng Cư. Mỗi làng tham gia rước kiệu có một mâm hoa quả sơn trang đặt trang trí trước kiệu. Phần rước kiệu truyền thống có 3 tiêu chí: đủ lễ, đẹp đội hình, đúng quy định. Cùng với các đoàn rước kiệu có sự tham gia của các đoàn diễu hành mặc trang phục lễ hội, cầm cờ hội hoặc cờ Tổ quốc và có mâm lễ dâng tại khu vực sân đền. Ngay từ tờ mờ sáng, các đoàn rước kiệu từ nơi tập kết đi theo đường Hồ Xuân Hương lần lượt đi bộ thành hàng dài đến sân đền Độc Cước. Đi đầu là đội rồng và đội múa lân của đình chùa Lương Trung (phường Bắc Sơn); đội múa lân làng Lộc Trung (phường Quảng Tiến). Tiếp theo là xe nhạc rước của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn. Sau đó lần lượt đến kiệu đền Tô Hiến Thành, kiệu đền Hoàng Minh Tự, kiệu đền Bà Triều, kiệu đền Đề Lĩnh, kiệu đình chùa Lương Trung, kiệu đền Cá Lập, kiệu đền Lộc Trung. Đi sau cùng là đoàn tham gia rước kiệu của các xã, phường.

Sau khi các đoàn đã về nơi tập kết đúng vị trí, lễ hội được tổ chức khai mạc. Mở đầu phần lễ, các đại biểu lên dâng hương tại hương án lễ hội; diễn văn khai mạc; chúc văn; đánh trống khai hội; chương trình nghệ thuật; lễ tế. Phần hội diễn ra sôi nổi với màn thi làm bánh dày giữa các làng. Kết thúc lễ hội, ban tổ chức sẽ trao thưởng cho các đội thi, phát lộc cho Nhân dân và du khách để cùng thụ lộc, cầu mong những điều may mắn, bình an và sức khỏe cho mọi người. Lễ hội bánh chưng – bánh dày đã để lại ấn tượng sâu sắc, qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch của TP Sầm Sơn đến với bạn bè, du khách; từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành “Thành phố của lễ hội”. Đồng thời, tiếp tục xây dựng TP Sầm Sơn ngày càng văn minh, thân thiện; xây dựng hình ảnh đất và người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè và du khách.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]