(Baothanhhoa.vn) - “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”  vừa là tinh thần, vừa là quyết tâm, cũng đồng thời là mục tiêu đầy tính nhân văn của công cuộc giảm nghèo hiện nay. Để hiện thực hóa tinh thần ấy, Ủy ban MTTQ đang là một trong những lực lượng chính trị tiên phong, giữ vai trò vừa là động lực, vừa là cầu nối, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Thanh Hóa với đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa:

Lan tỏa yêu thương tới người nghèo!

“Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” vừa là tinh thần, vừa là quyết tâm, cũng đồng thời là mục tiêu đầy tính nhân văn của công cuộc giảm nghèo hiện nay. Để hiện thực hóa tinh thần ấy, Ủy ban MTTQ đang là một trong những lực lượng chính trị tiên phong, giữ vai trò vừa là động lực, vừa là cầu nối, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo bền vững. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Thanh Hóa với đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa.

Lan tỏa yêu thương tới người nghèo!

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận kinh phí ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ, của Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Phóng viên: Vì sao có thể khẳng định, giảm nghèo là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng giàu tính nhân văn, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Giảm nghèo là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Cách đây 74 năm, ngay khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đói nghèo là một trong ba thứ giặc phải phòng chống, diệt trừ”. Người cũng đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”!

Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Giảm nghèo đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia mà Việt Nam đã cam kết với Liên hợp quốc. Đây là nhiệm vụ lâu dài và đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực vật chất và tinh thần rất to lớn. Song đây cũng là mục tiêu hết sức nhân văn và có tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt hướng đến con người, vì con người, trong đó có những người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, chương trình quốc gia này còn ví như chất keo gắn kết tình người, hay là nơi khẳng định đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta một cách trọn vẹn.

Phóng viên: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và có tính lan tỏa mạnh mẽ nhất hiện nay. Vậy xin đồng chí cho biết, phong trào này đã và đang được triển khai ở tỉnh ta ra sao?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Hưởng ứng lời kêu gọi “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 289-QĐ/TU về ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể đã tập trung tổ chức triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách và chương trình lớn, liên quan đến công tác giảm nghèo. Đồng thời, dành nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Từ đó, công tác giảm nghèo ở tỉnh ta đã và đang giành được những kết quả to lớn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức triển khai bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”; huy động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, đồng thời MTTQ trực tiếp làm cầu nối, gắn kết giữa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với người nghèo. Cùng với đó, MTTQ đã hiệp thương với các tổ chức thành viên như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... để xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo, các tổ hợp tác, tổ liên kết ngay tại cộng đồng. Từ đó, phát huy vai trò, nội lực, trách nhiệm của cộng đồng và bản thân người nghèo để công tác giảm nghèo có được kết quả bền vững.

Phóng viên: Những kết quả đạt được từ phong trào, đã và đang góp phần nhân lên tinh thần đoàn kết, yêu thương và mở ra những hy vọng mới cho người nghèo ra sao, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Như đã khẳng định, giảm nghèo là chương trình mục tiêu quốc gia có giá trị nhân văn sâu sắc. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, phong trào đã đạt được nhiều thành quả to lớn, tác động trực tiếp và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nhất là các huyện nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,53%/năm, đưa Thanh Hóa thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Sản xuất có bước phát triển, nhờ đó việc làm, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn... Những thành quả đạt được đã nhân lên niềm tin và hy vọng về sự đổi thay cuộc sống cho các hộ nghèo. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, hướng thiện trong cộng đồng. Từ đó, tạo sự đồng thuận, đồng lòng và từng bước phát huy sức mạnh nội lực toàn xã hội, lấy sức dân chăm lo cho dân, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế.

Phát huy nguồn lực nội sinh

Phóng viên: Trong chương trình giảm nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thì việc khơi dậy tinh thần, ý chí vươn lên của bản thân người nghèo mới là điều kiện tiên quyết, nhằm mang lại kết quả bền vững. Phải vậy không thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Đúng như vậy! Nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho công tác giảm nghèo là rất quan trọng, nhưng nguồn lực nội sinh trong nhân dân, để tạo ra tổng hòa các nguồn lực vật chất và tinh thần cho chương trình giảm nghèo mới mang lại những thành quả vững chắc.

