(Baothanhhoa.vn) - Năm 1964, nhằm cứu vãn sự thất bại thảm hại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ toan tính một mưu đồ mới: Mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lạch Trường dậy sóng

Năm 1964, nhằm cứu vãn sự thất bại thảm hại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ toan tính một mưu đồ mới: Mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Súng 14,5 ly của tàu 146 pháo thủ Đặng Đình Lống sử dụng trước khi hy sinh. Ảnh: Mai Hương

Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8-1964, đế quốc Mỹ liên tục cho tàu chiến xâm nhập vào hải phận Bắc Việt Nam để khiêu khích và dò la mạng lưới bố phòng quân sự ven biển của ta, nhằm tạo cớ mở rộng phạm vi chiến tranh.

Đêm 30 tháng 7, chúng cho tàu biệt kích ngụy bắn pháo bừa bãi lên đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An) và cho tàu khu trục Ma-đốc đột nhập vào hải phận của ta. Đêm 31-7 rạng sáng 1-8, tàu khu trục Ma-đốc đã tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình, vi phạm trắng trợn lãnh hải Bắc Việt Nam. Sau đó, chúng tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Tất cả các hành tung của tàu Ma-đốc đều bị các đơn vị ra đa của ta quan sát chặt chẽ.

Ngày 2-8-1964, tàu Ma-đốc xâm nhập vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường của Thanh Hóa. Biên đội tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 1 cùng 3 tàu phóng lôi của phân đội 3 - Tiểu đoàn 135 Hải quân được lệnh xuất kích đánh đuổi tàu Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Bột, nguyên phân đội trưởng Phân đội 3 kiêm thuyền trưởng tàu 333 hiện đang sống ở Nam Định, là người đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu quyết liệt để chống trả hành động ngang ngược của kẻ thù tại Lạch Trường. Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ huy tàu 333 vừa bắn pháo quét lên mặt boong tàu Ma-đốc, vừa cơ động rút ngắn khoảng cách để phóng ngư lôi.

Tàu Ma-đốc là tuần dương hạm hiện đại bậc nhất của Mỹ, được trang bị vũ khí tối tân vừa đối không vừa đối hải, có khả năng uy hiếp được cả tàu ngầm lẫn tàu phóng lôi. Ngoài ra, chúng còn có các biên đội tàu sân bay yểm trợ. Trong khi đó, lực lượng hải quân của ta vẫn còn non trẻ, mới chỉ có 3 năm tuổi. Rõ ràng, đây là một cuộc chiến đấu không cân sức, thế nhưng hải quân ta đã không nao núng trước kẻ thù.

Với lực lượng nhỏ bé, chiến đấu độc lập giữa ban ngày, Phân đội 3 đã ra quân trận đầu xuất sắc, bắn rơi một máy bay địch, bắn bị thương 1 chiếc khác và phóng lôi trúng tàu Ma-đốc, buộc chiếc chiến hạm này phải tháo chạy ra ngoài khơi.

Ngay sau hành động ngang ngược ở Lạch Trường, Mỹ lớn tiếng vu cáo “Tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Ma-đốc của Mỹ đang đi trên vùng biển quốc tế ”. Để những lời vu cáo đủ sức đánh lừa dư luận, đêm mồng 4-8-1964, Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, cho tàu Tooc-nơ-gioi và tàu Ma-đốc vừa hành trình ở vùng biển quốc tế vừa bắn pháo ra xung quanh, rồi phát đi tín hiệu bị tấn công, tạo chứng cứ giả để nhà cầm quyền Mỹ lu loa lên rằng: “Một cuộc tấn công cố ý thứ 2 trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt Nam đã đánh vào tàu Ma-đốc và Tooc–nơ–gioi khi 2 khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở Vịnh Bắc bộ trong hải phận quốc tế”.

“Sự kiện Vịnh Bắc bộ” chính là cái cớ để Mỹ tiến hành cuộc tiến công chiến lược gọi là “Mũi Tên Xuyên” nhằm “trả đũa”, mà thực chất là mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam.

Ngày 5-8-1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn trực tiếp ra lệnh cho 2 biên đội tàu sân bay, huy động gần 100 lượt máy bay đánh phá vào các mục tiêu kinh tế và các căn cứ của hải quân ta suốt từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta.

Tại Cửa Ròn và Cảng Gianh, giữa trưa 5-8, 8 máy bay địch từ biển lao vào phía Đèo Ngang. Các tàu hải quân ta đã kịp thời chặt xích neo, nhanh chóng cơ động chiến đấu.

