(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một con đường xuyên biển Đông, nối từ miền Bắc vào tận chót mũi Cà Mau: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Và trên suốt dặm dài đất nước, cũng có những con người đã hiến dâng tuổi xuân, máu đỏ, góp phần kiến tạo nên con đường trên sóng ấy, họ là những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 125 Hải quân, thường được gọi với biệt danh “Đoàn Tàu Không số”. Giờ đây, trên mọi miền quê biển từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh nào cũng có những di tích, dấu ấn của đường Hồ Chí Minh trên biển và những nhân chứng của đoàn Tàu Không số năm xưa.

Huyền thoại trên sóng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một con đường xuyên biển Đông, nối từ miền Bắc vào tận chót mũi Cà Mau: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Và trên suốt dặm dài đất nước, cũng có những con người đã hiến dâng tuổi xuân, máu đỏ, góp phần kiến tạo nên con đường trên sóng ấy, họ là những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 125 Hải quân, thường được gọi với biệt danh “Đoàn Tàu Không số”. Giờ đây, trên mọi miền quê biển từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh nào cũng có những di tích, dấu ấn của đường Hồ Chí Minh trên biển và những nhân chứng của đoàn Tàu Không số năm xưa.

Huyền thoại trên sóngNhững đồng đội Đoàn Tàu Không Số vui mừng gặp lại nhau tại nhà Thiếu tá Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn) ở TP Huế. Ảnh: Kiều Huyền

Để cung cấp vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, tháng 7-1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược bằng đường biển vào Nam. Từ đây, xuất hiện một đoàn tàu hoạt động trên biển Đông, với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa vào Nam phục vụ kháng chiến.

Hải Phòng - Quảng Ninh là nơi “đầu nguồn” của Đoàn Tàu Không số, là điểm xuất phát của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Một trong những điểm đầu của tuyến đường là cầu cảng K15, thuộc địa phận Đồ Sơn. Có gần 100 tàu với tổng số 168 chuyến đi xuất phát tại đây. K15 - bến tàu “không số”, còn được gọi là “cây số không”, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2008. Cùng với K15, Bến cảng K20 ở Thủy Nguyên, Bến Nghiêng ở Vạn Hương (Hải Phòng) cũng là di tích lịch sử của Tàu Không số đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hệ thống các cảng biển ở Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh) là cửa ngõ ra vào của những con Tàu Không số. Gọi là “Tàu Không số” không phải vì tàu không có số, mà thậm chí mỗi con tàu đều có rất nhiều số. Khi vào ăn hàng thì tàu không gắn số, nhưng trên hành trình thì liên tục thay đổi số, màu sơn, màu cờ để tránh sự theo dõi của địch, bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt trong kháng chiến. Vịnh Hạ Long có những ngọn núi nổi lên giữa lòng biển, trong đó có các hang động tự nhiên, chính là những kho tàng bí mật cất giấu vũ khí để những con Tàu Không số vận chuyển vào Nam.

Tỉnh Quảng Bình là nơi thành lập Tập đoàn đánh cá sông Gianh, thực chất là Tiểu đoàn 603 vận tải quân sự đường biển, tiền thân của Đoàn Tàu Không số. Địa danh này có nhiều điểm thuận lợi cho những con tàu tập kết và khởi phát hành trình vượt biển Đông. Tại Quảng Bình có 29 cán bộ, chiến sĩ tham gia Tập đoàn đánh cá sông Gianh, họ đã có hàng chục chuyến vận tải vũ khí, hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, bệnh xá Đặng Thùy Trâm là nơi đã từng cứu chữa thương, bệnh binh của Đoàn Tàu Không số. Ngày 29-2-1968, tàu 43 vào vùng biển Quy Thiện thì bị địch phát hiện, anh em chiến đấu quyết liệt và phá hủy tàu, có 3 người hy sinh, 14 người may mắn được bà con địa phương cứu giúp, đưa vào bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Sau khi chữa lành vết thương, anh em lại vượt Trường Sơn ra Bắc, tiếp tục những chuyến đi mới. Sau này, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh; cuốn nhật ký chị để lại có những dòng thấm đẫm nghĩa tình dành cho anh em chiến sĩ Tàu Không số.

Tại vùng biển Phú Yên có di tích Tàu Không số Vũng Rô. Tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy đã ba lần cập bến Vũng Rô thành công, chi viện hàng trăm tấn vũ khí góp phần mở rộng vùng giải phóng khu 5. Vịnh biển này đã ghi dấu chiến công của Đoàn Tàu Không số, nhưng cũng là nơi máu của các cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống. Đầu tháng 2-1965, tàu 143 cập bến giao hàng xong thì bị địch phát hiện, phải đánh bộc phá hủy tàu, hủy hàng và phá vòng vây rút lui. Sự kiện Vũng Rô là một tổn thất lớn của ta, đồng thời cũng khiến địch hoang mang khi phát hiện ra sự thâm nhập của Bắc Việt vào Nam bằng đường biển.