Muốn vậy, việc khơi dậy ý thức, ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu của bản thân người nghèo được xem là điều kiện tiên quyết trong công cuộc giảm nghèo. Từ đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội bằng các giải pháp, cách làm thiết thực tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hỗ trợ để người nghèo tự tin phấn đấu vươn lên chủ động lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phóng viên: Xây dựng quỹ “Vì người nghèo” thu hút sự tham gia của mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân là minh chứng cho truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc ta. Vậy xin đồng chí cho biết ý nghĩa và giá trị thực tế của việc huy động, sử dụng quỹ “Vì người nghèo” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh ta hiện nay?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Phát huy trách nhiệm, tình cảm và truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam và các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai “Tháng cao điểm Vì người nghèo” và huy động quyên góp, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”. Qua đó, thu hút sự tham gia đóng góp của mọi thành phần, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh Thanh Hóa, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh...

Sau 3 năm triển khai phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo”, đã huy động ủng hộ được trên 61 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa hơn 2.095 ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, với tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 15 tỷ đồng cho các hoạt động khám chữa bệnh, học tập và khó khăn đột xuất cho hàng nghìn lượt người nghèo. Cùng với đó, hàng năm MTTQ và các đoàn thể, tổ chức thành viên đã trích quỹ, vận động và phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trao gần 5.000 suất quà có trị giá gần 20 tỷ đồng cho các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ này, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo như tổ chức các Câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; xây dựng và triển khai dự án chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo tại xã Xuân Sơn (huyện Thọ Xuân), xã Nga Tân (huyện Nga Sơn), xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh); Dự án Ngân hàng bò tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, tích cực ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Từ đó, tiếp tục đồng hành cùng người nghèo, vì mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, cũng như góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2015-2020.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, “Ngày vì người nghèo” không đơn thuần là cuộc vận động ủng hộ người nghèo, mà đang góp phần tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo và hạn chế nguy cơ tái nghèo. Quan điểm của đồng chí về điều này?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Với phương châm cùng hướng về và chăm lo cho người nghèo, “Ngày vì người nghèo” đã thực sự trở thành ngày để nhân lên những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp và gắn kết yêu thương trong toàn xã hội. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của Chính phủ và sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và đồng bào trong, ngoài nước. Với sự cộng đồng trách nhiệm và quan tâm của toàn xã hội, quỹ “Vì người nghèo” đã đóng góp cho công tác giảm nghèo. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ sản xuất, chữa bệnh dài ngày, hỗ trợ con em nghèo vượt khó, học giỏi và hỗ trợ khó khăn; tặng quà cho các hộ nghèo nhân dịp lễ tết. Rất nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực được nhân rộng, người nghèo đang được động viên, giúp đỡ, hỗ trợ và sẻ chia ở tất cả các phương diện, từ vật chất đến tinh thần để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phóng viên: Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song những thách thức đặt ra trong công tác giảm nghèo cũng không hề ít. Vậy thưa đồng chí, để khắc phục được những hạn chế, thách thức này, cần thực hiện những giải pháp đột phá nào?

Đ/c Phạm Thị Thanh Thủy: Giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, vì vậy ở mỗi thời kỳ, qua từng giai đoạn phải có những kế hoạch cụ thể, phù hợp, sát đúng và hiệu quả.

Thực tế cho thấy, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng còn khó khăn; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế; một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, đây là khu vực thường xuyên gánh chịu thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu...

Chúng tôi cho rằng, để chủ trương lớn này tiếp tục thực hiện có hiệu quả, trước hết cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách đã và đang thực hiện để tiếp tục phát huy các chính sách có hiệu quả đồng thời xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách không phù hợp theo hướng hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện miền núi.

Có thể khẳng định, công tác giảm nghèo của tỉnh ta trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi rõ rệt đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, trước sự phát triển của đất nước, của tỉnh nhà, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần sớm đưa tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề để trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Dung (thực hiện)


Lê Dung (Thực Hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]