Ông Lê Văn Bốn ở phường An Hoạch, TP Thanh Hóa, nguyên là lái tàu của tàu 123, thuộc Phân đội 5, khu tuần phòng 2, đã có mặt tại tâm điểm của cuộc chiến ở Cảng Sông Gianh, trực tiếp đối đầu với không quân Mỹ trong đợt tập kích đầu tiên của chúng ra miền Bắc. Ông cho biết lúc ấy là 12 giờ trưa, địch tập kích khá bất ngờ nên anh em thương vong nhiều.

Tại vùng biển Quảng Ninh, trưa 5-8-1964, ngay sau khi có điện cấp báo địch tập kích vào sông Gianh, các phân đội đã nhanh chóng triển khai lệnh tác chiến.

Ông Lê Đăng Nhự, quê xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 127 - khi ấy là học viên Trường Sĩ quan hải quân thực tập trên tàu săn ngầm 229, có mặt tại vùng biển Bãi Cháy - Quảng Ninh đúng vào thời điểm máy bay địch tập kích. Ông Nhự cho biết lúc ấy các tàu vừa chiến đấu, vừa cơ động tiến ra vịnh Hạ Long để tận dụng hình thế có các núi đá che chắn, đồng thời phối hợp với lực lượng phòng không bờ biển bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Trung úy An- vơ–rét.

Tại vùng biển Lạch Trường, 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu T130, T132, T146 ở khu trú đậu được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Mỹ cho 12 chiếc máy bay chia làm 2 tốp bắn phá các tàu. Với chiến thuật vừa đánh, vừa tránh, các tàu đã cơ động phối hợp bắn rơi 2 chiếc máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác.

Ông Lê Văn Tiếu, quê xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, nguyên là thuyền trưởng của tàu 187, Phân đội 7, có mặt tại khu vực Hòn Mát trong trận chiến 5-8. Khi máy bay địch bổ nhào bắn phá lần thứ 3, ông bị thương vào cánh tay trái. Lúc ấy thuyền phó và chính trị viên phó của phân đội đã hy sinh, không còn người thay thế, ông đã lệnh cho anh em cắt bỏ cánh tay beng leng trên cơ thể để khỏi vướng, ga rô cầm máu rồi tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến lúc ngất đi.

Nhiều người còn nhớ một câu chuyện cảm động về một người con của xứ Thanh trong trận đầu đánh Mỹ ngày ấy. Tại khu vực Lạch Trường, pháo thủ Đặng Đình Lống của Tàu 146 bị thương vào cả hai chân, nhưng kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Anh dùng thắt lưng cột chặt thân mình vào giá súng để tiếp tục bắn và quan sát máy bay, kịp thời truyền thông tin cho chỉ huy. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, góp phần bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Hiện nay, hai kỷ vật thiêng liêng là khẩu súng 14 ly 5 cùng chiếc thắt lưng của liệt sĩ Đặng Đình Lống được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân ở TP Hải Phòng. Mỗi khi đến thăm những kỷ vật này, những cựu chiến binh hải quân lại bồi hồi thương nhớ người đồng đội đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng, góp phần viết nên bản hùng ca trận đầu chiến thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Để hỗ trợ các tàu hải quân ngoài biển, lực lượng phòng không và dân quân các xã khu vực Lạch Trường đã dùng súng bộ binh bắn trả máy bay Mỹ. Ông Trần Văn Lự, khi ấy đang là bí thư đoàn, chính trị viên xã đội Hoằng Trường. Khi máy bay lao vào phía đất liền, ông đã trực tiếp dùng súng bộ binh bắn trả và sau đó cùng với nhân dân trong xã đưa tàu ra biển tìm kiếm cứu hộ tàu hải quân bị đắm. Ông Lự đã cùng bà con ở Hoằng Trường cứu được 16 chiến sĩ và tìm được 7 liệt si. Sau đó ông tham gia chôn cất liệt sĩ ngay tại địa phương, tổng số liệt sĩ lên tới 42 người. Gành đá Phổ Eo nằm trên mép biển xã Hoằng Trường chính là nơi tập kết anh em chiến sĩ hải quân đã hy sinh sau trận đánh. Thi hài liệt sĩ được đưa về tập kết tại Hoằng Trường, làm thủ tục mai táng và chôn cất tại nghĩa trang ở chân núi Đá Rùa. Một số liệt sĩ bị mất tích ngoài khơi.