Tại Khánh Hòa có di tích Hòn Hèo, nơi ghi dấu sự kiện tàu 235 và 14 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh. Một phần thân tàu 235 nay vẫn còn nằm lại trên sườn núi. Trong cuộc chiến đấu này, ông Lê Duy Mai quê Thanh Hóa là máy trưởng của tàu, cùng 4 đồng đội khác đã may mắn sống sót sau 13 ngày đêm lang thang đói khát trong rừng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có di tích Bến Lộc An. Bến được mở từ tháng 9-1963, một trong những điểm tiếp nhận hàng của Tàu Không số. Tại đây đã có 3 chuyến tàu với 100 tấn vũ khí cập bến an toàn. Chuyến đi của tàu 56 vào Bến Lộc An tháng 11-1964, đã kịp thời cung cấp vũ khí góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Tỉnh Bến Tre có Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc - Nam tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Trong cả hai cuộc kháng chiến, từ năm 1946 đến năm 1970, đã có trên 20 chuyến tàu, chở hàng ngàn tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, cập bến Cồn Bửng, Cồn Lợi, Vàm Khâu Băng, Cồn Lớn của vùng căn cứ Thạnh Phong, rồi được chuyển tiếp đến các chiến trường miền Đông và Tây Nam bộ.

Hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là nơi có nhiều bến tiếp nhận vũ khí của Tàu Không số. Gành Hào, khu vực cửa biển tiếp giáp giữa hai tỉnh, năm 1970 đã diễn ra sự kiện lịch sử đối với tàu 154. Sau 5 ngày vòng qua hải phận 4 nước để tránh địch, tàu 154 vào bến trả hàng giữa ban ngày, nơi chỉ cách đồn địch chưa đầy 1km, mà vẫn rút ra an toàn. Chuyến đi này đã ghi thêm một kỳ tích cho Đoàn Tàu Không số.

Tỉnh Cà Mau là nơi Đoàn 962, đơn vị bến của Tàu Không số có nhiệm vụ tổ chức bến bãi đón tàu vào; các cụm bến đã tiếp nhận 124 chuyến tàu, với 6.613 tấn vũ khí. Cà Mau là nơi đón nhiều tàu nhất, cũng là nơi hy sinh đổ máu nhiều nhất trong toàn tuyến bến bãi. Vàm Lũng là bến cuối cùng của Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc huyện Ngọc Hiển. Trong 10 năm từ 1962 đến 1972, đã có 77 chuyến tàu vào cập bến Vàm Lũng thành công. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND)”.

Đoàn Tàu Không số được xem là huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Làm nên huyền thoại ấy là những con người hết sức bình dị, dù xuất thân khác nhau nhưng đều có chung một lòng yêu nước và ý chí, quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tại Huế có một vị Hoàng thân nhà Nguyễn là ông Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn, khi tham gia hoạt động cách mạng lấy tên là Phan Thắng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đoàn Tàu Không số, rồi làm Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt, một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh” trên biển đã lập nhiều chiến công hiển hách.

Trong Đoàn Tàu Không số, vị thuyền trưởng của con tàu đầu tiên chở vũ khí vào nam Phương Đông 1 là con một gia đình giáo học có quốc tịch Pháp, nên ông có tên tiếng Pháp là Abel René, khi tham gia hoạt động cách mạng ông lấy tên là Lê Văn Một. Đêm 11-10-1961, tại Bến K15, Lê Văn Một - thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa - chính trị viên, đã điều khiển con tàu gỗ Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí hướng về phương Nam, thực hiện chuyến đi mở đường thành công. Đêm 3-10-1963, Lê Văn Một tiếp tục làm thuyền trưởng tàu 41, đưa vũ khí vào miền Đông Nam bộ, mở bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay trước đồn Phước Hải của địch.

Ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có một “địa chỉ đỏ”, là gia đình ông Lê Hà. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Hà cùng ba má và em trai hoạt động tại Bến Lộc An. Má ông là Mười Riều đã hiến 10 cây vàng, mua tàu để ông Lê Hà cùng đồng đội là ông Nguyễn Sơn - xã đội trưởng xã Phước Hải - vượt biển ra Bắc xin vũ khí.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Sơn đã trực tiếp tham gia 23 chuyến tàu chở vũ khí vào Nam. Ông còn làm nhiệm vụ đặc biệt chở các đồng chí Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh ra Bắc trong chuyến đi tháng 11-1973.

Tỉnh Thanh Hóa có cựu chiến binh Vũ Trung Tính đã tham gia tới 18 chuyến đi thành công, trong đó có những chuyến đi mở đường mang tính chất quyết định. Trong 3 con tàu mà ông gắn bó, đã có 2 tàu được tuyên dương Anh hùng LLVTND, đó là tàu 42 và tàu 154. Riêng tàu 154 ông Tính có 2 chuyến đi góp phần lập nên kỳ tích anh hùng.

Ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tổ chức 2 lần ra nước ngoài mua 16 tấn vũ khí cung cấp cho các chiến trường Nam bộ. Thời kỳ chống Mỹ, ông cũng là một trong những người đầu tiên khai phá đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm 1967 ông được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trên vùng rừng đước Cà Mau còn có một vị anh hùng khác của Đoàn Tàu Không số, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng. Ông chính là người đã tài tình dẫn dắt tàu 42 đi và về an toàn, thắng lợi trong chuyến đi tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 125 - Đoàn Tàu Không số - đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, xây dựng con đường biển Đông mang tên Bác, góp phần đưa dân tộc đến mùa xuân đại thắng. Lịch sử dân tộc mãi mãi khắc ghi tên tuổi của những con người đã hiến dâng thanh xuân, máu đào, lập nên kỳ tích trên biển cả quê hương, để có được hòa bình, độc lập, thống nhất cho Tổ quốc hôm nay.

Phù Sa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]