Trong cuộc chiến đấu ấy, có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân luôn được các đồng chí CCB hải quân và nhân dân địa phương ghi nhớ: Bà Trương Thị Lợi, nguyên tổ trưởng cứu thương, xã Hoằng Trường đã thức suốt đêm theo xe đưa thương binh lên tuyến trên điều trị. Còn bà Lê Thị Thoa, nguyên dân quân xã Hoằng Trường đã tắm rửa, khâm liệm liệt sĩ để đưa đi chôn cất. Bà Nguyễn Thị Vi, nguyên là nữ chiến sĩ quân báo của xã đội Ngư Lộc, khi ấy chưa tròn 17 tuổi, đã dũng cảm lao thuyền ra biển dưới mưa bom để cứu bộ đội hải quân. Còn bà Tô Thị Đạo, khi ấy là bí thư chi đoàn, tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân xóm Hòa Ngư, xã Hòa Lộc đã tham gia hiến máu cứu thương binh. Đặc biệt, bà Hoàng Thị Khuyên, một nữ dân quân của xã Hòa Lộc, trong tình thế nguy cấp chiến sĩ hải quân Trần Đình Huyến bị thương vào bụng, vết thương quá nặng mà không có gì băng bó, bà đã cởi phăng chiếc áo đang mặc trên mình để buộc cho anh. Ông Hoàng Văn Mão, nguyên xã đội trưởng dân quân Hòa Lộc, là một người bơi rất giỏi, đã bơi bộ ra tận khu vực tàu hải quân bị đắm, lặn xuống biển để tìm vớt thi hài liệt sĩ và sau đó lại trực tiếp hiến máu cứu thương binh.

Con đường nối từ xã Hòa Lộc lên huyện lỵ Hậu Lộc dài 6 cây số khi ấy còn nhỏ bé và rất lầy lội. Để xe ô tô có thể về đón thương binh kịp thời, huyện Hậu Lộc đã huy động tới 1.500 người đốt đuốc đắp đường suốt đêm. Ông Nguyễn Xuân Na, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc năm 1964 đã trực tiếp chỉ đạo công việc sửa đường và bố trí phương tiện, lực lượng hỗ trợ anh em hải quân.

Trong trận chiến đấu ngày 5-8-1964, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái. Cùng với chiến công ngày 2-8 đánh đuổi tàu khu trục Mỹ, chiến thắng ngày 5-8 đã mở đầu trang sử oanh liệt, hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam và được Chính phủ khẳng định “Là một trong những ngày lịch sử đáng ghi nhớ nhất của sự nghiệp xây dựng quân chủng hải quân và là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta”.

Riêng tại Thanh Hóa, trong cả 2 đợt chiến đấu ngày 2 và 5-8, đã có 2 máy bay cùng giặc lái bỏ xác ở Lạch Trường, 3 chiếc khác bị thương. Những mảnh xác chiếc máy bay rơi tại Lạch Trường ngày ấy nay vẫn được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng hải quân. Ngày 5-8-1964 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc; tại Thanh Hóa đó là ngày kỷ niệm Chiến thắng Lạch Trường.

Lạch Trường năm xưa, nay đã trở thành một vùng cửa biển đông vui, với những đoàn tàu đánh cá hàng ngày nhộn nhịp ra khơi vào lộng. Và những nữ dân quân làng biển ngày ấy có người mới chỉ ở độ tuổi trăng tròn, nay đều đã trở thành những lão ông, lão bà, có người đã về nơi thiên cổ. Cuộc chiến đấu tại Lạch Trường hơn nửa thế kỷ trước đã ghi một mốc son trong lịch sử dân tộc và trở thành dấu ấn vinh quang trong truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Biển Lạch Trường vẫn dâng tràn sóng vỗ... Biển vẫn kết tinh, lắng đọng những hạt “phù sa trắng” dâng đời, để tuổi trẻ hôm nay ngân mãi lời ca thấm đẫm vị “gừng cay muối mặn” của quê hương. Biển sẽ không bao giờ quên quá khứ đau thương mà hào hùng của cha ông ta. Biển không bao giờ quên tình quân dân thắm thiết. Biển không bao giờ quên những giọt máu hồng đã tan hòa trong sóng biếc, không bao giờ quên những con người tuổi thanh xuân của “mùng 5 tháng 8” lịch sử đã mãi mãi nằm lại giữa lòng đại dương bao la...


Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]